Loạt ảnh nồi xông chanh sả gừng được người dân Hà Nội chia sẻ nhiều nhất trên MXH lúc này: Bác sĩ cảnh báo những nguy hiểm!
Điều trị Covid-19 bằng cách xông hơi bằng hỗn hợp chanh, gừng, sả,… đang được nhiều người dân Hà Nội áp dụng.
Người người, nhà nhà đều xông hơi điều trị Covid-19
Những ngày qua, hình ảnh được người dùng mạng xã hội chia sẻ nhiều nhất là những nồi xông hơi sau khi mắc Covid-19. Người bệnh sử dụng các loại thảo dược như sả, gừng, chanh,… xông đều đặn mỗi ngày để nhanh khỏi bệnh.
Anh Đặng Thủy, 27 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tối 18/2 khi xuất hiện triệu chứng sốt. Anh đã chuẩn bị tâm lý vì một vài người thân trước đó đã nhiễm bệnh. Sau khi báo với y tế phường, anh được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị theo triệu chứng. Ngoài ra, anh còn xông hơi hỗ trợ điều trị Covid-19, mỗi ngày 3 lần vào sáng, chiều và tối.
Gừng mang sẵn từ quê Tuyên Quang lên, anh Thủy nhờ người mua thêm sả, rồi kết hợp "combo" gừng, sả, tỏi, chanh để xông. Lần đầu tiên xông, anh chưa quen với hơi nóng nên cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, những lần sau, thải được dịch mũi và long đờm, anh cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
"Bác sĩ khuyến cáo không nên xông nhiều, nhưng mỗi lần xông thấy nhẹ cả người, cảm giác rất hợp xông để nhanh khỏi bệnh", anh nói.
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, đỉnh điểm ngày 19/2 vượt 4.800 ca. Số ca mắc tăng cao sau kỳ nghỉ Tết do người dân di chuyển, giao thương nhiều nơi. Trước tình trạng này, Hà Nội đã ban hành công điện hỏa tốc nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, tuy số ca mắc tăng cao những ngày qua, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp nhưng tình hình vẫn "trong tầm kiểm soát". Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đến ngày 18/2, Hà Nội hiện có 161.745 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà, chiếm 96,74% tổng số F0.
Nhiều gia đình Hà Nội xông mỗi ngày để điều trị Covid-19 (Ảnh: Facebook)
Gia đình 3 thành viên của chị Thanh, 32 tuổi, quận Hà Đông, đều mắc Covid-19, gồm vợ chồng và con trai 7 tuổi. Anh Đức, chồng chị Thanh, là người khởi phát bệnh hôm 15/2, test nhanh vẫn âm tính. Tối hôm đó, anh sốt rét và lạnh, sáng 16/2 test nhanh lên "hai vạch". Chị Thanh và con trai cũng xuất hiện triệu chứng vào hôm sau, lần lượt đều mắc Covid-19.
Người phụ nữ cho biết vì bệnh "ập đến quá bất ngờ" nên không kịp chuẩn bị thảo dược xông hơi. Chị nhờ hàng xóm mua gừng, sả, tỏi và dầu gió, rồi cho tất cả hỗn hợp vào nồi, đun sôi xong mỗi ngày xông toàn thân 2 lần sáng và tối.
"4 ngày liên tiếp từ khi mắc bệnh, chồng tôi đều xông, cơ thể khỏe hơn và đỡ đau họng. Còn tôi và con trai chỉ xông hai ngày đầu, đến nay đã dừng", chị Thanh nói gia đình được y tế phường hướng dẫn sử dụng thuốc theo triệu chứng, hiện sức khỏe các thành viên đều ổn định.
Trẻ bị bỏng, xông hơi quá nhiều, bác sĩ đưa ra khuyến cáo!
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus, chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên nếu xông, đánh gió quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Theo bác sĩ Hoàng, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều, người bệnh nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần.
Bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cho biết ngày 18/2 anh vừa cấp cứu một bệnh nhi bị bỏng do xông người điều trị Covid-19. Bác sĩ Cường khuyến cáo, các F0 chỉ nên xông phòng, tuyệt đối không trùm chăn gây bỏng toàn thân trẻ em. Các bé nhỏ hơn 30 tháng không được xông trực tiếp, còn người lớn có thể xông mặt.
Để xử trí bỏng ở trẻ em, bác sĩ Cường cho hay, đầu tiên phải loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng. Cha mẹ cởi bỏ quần áo (đang có nước nóng), đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) ít nhất 20 - 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm. Tuyệt đối không dùng đá hoặc nước đá lạnh.
Bước 2, cha mẹ giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn nhưng tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng (như kem đánh răng,...). Bác sĩ lưu ý phụ huynh nên sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng.
Sau đó, cha mẹ cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước (hoặc oresol) để tránh mất nước, sốc do bỏng.
Nếu trẻ còn tỉnh táo, cha mẹ đưa con đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng 1 bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản.
Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng xông quá nhiều trong điều trị Covid-19 (Ảnh: Red Foxday)
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, trong quá trình tư vấn và điều trị F0, nhận thấy nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.
Theo bác sĩ Thiệu, việc xông mũi, họng bằng gừng, sả,... là một phương pháp thư giãn, không phải phương pháp điều trị Covid-19. Nếu lạm dụng, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
Theo hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược học cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 9/2021, người bệnh có thể dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp để xông phòng ở, nơi làm việc.
Phương pháp 1, người bệnh sử dụng các nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Theo khuyến cáo, các F0 có thể dùng một loại hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng.
Sau đó, người bệnh cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hoà tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Phương pháp 2, người bệnh sử dụng các nguyên liệu như tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
Tuỳ theo diện tích phòng (10 - 40m2), người bệnh lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hoà tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Bộ Y tế lưu ý, không được xông trực tiếp vào người, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.