Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự

18/10/2023 09:50 AM | Sống

Những bức ảnh hiếm tiết lộ diện mạo thật của các vị quan vào cuối triều nhà Thanh. Đây là những người nắm giữ các chức vụ quan trọng và có thể quyết định sự sống chết của rất nhiều người.

Nhà Thanh tồn tại gần 300 năm và được coi là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại này có giai đoạn phát triển cực thịnh khi trải qua ba đời hoàng đế Khang Hi, Ung Chính và Càn Long. Sử gọi giai đoạn này là "Khang - Càn thịnh thế".

Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, nhà Thanh suy yếu và có nhiều thay đổi. Lúc bấy giờ, triều đại này không chỉ phải đối mặt các sức ép từ bên ngoài mà còn phải giải quyết nhiều cuộc nổi loạn bên trong và những thất bại trong chiến tranh. Cuối cùng, nhà Thanh sụp đổ sau khi Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của Mãn Thanh, thoái vị vào tháng 2 năm 1912.

Vậy, trong thời kỳ cuối của nhà Thanh, các quan chức giữ vị trí trọng yếu trong triều có vẻ ngoài ra sao? Loạt ảnh quý hiếm dưới đây được chụp cách đơn hơn 100 năm sẽ phần nào tiết lộ đáp án cho câu hỏi trên.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 1.

Nhà ngoại giao Ngũ Đình Phương (1842 - 1922). Ông là một học giả xuất sắc vào cuối thời nhà Thanh.

Ngũ Đình Phương chính là một trong số ít người được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến hiện đại của phương Tây, đặc biệt là học ngành luật ở nước ngoài. Lúc sinh thời, Ngũ Đình Phương từng đảm nhận các chức vụ quan trọng như đại sứ của nhà Thanh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Trung Hoa Dân Quốc.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 2.

Bức ảnh chụp 3 vị quan lớn vào cuối thời nhà Thanh. Họ là Thẩm Quế Phân, Đồng Hiền và Mao Thường Hỉ.

Bức ảnh này đã thể hiện một cách sống động về dáng vẻ chân thực của quan lại vào cuối thời nhà Thanh. Ba người này nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình nhà Thanh. Cả ba đều toát nên vẻ sang trọng và sự uy phong của các vị quan có chức vụ cao.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 3.

Diệp Hách Na Lạp Thụy Lân (1809 - 1874) là một vị quan lớn vào cuối thời nhà Thanh. Ông có xuất thân từ cùng một gia tộc với Từ Hi Thái hậu.

Thụy Lân giỏi ăn nói nên ông có sự thăng ở chốn quan trường. Ông từng làm Tổng đốc Lưỡng Quảng (gồm Quảng Đông và Quảng Tây) từ năm 1865 - 1874. Đây được coi là chức quan lớn, nắm giữ quyền lực cả về quân sự và dân sự đối với hai tỉnh quan trọng này.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 4.

Một gia đình quan lại tiêu chuẩn vào cuối thời nhà Thanh. Nhiều người cho rằng hầu hết các gia đình trong xã hội phong kiến đều duy trì chế độ đa thê. Tuy nhiên, đây là một trong số ít gia đình duy trì chế độ một vợ, một chồng.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 5.

Đây là Đổng Tuân (1807 - 1892), Hộ bộ Thượng thư trong thời hoàng đế Đạo Quang. Vị đại thần này đã trải qua 4 thời trị vị của các hoàng đế Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị và Quang Tự. Đổng Tuân là vị quan lớn có nhiều đóng góp cho triều đình nhà Thanh, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 6.

Bức ảnh chụp Tả Tông Đường (1812 - 1885), một vị quan và danh tướng vào cuối đời nhà Thanh. Ông chính là người có công trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc.

Tả Tông Đường từng trải qua các chức vụ quan trọng như Tổng đốc Phúc Kiến – Chiết Giang, Tổng đốc Thiểm Tây - Cam Túc… Đặc biệt, ông từng đảm nhận nhiệm vụ đến Thiểm Tây đàn áp cuộc khởi nghĩa của Niệm quân, đồng thời là người dẫn quân chinh Tây, thu phục được Tân Cương về cho triều đình Nhà Thanh. Cuối đời, Tả Tông Đường làm Tổng đốc Lưỡng Giang và Quân cơ đại thân. Ông còn đóng vai trò lớn trong việc thành lập Hải quân Nha môn vào năm 1885.

Tả Tông Đường cùng với Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương và Trương Chi Động được xưng là "Vãn Thanh Tứ đại Danh thần" của nhà Thanh vào thời kỳ cuối.

Loạt ảnh hiếm của quan lại cuối nhà Thanh: Có “kinh thành tam thiếu” nổi tiếng thời hoàng đế Quang Tự  - Ảnh 7.

Sầm Xuân Huyên (1861 - 1933) là một vị quan lớn vào cuối triều nhà Thanh. Ông cùng với hai người khác được mệnh danh là "Kinh thành tam thiếu" vào thời hoàng đế Quang Tự trị vì.

Lúc sinh thời, Sầm Xuân Huyên từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tổng đốc Tứ Xuyên… Đặc biệt, từ năm 1918 - 1920, ông còn là chủ tịch tổng tài chính quyền quân sự Quảng Châu.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

Theo Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM