Loạt lời thoại nhói lòng ở "Lật mặt 7": “Mẹ chỉ có điều ước duy nhất, là được chụp chung với các con một tấm hình”
Bộ phim "Lật mặt 7" có những lời thoại mộc mạc, chẳng hề quá hoa mỹ nhưng vẫn chạm tới trái tim khán giả.
Lật mặt 7: Một điều ước là tác phẩm mang tới một Lý Hải rất mới với khán giả. Không còn những mảng miếng hài quen thuộc, không có những cảnh hành động, cháy nổ đã giúp anh làm nên thương hiệu nhiều năm qua. Đó là một Lý Hải mềm mỏng hơn, sâu sắc hơn khi nói về thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả nhất trong cuộc đời mỗi con người: tình mẫu tử. Và để khắc hoạ thứ tình cảm quý báu đó, Lý Hải đã lồng ghép không ít những câu thoại mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng lại có sức nặng rất lớn, đủ để người xem có những khoảng lặng dài.
1. Giàu cha, giàu mẹ thì ham. Giàu anh, giàu chị, ai làm nấy ăn. - Sáu Tâm
Thực chất lời thoại này của Sáu Tâm, con trai út trong nhà, là một câu ca dao với nhiều dị bản khác nhau. Thế nhưng chung quy thì nó cũng chỉ có chung một ý nghĩa. Út Tâm vừa có chút tủi hờn khi bản thân là đứa trẻ duy nhất trong nhà không được hiểu cảm giác “giàu cha”, vừa có chút trách cứ khi các anh chị của mình khó khăn lắm mới về đông đủ lại tiếc với mẹ một bữa cơm đoàn viên.
Phận làm út trong nhà, bản thân cũng chẳng khấm khá là bao nhưng Sáu Tâm hiểu chuyện và thương mẹ chẳng kém gì chị Ba Lành. Anh cũng hiểu cho tình cảnh của các anh chị, của một gia hình “giàu con cái”, hiểu rằng mỗi người nay đều đã lớn, đã rời xa vòng tay của mẹ và cũng phải gánh trên vai đủ thứ thứ lo toan nhọc nhằn. Hiểu nhưng vẫn có chút hờn, khi những người “ai làm nấy ăn” kia lại tiếc cả chút thời gian với chính gia đình chung của chính mình.
2. Mẹ chỉ có một điều ước duy nhất, là được chụp chung với các con một tấm hình. - Bà Hai
Chẳng ai ngờ một người mẹ có tới 5 đứa con, cả một đời vất vả vừa làm cha vừa làm mẹ lại chẳng dám mong cầu điều gì lớn lao cho bản thân, ngoại trừ một bức hình có đông đủ gia đình. Lời thoại này, cùng tấm ảnh mà bà Hai cắt dán những bức hình riêng của các con rồi ghép chúng lại với nhau, hẳn là khiến không ít khán giả cảm thấy đau lòng. Buồn cho bà Hai rồi lại tự vấn bản thân, rằng đã bao lâu rồi chúng ra không chụp hình chung với cha mẹ?
Những bức ảnh là thứ của để dành cho ký ức của mỗi người và với má Hai, nó còn là thứ tài sản quý báu mà bữa cơm thịnh soạn nhà Hai Khôn; cơ ngơi hoành tráng tại chỗ Năm Thảo đang sống hay kể cả những niềm vui tuổi già mà dì Ba Lệ, cô Thanh thường xuyên nhắc tới,... cũng không thể sánh bằng. Chẳng thể ngờ sau một thời lam lũ, vất vả, hi sinh mọi thứ vì các con, “tài sản” duy nhất mà má Hai có là bức tranh gia đình mà Hai Khôn vẽ hồi nhỏ cùng bức ảnh cắt dán vụng về không chứa xuể nỗi nhớ thương con của má.
3. Ba xin lỗi vì chỉ biết xây một ngôi nhà đẹp mà quên đi việc phải xây nên một ngôi nhà hạnh phúc. - Hai Khôn
Hai Khôn là con trai cả của má Hai cũng là người sống xa gia đình nhất và có sự nghiệp thành công nhất. Để trụ vững ở nơi thị thành đất chật người đông, trong căn nhà mà chỉ có duy nhất anh là người không thể nói giọng Bắc, Hai Khôn phải gồng mình để tạo cho bản thân và gia đình nhỏ một vỏ bọc hoàn hảo nhất. Nhìn vào gia đình của Hai Khôn với vợ đảm và hai đứa con đủ nếp, đủ tẻ, ai mà không ngưỡng mộ. Nhưng sống trong chăn mới biết chăn có rận, chỉ trong một tuần ngắn ngủi ở với gia đình con cả, má Hai nhận ra sự hào nhoáng và đẹp đẽ kia chỉ là một lớp vỏ bọc.
Hai Khôn và cả vợ cứ mải mê lao đầu vào kiếm tiền và tạo các mối quan hệ xã hội, cố gắng để cho hai con một cuộc sống đủ đầy về vật chất mà quên mất thứ cốt lõi tạo nên một gia đình là gì. Họ bận rộn đến độ không thể cùng nhau ăn một bữa cơm tử tế, cứ thể bỏ ngoài tầm mắt lá thư mời họp phụ huynh của con và tự lấp liếm cho những thiếu sót của bản thân bằng lời bào chữa rằng mình đã cho con xe sang, điện thoại xịn. Phải đến khi cô út nhà Hai Khôn không thể chịu đựng thêm nữa, tức tưởi mà nói ra những thiếu thốn của chính mình, khi bà Hai bất ngờ nhận lỗi thay con trai, Hai Khôn mới chua chát nhận ra vấn đề mà nghẹn ngào thốt lên: “Ba xin lỗi vì chỉ biết xây một ngôi nhà đẹp mà quên đi việc phải xây nên một ngôi nhà hạnh phúc.”
4. Mình già rồi phải tự tìm niềm vui cho mình chứ trông chờ vào mấy đứa nhỏ thì biết đến khi nào. - Cẩm Lệ
Một lời thoại không phải về tình mẫu tử, phụ tử nhưng đây lại là lời thoại dẫn đến một quyết định lớn lao trong cuộc đời má Hai. Sau mấy mươi năm chẳng có dịp ra khỏi con suối trước nhà, chỉ vì gãy một chân mà má Hai đã có một hành trình dài, từ Nam ra Bắc, lên núi xuống biển. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, má Hai bất đắc dĩ phải thấy những điều mà cả đời mình chưa từng thấy. Thậm chí bà còn có thêm cả người bạn mới là dì Ba Cẩm Lệ, chủ trọ nơi vợ cháu Sáu Tâm đang tá túc.
Cũng là người phụ nữ mất chồng và có đông con nhưng dì Ba lại là hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với má Hai. Dì hài lòng hoặc tự biết cách khiến bản thân hài lòng với cuộc sống hiện tại dù không có bất cứ người con nào đứng ra chăm sóc dì. Nếu má Hai chắt chiu từng đồng, chưa từng dám tiêu số tiền mà Hai Khôn cho, cả đời chỉ biết trồng hoa và quanh quẩn ở khu nhà cũ thì dì Lệ lại tân thời và tươi mới. Dì có nhiều những người bạn cùng lứa, thích đi văn nghệ, còn dùng cái tên Cẩm Lệ như “nghệ danh” thay vì cái tên Ba Lẹ mà má Hai biết. Dì cũng có một người đàn ông đang tán tỉnh, theo đuổi nhưng dì cứ thích “trêu đùa” mà mãi chưa thực sự mở lòng. Ai dám nói dì Ba không phải một người mẹ tốt? So với má hai, Cẩm Lệ chẳng quá nhọc nhằn, lo toan sớm tối. Nhưng việc dì sống vui vẻ và biết “Mình già rồi phải tự tìm niềm vui cho mình chứ trông chờ vào mấy đứa nhỏ thì biết đến khi nào” cũng là một cách để dì yêu thương và không tạo gánh nặng cho các con.
Số lời thoại hay của Lật mặt 7 có lẽ còn nhiều vô kể nhưng nó được đặt vào từng ngữ cảnh riêng, phù hợp với từng người. Trong khi đó, những lời thoại kể trên lại như tấm gương mà khán giả nào cũng có thể soi chiếu, để thấy phần nào những gì đã ra với mình, cha mẹ và cuộc sống xung quanh.