Loại củ người Việt vứt xó bếp nhưng rất bổ dưỡng, được danh y Trung Quốc ví tốt như nhân sâm

20/12/2024 21:45 PM | Sức khỏe

Đây là loại củ quen thuộc trong căn bếp của người Việt, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Nội dung chính:

- Tác dụng của gừng.

- Gừng được sử dụng làm thuốc.

- Lưu ý sử dụng gừng.

Danh y Hoa Đà là thầy thuốc nổi tiếng ở giai đoạn cuối của nhà Đông Hán và giai đoạn đầu của thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Hoa Đà cũng là 1 trong 4 danh y nổi tiếng trong Đông y của nước này.

Danh y Hoa Đà đã đúc kết được 38 bí quyết giữ gìn sức khỏe, những bí quyết này từng được xem là "phương châm sống thọ" của rất nhiều người. Trong đó, bí quyết thứ 12 được ông nhắc tới là việc sử dụng gừng.

Vị danh y viết: Buổi sáng ăn 3 lát gừng, tốt như uống canh nhân sâm”.

Gừng là một gia vị phổ biến, thường được người Việt để ở xó bếp. Gừng hay được dùng làm gia vị khi chế biến các món xào, kho... Ngoài ra, gừng còn giúp khử đi mùi tanh của thực phẩm, giúp tăng thêm hương vị cho món ăn.

Ảnh minh họa.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, gừng là gia vị có chứa nhiều chất oxy hóa, tốt cho sức khỏe. Trong gừng còn chứa tinh dầu, nhựa dầu, dầu mỡ, tinh bột, chất cay...

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Roscoe, thuộc họ Zingiberaceae (họ Gừng). Trong 100g gừng có 79 kcal, 0.8g lipid, 13mg natri, 425mg kali, 18g carbonhydrates, 2g chất xơ, 1.7g đường, 1.8g protein. Gừng còn chứa các loại vitamin và khoáng chất như: 5mg vitamin C, 0.6mg sắt, 0.2mg vitamin B6, 43mg magie, 16mg canxi.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, gừng có tính ấm, nóng do đó thường được sử dụng nhiều vào mùa đông, giúp phòng ngừa cảm, cúm. Gừng là một trong những gia vị kích thích ăn ngon, tăng cường tiêu hóa.

Gừng được dùng làm thuốc

Trong y học cổ truyền, gừng còn được biết tới với những tên gọi như khương, sinh khương, can khương. 

Sinh khương là củ (thân rễ) tươi. Can khương là thân rễ phơi khô. Khương là thân rễ của cây gừng tươi hoặc khô. Tùy theo việc sử dụng gừng tươi hay khô mà vị thuốc có thể mang tên khác nhau.

Theo tài liệu cổ, sinh khương vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh phế, tỳ và vị. Sinh khương có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thủy giải độc. Ngoài ra, sinh khương còn dùng để chữa ngoại cảm, bụng đầy trướng, nôn mửa, giải độc nam tinh, cua cá, đờm ẩm sinh ho.

Can khương có vị cay, tính ấm, đi sâu vào kinh tâm, phế, tỳ, vị, thận và đại tràng. Can khương có tác dụng ôn trung tán hàn, dùng chữa thổ tả, đau bụng, chân tay lạnh, mạch nhỏ, hàn ẩm, phong hàn thấp tỳ.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho hay, bộ phận thường được dùng làm thuốc là củ gừng. Chất cineol trong gừng có tác dụng kích thích tại chỗ, diệt khuẩn. Hợp chất gingerol trong gừng có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, phòng trị bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.

Gừng có tính cay nóng, ấm, ăn tươi sẽ làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong. 

Khi thời tiết trở lạnh, người dễ bị lạnh bụng, khó tiêu, chân tay lạnh, mạch nhỏ, nhiều đờm, ho suyễn và thấp khớp có thể dùng 4-20g gừng khô sắc hoặc tán nhuyễn để uống. Ngoài ra, dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp còn có thể hỗ trợ giảm đau lưng, đau vai gáy do lạnh, massage cơ để cơ bắp thả lỏng hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hạt.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc của GS.TS Đỗ Tất Lợi, gừng được sử dụng làm các bài thuốc như sau:

- Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm: Can khương 10g, trích cam thảo 4g, nước 300ml, sắc đến khi còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày cho đến khi thấy đỡ thì giảm bớt lượng uống.

- Đi tả ra nước: Can khương sấy khô, tán nhỏ, dùng nước cơm sắc thành thuốc để uống.

- Đi lỵ ra máu: Can khương đốt tồn tính (đốt can khương những vẫn giữ dược tính của thuốc). Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2-4g.

- Chữa nôn mửa: Gừng sống nhấm từng ít một cho đến khi hết nôn.

Gừng rất tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng tuy nhiên PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm lưu ý, mọi người không nên dùng gừng với lượng lớn vì có thể gây bỏng niêm mạc miệng, nóng trong.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM