Lộ thông tin "sốc" đầu tiên vụ án chạy thận: Không ai cảnh báo bác sĩ máy RO chưa sửa xong!
Lời khai của bị cáo Trương Quý Dương và Trần Văn Thắng cho thấy BVĐK Hòa Bình không có quy chế quản lý an toàn thiết bị y tế, không phân công nhiệm vụ, quản lý lỏng lẻo.
Vụ tai biến y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017 đã được xác định là do nước từ hệ thống RO số 2 bị tồn dư hóa chất, và đó là nguyên nhân trực tiếp khiến 9 người tử vong (8 người ở thời điểm xảy ra sự cố, 1 người không qua khỏi sau 1 năm điều trị).
Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, tại phiên xét xử sơ thẩm lần này, cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố thêm 4 bị can gồm:
- Trương Quý Dương (cựu giám đốc BVĐK Hòa Bình),
- Hoàng Đình Khiếu (cựu PGĐ BVĐK Hòa Bình),
- Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị y tế, BVĐK Hòa Bình),
- Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn - đơn vị ký hợp đồng số 315 lắp đặt và sửa chữa hệ thống RO số 2 với BVĐK Hòa Bình).
Chiều qua cho đến đầu sáng nay là phần trình bày của bị cáo Trương Quý Dương, sau đó, bị cáo Trần Văn Thắng lên trả lời câu hỏi của HĐXX.
Ông Trần Văn Thắng từng xuất hiện tại phiên tòa hồi tháng 5/2018 sau 7 ngày vắng mặt, với tư cách người có trách nhiệm liên quan. Ở phiên tòa lần này, ông Thắng là bị cáo.
Không nhìn thấy Hợp đồng số 315 nhưng Trần Văn Thắng vẫn cho sửa chữa hệ thống RO số 2
Bị cáo Thắng cho biết, ở vị trí Trưởng phòng Vật tư thiết bị Y tế, bị cáo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch về trang thiết bị vật tư y tế, tham gia công tác đấu thầu, thanh lý thiết bị y tế, giới thiệu vật tư, trang thiết bị mới cho các trưởng khoa và trình Ban giám đốc, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn lao động.
Theo bị cáo Thắng khai với HĐXX, dù là trưởng phòng vật tư nhưng ông Thắng đã giao toàn quyền cho bị cáo Trần Văn Sơn lo các công việc liên quan đến thiết bị y tế của Đơn nguyên TNT.
Thời điểm sửa chữa hệ thống RO số 2 ngày 28/5/2017, nhận thấy việc sửa chữa vượt quá khả năng sửa chữa của nhân viên phòng Thiết bị y tế, nên Thắng giao uỷ quyền cho bị cáo Sơn phụ trách.
Cũng tại thời điểm này, ông Thắng không được trực tiếp nhìn thấy hợp đồng 315. Nhưng ông Thắng cho rằng, dù không trực tiếp nhìn thấy hợp đồng, ông vẫn "hiểu rằng việc sửa chữa và các thủ tục để tiến hành sửa chữa đã được lãnh đạo phê duyệt về chủ trương".
Khi toà hỏi, nếu không có hợp đồng sao bị cáo có thể giám sát, bị cáo Thắng trả lời rằng vì thông qua tất cả các lần sửa chữa khác, kinh nghiệm của bị cáo cho thấy tất cả các đề xuất của phòng vật tư đều được BGĐ phê duyệt. Vì trùng hợp như thế nên bị cáo "tin tưởng", không nhất thiết phải xem hợp đồng.
Theo đó, bị cáo Thắng khai buổi sáng 29/5/2017, trong họp giao ban lúc 7h30, bị cáo Sơn báo cáo việc sửa chữa hệ thống RO số 2 đã xong. Ông Thắng giao cho bị cáo Sơn nhiệm vụ bàn giao hệ thống RO cho Đơn nguyên TNT, dù biết rằng vẫn còn môt quy trình nữa là lấy nước đi xét nghiệm trong khoảng trên dưới 10 ngày.
HĐXX hỏi bị cáo có đưa ra khuyến cáo cần phải chờ kết quả xét nghiệm hay không, ông Thắng khai không cảnh báo cho đơn nguyên TNT về việc còn phải có một quy trình xét nghiệm nước nữa mới hoàn tất việc sửa chữa.
HĐXX cho rằng với nhiệm vụ ông Thắng thì phải có trách nhiệm, chuyên môn, ngiệp vụ cảnh báo, nhắc nhở.
Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định: "Việc cảnh báo không ở trong thẩm quyền của bị cáo", và cho biết: sau khi sự cố bị cáo mói nhìn thấy văn bản bàn giao của bị cáo Quốc cho bị cáo Sơn.
Về trách nhiệm đối với khoa Điều trị tích cực, bị cáo Thắng phân công Trần Văn Sơn quản lý, sửa chữa trang thiết bị, việc phân công theo hằng năm hoặc có sự thay đổi khi các nhân sự nghỉ hưu, ốm đau. Hình thức phân công qua buổi giao ban và toàn bộ những nhận viên đều nắm rõ.
Đối với việc thực hiện nghĩa vụ trong phận sự bị cáo đảm trách, bị cáo Thắng cho hay đã thực hiện đủ chức trách nhiệm vụ của mình được ghi trong quy chế bệnh viện và do Ban giám đốc phân công. Tuy nhiên, tồn tại của bị cáo là không lưu giữ tốt các loại văn bản giấy tờ nên nhiều giấy tờ bị thiếu khi cần đến không tìm thấy.
Bị cáo Thắng cũng cho biết, hàng năm bị cáo đều tham mưu cho BGĐ về việc kiểm tra tính an toàn của thiết bị y tế. Trong đó có các kiểm tra định kỳ đồng thời cũng xây dựng danh mục chứng nhận an toàn thiết bị y tế cho bệnh viện.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi bị cáo đã xây dựng cho bệnh viện những quy chế nào để quản lý trang thiết bị y tế, thì bị cáo Thắng tỏ ra ấp úng. Bị cáo cho rằng khi thiết bị đầu tư mới thì nhà sản xuất đã chuyển giao hướng dẫn sử dụng.
HĐXX cho rằng, tuy nhà sản xuất đã có hướng dẫn sử dụng cho thiết bị y tế nhưng người sử dụng phải có nhiệm vụ đảm bảo thiết bị vận hành an toàn nhất, vì thế cần có quy định chặt chẽ. Nếu chỉ dựa vào hướng dẫn sử dụng thiết bị thì bị cáo đã làm hết chức trách nhiệm vụ của mình chưa?
Trước câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Thắng cho biết, đến sau khi xảy ra sự cố, bị cáo có tìm lại và thu thập được 1 số quy trình do phòng vật tư soạn thảo đã được BGĐ ký duyệt nhưng do khâu bảo quản không tốt nên không giữ được bản chính thống (có con dấu đỏ).
Dù vậy, bị cáo Thắng vẫn khẳng định những quy trình vận hành, bảo quản trang thiết bị y tế do bị cáo cùng các nhân viên phòng vật tư y tế soạn thảo là dựa trên hướng dẫn của nhà cung cấp, đã được gửi xuống các khoa phòng có thiết bị y tế và được các khoa phòng vận hành hành thạo.
BS Lương tại phiên tòa sáng 15/1. (Ảnh: Xuân Hoàng)
Không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO
Trước đó, chiều 14/1, trả lời HĐXX về việc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình có được phép thành lập đơn nguyên thận nhân tạo để thực hiện kỹ thuật lọc máu không, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, lập đơn nguyên là thẩm quyền của bị cáo, chỉ khi thành lập khoa, phòng mới phải làm đề án xin Sở Y tế cấp tỉnh cấp phép.
Việc thành lập đơn nguyên về mặt lý thuyết có thể do trưởng khoa quyết định. Tuy nhiên đơn nguyên thận nhân tạo có nhiều phức tạp về kỹ thuật, quy trình và nhân lực nên giám đốc bệnh viện trực tiếp quyết định.
Tuy nhiên, theo lời khai của ông Dương, trong quá trình hoạt động, khoa HSTC chưa bao giờ đề xuất, tham mưu nhân sự cho Đơn nguyên TNT.
Mặt khác, sau khi Đơn nguyên TNT thành lập, dù giữ vị trí giám đốc nhưng ông Dương cũng không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên sử dụng. Thêm vào đó, ông Dương còn ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra.
Trước đó, theo cơ quan điều tra, trong đơn nguyên thận, ông Dương không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trước, trong và sau khi lọc máu. Cáo trạng cũng cáo buộc từ năm 2014 đến 2017, ông Dương không có quyết định giao nguời phụ trách đơn nguyên lọc máu.