Loạn ‘phí giữ chỗ’ trường tư thục: Từ 1 triệu đến 30-40 triệu đồng/học sinh
Chưa kết thúc năm học nhưng nhiều trường ngoài công lập thông báo thu khoản tiền "phí giữ chỗ" cho năm học 2020-2021 từ 1-2 triệu đồng đến 30-40 triệu đồng/học sinh
Theo lý giải của các trường, “phí giữ chỗ" như một hình thức để "giữ chân" học sinh khi nộp hồ sơ vào trường trước khi bắt đầu năm học mới. Đây là khoản thu mang tính chất thỏa thuận với phụ huynh trên nguyên tắc tự nguyện. Nghĩa là hai bên ngồi lại với nhau, cùng trao đổi trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, hài hòa lợi ích.
Tuy nhiên thực tế hiện nay việc thu “phí giữ chỗ” ở nhiều trường ngoài công lập tại Việt Nam được “áp đặt” cho phụ huynh theo cách, nếu chấp nhận đăng ký vào trường thì phải nộp số tiền này, còn không thì “xin mời sang trường khác”.
Đáng nói hơn là loại phí này mỗi trường có một kiểu thu, tên gọi và mức khác nhau. Có trường gọi đó là phí ghi danh, phí đặt cọc, phí giữ chỗ, phí giữ suất học, phí đăng kí, phí nhập học...
Có trường thu mức phí chỉ 1-2 triệu đồng nhưng cũng có những trường lên tới 40-50 triệu đồng, khiến phụ huynh quay như chong chóng, không ít lần mất tiền oan.
Theo thông báo mới đây từ Hệ thống trường Horizon năm học 2020- 2021 dự kiến mức học phí từ 200-379 triệu đồng/năm/học sinh với 2 địa điểm ở Hà Nội, TP.HCM. Nhà trường cũng đưa ra phí nhập học áp dụng với học sinh mới và không hoàn lại là 25 triệu đồng kèm theo phí kiểm tra đầu vào 1,2 triệu đồng/học sinh.
Trường Quốc tế Mỹ (TAS), phụ huynh sẽ đóng khoản phí nhập học và nộp hồ sơ là 3,5 triệu đồng trước khi học sinh dự thi vào trường. Khoản phí này sẽ không hoàn lại.
Sau khi được nhận học, phụ huynh sẽ đóng khoản phí nhập học và đóng 1 lần trong suốt thời gian học tại trường. Ngoài ra, phụ huynh đóng thêm khoản phí đặt cọc 21 triệu đồng/năm cùng với học phí. Nếu thanh toán theo kỳ thì phí đặt cọc là 30 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền sẽ đóng mỗi năm.
Hệ thống trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội, phụ huynh cũng phải nộp hai loại "phí ghi danh" 1.050.000 đồng và "phí giữ chỗ" 10.500.000 đồng, khi nộp hồ sơ vào trường năm học 2020-2021.
Trong đó, nhà trường thông báo, "phí ghi danh" phụ huynh đóng 1 lần khi nhập học và không được hoàn lại. Còn khoản tiền "phí giữ chỗ" sẽ được trừ vào học phí của năm học tiếp theo.
Còn tại Trường Việt Mỹ (VAschool) với mức học phí từ 67,4 triệu đến 159 triệu/năm tuỳ theo độ tuổi. Khi vào trường, học sinh phải trải qua kỳ xét tuyển tiếng Anh, tâm lí đối với lớp 1 và xét tuyển tiếng Việt, tiếng Anh, tâm lí đối với lớp 6.
Phí xét tuyển là 1 triệu đồng để tổ chức cho học sinh mới làm các bài kiểm tra xếp lớp đầu vào. Khoản phí này chỉ đóng một lần và sẽ không được hoàn lại.
Ngoài ra, theo nhà trường, học sinh sẽ phải nộp “phí giữ chỗ’ 10 triệu đồng là khoản phí đăng ký nhập học năm học 2020-2021 giúp cho việc học tập của học sinh được sắp xếp chu đáo về: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các trang thiết bị và phương tiện dạy và học. Việc ghi danh và đóng phí giữ chỗ đúng hạn sẽ đảm bảo 100% chỗ học tập cho học sinh trong năm học 2020-2021 tại trường.
Khoản phí này sẽ được cấn trừ khi cha mẹ đóng học phí cho năm học 2020-2021. Sau 15 ngày kể từ ngày có kết quả đầu vào, nếu cha mẹ không hoàn tất việc đóng học phí hoặc các thủ tục nhập học cho năm học 2020-2021 thì khoản phí này không còn hiệu lực và không được khấu trừ.
Trường mẫu giáo Quốc tế Kinderworld có mức học phí là 238 triệu đồng/năm cũng thông báo mức phí ghi danh là 6,45 triệu đồng/học sinh. Đây là khoản phí không hoàn lại. Ngoài ra, phụ huynh còn đóng phí đặt cọc của trường là 20 triệu đồng cho mỗi năm học.
Trường Quốc tế Singapore công khai mức phí kiểm tra đầu vào là 2,94 triệu đồng/học sinh, phí ghi danh 21,5 triệu đồng/học sinh và phí đặt cọc là 15 triệu đồng/năm. Phí ghi danh sẽ không hoàn trả cho phụ huynh và phí đặt cọc sẽ phải đóng theo năm
Được biết, học phí của trường dao động từ 300-500 triệu đồng/năm tùy theo từng lớp học.
Tại Trường Quốc tế Canada (CIS) có mức học phí từ 281-653 triệu đồng/năm. Khi con nhập học, cha mẹ phải đóng khoản phí kiểm tra đầu vào 1,1-2,2 triệu đồng/học sinh. Sau đó, phụ huynh đóng phí nhập học cho con. Ở cấp mẫu giáo, phí nhập học là 33 triệu đồng/học sinh và phải thanh toán trong vòng 3 ngày khi trường thông báo chấp nhận.
Ngoài ra trường còn có phí giữ suất học là 20 triệu đồng/năm. Các khoản phí sẽ được đóng luôn đầu năm và không hoàn lại.
Việc thu phí giữ chỗ gây ra nhiều tranh cãi, luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Công ty Luật TNHH Dragon) khẳng định khoản thu trên là sai quy định.
Ông Long cho rằng bản chất số tiền mà phụ huynh phải đóng góp cho các trường ngoài công lập khi nộp hồ sơ nhập học cho con theo Bộ luật Dân sự là khoản tiền đặt cọc.
Về quan điểm một số trường cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc đặt ra các khoản thu dựa trên thống nhất với phụ huynh chứ không phải theo Luật Giáo dục , ông Long cho rằng đó chỉ là sự biện minh.
Giáo dục là hoạt động chuyên ngành chịu sự quản lý trực tiếp từ phòng, sở giáo dục các địa phương. Dù công ty có đăng ký thành lập tại sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố có trụ sở chính theo Luật Doanh nghiệp, công ty là chủ đầu tư, đơn vị chủ quản của trường học nhưng ngành nghề giáo dục là ngành nghề có điều kiện.
Do đó, để trường có đủ điều kiện đi vào hoạt động cần phải có giấy phép con do Sở GD&ĐT cấp. Rõ ràng, trường học hoạt động vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục, chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quan ngành giáo dục tại địa phương.