Loại quả Việt Nam đang có giá cao kỷ lục, xuất khẩu nhiều nước lớn: Hóa ra là cây thuốc 'toàn năng'
Loại quả này được trồng ở hầu hết các quốc gia nhiệt đới. Ở Việt Nam, việc trồng loại quả này cũng rất phát triển, chủ yếu để lấy quả ăn hoặc xuất khẩu.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin giá dứa tại Tiền Giang tăng từ 11.000 đồng/kg lên đến 12.000 - 13.000 đồng/kg. Mức giá này đạt kỷ lục cao nhất trong nhiều năm gần đây, mang lại cho nhà nông có dứa thu hoạch đạt lợi nhuận hơn 6.000 đồng/kg.
Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, đang là chủ 20ha dứa, chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam: “Tôi đang vô đợt thu hoạch, hiện tại trong đồng giá 12.000/kg, cao nhất từ trước đến nay".
Với mức giá ổn định như hiện nay, mỗi ha dứa nông dân thu về gần 90 triệu đồng, lãi phân nửa.
Ở nước ta, dứa được trồng từ Bắc đến Nam. Các tỉnh thành trồng dứa nhiều ở miền Nam là Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Long An. Miền Bắc có Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ. Miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định.
Dứa tại Thanh Hóa còn được các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Đông Âu và một số nước Trung Đông..., theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu, trong y học cổ truyền, dứa còn là một loại thuốc quý tốt cho sức khỏe.
Dứa - cây thuốc 'toàn năng'
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho hay dứa là loại trái cây giàu vitamin, enzyme và chất chống oxy hóa. Cây dứa không chỉ là cây ăn quả mà còn là cây thuốc quý 'toàn năng'.
Theo y học cổ truyền, quả dứa có vị chua ngọt, tính bình. Quả dứa có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá tốt. Bác sĩ Vũ cho biết quả dứa thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, say nắng say nóng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, sỏi đường tiết niệu.
Các tác dụng khác của quả dứa là ngăn ngừa lão hóa, loãng xương, tốt cho hoạt động thần kinh, chống lại căng thẳng, lo âu, stress, ngăn ngừa tích tụ chất béo trong cơ thể.
Ngoài quả dứa, nõn dứa giúp thanh nhiệt giải độc. Rễ dứa giúp lợi tiểu. Dịch ép lá dứa có tác dụng nhuận tràng.
Một số bài thuốc hay từ cây dứa
- Chữa viêm thận: 60g quả dứa, 30g rễ cỏ tranh tươi, sắc uống thay nước hàng ngày.
- Chữa viêm phế quản: 120g quả dứa, mật ong 30g, lá tỳ bà 30g, sắc uống.
- Chữa sỏi thận: 1 quả dứa chín nguyên quả, gọt vỏ hoặc khoét ở cuống một lỗ nhỏ bằng ngón tay cho vào khoảng 7 - 8g phèn chua giã nhỏ rồi đậy lại. Đem quả dứa đó nướng chín trên than đỏ hoặc lùi vào lửa cho cháy xém hết vỏ, dứa chín mềm. Để nguội, ép lấy nước (bỏ bã) để uống, mỗi ngày 1 trái.
- Chữa viêm ruột, tiêu chảy: Lá dứa 30g sắc uống.
- Chữa cảm nóng khát nước: 1 quả dứa giã nát lấy nước, hòa nước sôi để nguội uống.
- Chữa rối loạn tiêu hóa: 1 quả dứa, 2 quả quýt, ép lấy nước uống.
Lưu ý khi dùng dứa
Bác sĩ Vũ cho hay khi ăn dứa cần phải lưu ý mắt dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc. Do vậy cần phải gọt sạch mắt dứa trước khi ăn.
Dứa lành tính tuy nhiên người bệnh đái tháo đường, người thừa cân béo phì cần hạn chế ăn dứa do có chứa nhiều carbohydrate và đường. Người có cơ địa dị ứng cần phải cẩn trọng khi ăn do dứa có chứ enzyme bromelain - một số người có thể cảm thấy rát hoặc khó chịu trong miệng, môi hoặc lưỡi sau khi uống nước dứa.
Một số người đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc co giật, thuốc mất ngủ, thuốc trầm cảm… không nên ăn quá nhiều dứa, bác sĩ Vũ nói.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo thêm một số người ăn dứa chưa chín có thể bị ngộ độc dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng. Ngoài ra, nên tránh ăn lõi dứa bởi vì các sợi xơ trong đó có thể cản trở hệ thống tiêu hóa và gây đầy hơi chướng bụng. Quả dứa có nhiều axit hữu cơ và enzyme bromelain có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày.