Loại cá tỷ đô từ Việt Nam khiến giới nhà giàu Trung Quốc 'mê như điếu đổ: xuất khẩu hơn 100 quốc gia, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu USD
Loại cá này của Việt Nam đang ngày càng vươn tầm tại Trung Quốc, liên tục được thu mua với số lượng khủng.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 155 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm nay đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá trị dinh dưỡng nên cá tra của Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu được thế giới ưa chuộng.
Trong đó, top 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ và các nước thuộc CPTPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương).
Tháng 11/2023, Trung Quốc & Hong Kong mua hơn 39 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn giảm 30% so với tháng 10/2023. Kinh tế của Trung Quốc đại lục có ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này với cá tra Việt Nam.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với cá tra Việt Nam tăng liên tục 3 tháng trở lại đây. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng XK cá tra sang thị trường tỷ dân này đạt hơn 530 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc điểm của thị trường Trung Hoa Đại Lục là mua hàng với số lượng khủng, mặt hàng đa dạng, giá cả cũng rất tốt. Tại đây còn chứng kiến cảnh người dân xếp hàng chờ được ăn. Một số món ăn cá tra phổ biến tại Trung Quốc bao gồm: cá tra nấu dưa chua Tứ Xuyên, dưa muối Tứ Xuyên hay cá nướng, lẩu,...
Theo VASEP, người dân Trung Quốc rất ưa thích những món ăn chế biến từ sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam. Ngoài phi lê, thị trường này còn mua cá tra xẻ bướm, nguyên con (bỏ nội tạng), cắt khúc, các mặt hàng giá trị gia tăng cùng dầu cá, bột cá, da cá….
Đối với cá tra phi lê (không hóa chất), giá xuất vào thị trường này từ 3,5 - 3,6 USD/kg. Đây được xem là giá xuất tốt nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay. Bên cạnh đó, cá tra nội địa của Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Chuyên gia phân tích thủy hải sản cấp cao Gorjan Nikolik tại Rabobank (Hà Lan) cho biết: "Trung Quốc là nhà sản xuất cá rô phi lớn nhất. Chúng tôi luôn cho rằng người Trung Quốc không thích ăn cá phi lê lắm, nhưng trong năm 2022, họ đã mua cá tra nhiều hơn cả mức mua ở Mỹ và châu Âu cộng lại”.
Mỹ là thị trường đứng thứ 2, chi 251 triệu USD nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023, giảm mạnh 52% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất trong tất cả các thị trường.
Là 1 trong những thị trường chính tiếp đà tăng trưởng về tiêu thụ cá tra từ Việt Nam, tháng 11/2023, khối thị trường CPTPP nhập khẩu gần 23 triệu USD, tăng 6% so với tháng 11/2022. Tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt hơn 200 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mexico, Canada và Nhật Bản là các thị trường ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 11/2023 từ 2% - 26%.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sau 2 tháng hiếm hoi tăng trưởng dương đã ghi nhận sụt giảm 20% trong tháng 11/2023 chỉ đạt gần 12 triệu USD, đồng thời giảm 22% so với tháng trước đó.
Hà Lan vẫn là thị trường chính trong khối EU tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm cá tra, tuy nhiên quốc gia này cũng không phải là ngoại lệ trong xu hướng sụt giảm bất thường của EU. Tháng 11/2023, Hà Lan chỉ mua 3 triệu USD cá tra, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương 2-3 con số bao gồm: Brazil đạt 14 triệu USD, tăng 81%; Anh đạt 4 triệu USD, tăng 28%; Ai Cập đạt 4 triệu USD, tăng 55%; Ả Rập Xê Út đạt 5 triệu USD, tăng 123%.
Kể từ đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 11/2023 ghi nhận tháng thứ hai tăng trưởng dương sau khi tăng trong tháng 9. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu thị trường “ấm hơn”.