Loại quả 'nhỏ mà có võ': Hè giải khát, đông trị ho, phòng bệnh cực tốt
Loại trái cây này được dùng làm gia vị trong các món ăn, làm nước giải khát và là vị thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Chanh là loại trái cây mọng nước chứa rất ít chất béo và đạm. Thành phần chủ yếu của quả chanh là carbs (10%) và nước (89%).
Một quả chanh kích thước trung bình chỉ cung cấp khoảng 20 calo. Trong 1/2 cốc (100g) chanh tươi đã gọt vỏ có 29 calo; 89% nước; 1,1g chất đạm; 9,3g carb; 2,5g đường; 2,8g chất xơ; 0,3g chất béo.
Bên cạnh đó, chanh chứa nhiều hợp chất thực vật được chứng minh có lợi cho cơ thể như axit citric, hesperidin, diosmin, eriocitrin, d-limonene.
Ở Trung Quốc, chanh được coi là “mỹ dung thủy quả”. Dưới đây là 6 lợi ích của quả chanh và những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng loại trái cây này.
1. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Chanh là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Một quả chanh có thể cung cấp khoảng 31mg vitamin C, chiếm 51% lượng vitamin C cần thiết cho 1 ngày.
Nghiên cứu cho thấy ăn trái cây và rau củ giàu vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, không chỉ vitamin C mà các chất xơ và hợp chất thực vật trong chanh cũng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Chanh rất giàu vitamin C. Ảnh minh hoạ.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Con người và Khoa học Thực phẩm, Đại học Kiel, Đức, cho thấy chất xơ và các hợp chất thực vật có trong cam, quýt, chanh như hesperidin và diosmin sẽ giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
2. Kiểm soát cân nặng
Chanh thường được quảng cáo như một loại thực phẩm giúp giảm cân. Người ta tin rằng chất xơ pectin hòa tan có trong quả chanh sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Tuy nhiên, chất xơ này không có trong nước chanh, do đó, uống nước chanh không thể tạo cảm giác no.
Một giả thuyết khác cho rằng uống nước nóng với chanh sẽ giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc uống nước thúc đẩy quá trình đốt calo của cơ thể, do đó có thể nước mới chính là yếu tố giúp bạn giảm cân.
Các giả thuyết khác cho rằng các hợp chất thực vật trong chanh có thể giúp giảm cân và điều này cũng đã được chứng minh bởi một số nghiên cứu khác nhau.
3. Ngăn ngừa sỏi thận
Axit citric có trong quả chanh giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách tăng lượng nước tiểu và độ pH trong nước tiểu, từ đó cản trở việc hình thành sỏi thận.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra axit citric trong quả chanh có thể ngăn ngừa bệnh sỏi thận. Ảnh minh hoạ.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Con người và Khoa học Thực phẩm, Đại học Kiel, Đức, chỉ cần uống 1/2 cốc (125 ml) nước chanh mỗi ngày có thể cung cấp đủ lượng axit citric cần thiết giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận ở những người đã mắc bệnh.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng nước chanh không hoàn toàn hiệu quả đối với việc giảm nguy cơ mắc sỏi thận. Do đó, giới khoa học cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu để khẳng định điều này.
4. Chống thiếu máu
Chanh có chứa một hàm lượng nhỏ chất sắt nhưng lại có thể ngăn ngừa thiếu máu hiệu quả bằng việc cải thiện quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
Ruột hấp thu sắt dễ dàng từ động vật (như thịt, cá) nhưng với sắt từ thực vật thì ngược lại. Tuy nhiên, vitamin C và axit citric có trong quả chanh có thể cải thiện tình trạng này.
Do đó, quả chanh có khả năng ngăn ngừa thiếu máu bằng cách đảm bảo rằng bạn được hấp thu càng nhiều chất sắt càng tốt từ chế độ ăn uống của mình.
5. Giảm nguy cơ ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
Chanh chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng chống ung thư. Ảnh minh hoạ.
Một số nghiên cứu phát hiện những người ăn nhiều trái cây họ cam quýt có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn và các hợp chất thực vật được tìm thấy trong chanh chẳng hạn như limonene, naringenin, beta-cryptoxanthin và hesperidin cũng có tác dụng phòng chống ung thư.
6. Cải thiện tiêu hóa
Carb trong quả chanh chủ yếu là dạng chất xơ hoà tan (pectin ) và đường đơn.
Chất xơ hòa tan có thể cải thiện sức khỏe đường ruột, làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Những tác động này có thể dẫn đến giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, để có được những lợi ích của chất xơ trong quả chanh bạn cần ăn cả phần cùi.
Phần cùi của quả chanh giàu chất xơ hoà tan. Ảnh minh hoạ.
Ngoài ra, axit citric có trong quả chanh rất có lợi cho hệ hô hấp. Loại axit này giúp làm sạch và tăng cường hoạt động của các mô phổi. Các chất chống oxy hoá có trong quả chanh có thể ngăn chặn các yếu tố gây dị ứng cho hệ hô hấp và giảm nguy cơ xảy ra các cơn hen.
Trong dân gian, người Việt cũng thường kết hợp chanh với mật ong hoặc muối để làm các bài thuốc trị các chứng ho, đau họng.
Tác dụng phụ của quả chanh
Chanh có thể gây dị ứng hoặc kích ứng ở da đối với những người bị viêm da hoặc có cơ địa dị ứng với các loại trái cây cùng loại với chanh.
Chanh có tính axit khá cao, vì vậy nếu ăn loại trái cây này quá nhiều có thể làm hỏng men răng và dạ dày.
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, axit citric trong quả chanh có thể ăn mòn men răng và làm hỏng răng. Và nếu bạn đang có các vết thương trong miệng, tốt nhất nên tránh uống nước chanh vì axit có thể gây kích ứng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bạn có thể sử dụng nước ép của 2 – 3 quả chanh để pha cùng nước uống mỗi ngày. Và uống nước chanh bằng ống hút cũng có thể hạn chế nước chanh tiếp xúc trực tiếp với răng.
(Nguồn: Healthline)