Loài vật kỳ dị bậc nhất thế giới ở Việt Nam: Chỉ 7 nước có, "anh em" của linh trưởng, nuôi con trong túi
Đây là một trong những loài vật cực kỳ hiếm gặp ở Việt Nam.
Nội dung chính
|
Loài vật có thể lượn xa tới khoảng cách 70m
Việt Nam có một loài vật vô cùng kỳ lạ, là thú nhưng lại có "cánh", có thể lượn như chim. Chúng thường hoạt động vào ban đêm và rất khó để quan sát trong tự nhiên vì chúng thường xuyên ẩn mình và xuất hiện một cách bất ngờ. Đó chính là chồn bay Sunda. Chồn bay Sunda cũng được xếp hạng là một trong các loài vật kỳ dị bậc nhất trên thế giới.
Chồn bay Sunda hay còn gọi là chồn bay (Galeopterus variegatus) và được biết với các tên gọi khác như chồn bay Malaya hay vượn cáo bay Colugo, thuộc họ Cynocephalidae và bộ Dermoptera. Loài này được Audebert công bố mô tả lần đầu vào năm 1799. Chồn bay Sunda phân bố ở Đông Nam Á, bao gồm 6 nước là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Singapore.
Đến thời gian gần đây, chồn bay Sunda được nhận diện là một trong hai loài chồn bay tồn tại, cùng với chồn bay Philippine (Cynocephalus volans) - loài chỉ có mặt ở phía nam Philippines. Sau khi phân tích ADN từ chồn bay Sunda ở bán đảo Mã Lai, Borneo và Java, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng sự khác biệt di truyền giữa chúng đủ lớn để xem xét việc phân loại chúng thành các loài riêng biệt. Mỗi quần thể chồn bay trên các đảo này cũng có đặc điểm ngoại hình nhẹ nhàng khác nhau; ví dụ, chồn bay ở Borneo có kích thước nhỏ hơn và lông của chúng có sự biến đổi màu sắc rõ rệt, từ những đốm đến màu sắc tối một màu.
Chồn bay Sunda là loài động vật thuộc nhóm 1 trong Sách đỏ Việt Nam và được xem là quý hiếm. Bất kỳ hành vi săn bắt hay mua bán loài này đều bị cấm theo pháp luật.
Đây cũng là họ duy nhất và gồm một giống duy nhất phân bố ở rừng mưa nhiệt đới Việt Nam. Chồn bay được tìm thấy tại Việt Nam ở nhiều tỉnh khác nhau, bao gồm Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.
Chồn bay Sunda phụ thuộc vào môi trường sống của rừng để sinh tồn. Chồn bay Sunda có phần đầu và thân dài từ 34 đến 38 cm, cái đuôi dài từ 24 đến 25 cm và trọng lượng của nó nằm trong khoảng từ 0,9 đến 1,3 kg. Chồn bay có đầu rộng, tai ngắn tròn hoặc tù. Mắt to, màu nâu đỏ hay nâu lục nhạt.
Chồn bay Sunda có bộ lông trên lưng và mặt ngoài màng da mang màu xám tro với nhiều đốm màu trắng phai. Ở phía bụng và mặt dưới của màng da, lông có màu từ hung đỏ đến nhạt hơn và không có đốm. Có sự khác biệt về màu sắc giữa giới tính, với con cái có màu xám và con đực có màu sáng hơn, thậm chí là nâu hoặc có màu đỏ. Cấu trúc chi của chúng được thiết kế để lướt trong không trung, với chi trước và chi sau có chiều dài tương đương và mỗi chi đều có 5 ngón, nối liền nhau bởi màng da kéo dài tới gốc của các ngón chân. Đuôi của chúng khá ngắn, chỉ khoảng một phần ba so với thân hình.
Chồn bay là người anh em còn tồn tại gần nhất của các loài linh trưởng, và chúng đã tách ra từ nhánh tiến hóa chung khoảng 86 triệu năm trước, trong kỷ Hậu Phấn trắng. Các công trình nghiên cứu về phát sinh học phân tử cho thấy nhóm linh trưởng, chuột chù cây (Colugos) và chồn bay có quan hệ họ hàng gần gũi và thuộc một nhóm tiến hóa độc lập, có nguồn gốc từ một tổ tiên chung.
Chồn bay Sunda không có khả năng bay thực sự mà chỉ có thể lượn lướt giữa các ngọn cây. Chồn bay có khả năng lượn giỏi, có thể di chuyển liên tục đến 70 mét giữa các cây mà không giảm độ cao đáng kể.
Chồn bay nổi bật với khả năng định vị xuất sắc của mình, cho phép chúng dễ dàng lướt qua các cành cây trong đêm tối mà không gặp trở ngại. Chồn bay Sunda cũng có thể di chuyển qua những khu rừng dày đặc một cách thoải mái.
Chồn bay không thể lượn lên từ mặt đất, mà chỉ có thể lượn xuống từ những nơi cao hơn. Để di chuyển lên cao, chúng phải sử dụng các bộ phận cơ thể để bò và leo giống như những loài thú khác.
Màng lượn của chúng kéo dài từ xương vai đến bàn chân trước, từ ngón tay sau đến ngón chân và từ chân sau ra đến đuôi. Khoảng không giữa các ngón được nối bởi màng da, khiến chúng từng được nhầm lẫn là có họ hàng gần với dơi.
Loài vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ
Chồn bay bay thích sống một mình trong các cánh rừng nguyên sơ hoặc rừng tái sinh nơi có sự hiện diện của nhiều cây cổ thụ cả ở vùng núi cao lẫn đồng bằng.
Đây là loài sống trên cây, hoạt động chủ yếu vào ban đêm và ăn thức ăn thực vật mềm như lá non, chồi, hoa, và quả. Chồn bay thường dành nhiều giờ trong ngày ngủ cuộn mình trong khe cây hoặc treo mình dưới những cành cây.
Mùa sinh sản của chúng từ tháng 6 – 9. Chồn bay, mặc dù là động vật có vú và mang thai hệ nhau thai, lại chăm sóc con non bằng cách tương tự như những loài thú có túi. Chúng có chu kỳ mang thai là 60 ngày và chỉ đẻ 1 con/lứa.
Sau khi con non chào đời, nó được mẹ bảo vệ bằng cách mang theo trong một màng da trên bụng theo cách tương tự như thú có túi. Đây có thể xem như loài thú "có túi" duy nhất ở Việt Nam và khả năng nuôi con trong chiếc túi.
Chồn mẹ sử dụng đuôi và màng lượn gấp lại để tạo thành túi, nơi mà chúng giữ và bảo vệ con non của mình. Con chồn bay mới sinh còn non nớt và chỉ có trọng lượng khoảng 35 gram. Túi da mềm và ấm, con non sống trong túi cho đến khi tự lập. Con non chưa cai sữa, con mẹ đã mang thai lứa tiếp theo.
Chồn bay Sunda được bảo vệ bởi pháp luật của nhiều quốc gia. Việc săn bắt để lấy thịt, thậm chí bởi chính cư dân địa phương, là mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của chúng. Sự phá hủy rừng và mất môi trường sống tự nhiên cũng khiến số lượng của loài này giảm. Thêm vào đó, sự cạnh tranh với loài sóc ba màu (Callosciurus notatus) cũng là một thách thức đối với sự sống của chồn bay Sunda.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xem xét và nhận định rằng loài này dễ bị tổn thương do chịu tác động từ việc săn bắt và mất mát nơi cư trú.
Nguyệt Phạm (Tổng hợp)