Loài hoa được nhiều người Việt trồng làm cảnh, có độc gây nguy hiểm
Cẩm tú cầu là loại hoa đẹp, được trồng ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Trong phong thuỷ, cẩm tú cầu được trồng làm cảnh trong nhà vì nó mang ý nghĩa may mắn. Tuy nhiên, loại hoa này lại có độc.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày (Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3) cho biết, hiện nay, rất nhiều loại cây cảnh, hoa đẹp quen thuộc có tính độc nhưng nhiều người vẫn trồng mà không hề hay biết. Trong đó phải kể tới là hoa cẩm tú cầu.
Toàn thân cây hoa cẩm tú cầu đều có độc. Lá và củ có chứa một glycoside tên là hydrangin-cyanogenic. Đây là chất gây độc cho cơ thể người, nếu ăn nhầm sẽ gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu.
Theo bác sĩ Tấn Vũ, thời xưa nữ hoàng Cleopatra đã ép người hầu tự tử bằng cách ăn lá cây cẩm tú cầu. Do vậy, trong gia đình có trồng hoặc cắm loại cây này cần phải lưu ý tránh để trẻ nhỏ ăn phải.
Cũng theo Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, cẩm tú cầu còn có tên gọi khác là trà Nhật. Tên khoa học của cây cẩm tú cầu là Hydrangea macrophylla. Tại Việt Nam, những cánh đồng hoa cẩm tú cầu Đà Lạt là địa điểm thu hút rất nhiều du khách.
Trong y học cổ truyền cẩm tú cầu được xếp vào nhóm cây có tính độc, tuy nhiên vẫn được dùng làm thuốc. Ví như rễ cây được sử dụng điều trị các bệnh về thận và bàng quang giúp phòng chống sỏi thận, sỏi bàng quang
Do rễ cây cẩm tú cầu có chất hydrangin – glycoside. Chất này giúp những viên sỏi mềm và tan ra, giảm đau do sỏi và khiến chúng dễ dàng trôi ra ngoài theo đường tiết niệu mà không gây thêm tổn thương.
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy rễ cây cẩm tú cầu có chứa alkaloid. Tác dụng của chúng tương tự như thuốc chống viêm non steroid. Cẩm tú cầu có tác dụng trong việc giảm viêm cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể.
Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2003 đã kết luận rễ cẩm tú cầu có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Ngoài rễ thì hoa cây cẩm tú cầu cũng hứa hẹn điều chế thành thuốc. Một nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 6/2009 của tạp chí Khoa học (Science) cho thấy halofuginone có trong hoa cẩm tú cầu có tác dụng giảm các triệu chứng bệnh rối loạn tự miễn ở chuột.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng lưu ý, dù những tác dụng của cẩm tú cầu đáng được kỳ vọng trong tương lai. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không tự ý dùng các bộ phận của cây làm thuốc do toàn cây có tính độc. Việc dùng thân, rễ, hoa cây cẩm tú cầu làm thuốc cần phải có sự chỉ định của thầy thuốc đông y để tránh gây độc cho cơ thể.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý do cây có tính độc vì vậy người dân không nên trồng quanh nhà để tránh trường hợp trẻ nhỏ, vật nuôi ăn phải có thể ngộ độc. Trong trường hợp có người nghi ngờ ngộ độc do cẩm tú cầu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được giải độc tố.