'Lỡ mồm' nói sản phẩm công ty rẻ, nhanh hỏng, vị sếp này đã phá hủy đế chế trang sức trong vòng 10 giây, mất trắng 600 triệu USD và buộc phải đóng 330 cửa hàng
Câu nói vạ miệng trong vòng 10 giây đã khiến Ratner bị sa thải và công ty phải đổi tên thành Signet Group để giảm bớt sự phẫn nộ và tẩy chay của khách hàng.
Gerald Ratner thừa kế công việc kinh doanh đồ trang sức của cha mình vào năm 1984. Chỉ trong vòng 6 năm, ông đã biến một nhà bán lẻ không mấy tên tuổi thành một đế chế trị giá hàng triệu USD.
Ông đã làm cho thương hiệu trang sức của mình thành công đến nỗi hầu như mọi con phố buôn bán sầm uất ở Anh đều có sự hiện diện của cửa hàng Ratners.
Ở thời điểm đó, mọi người rất yêu thích thương hiệu của ông bởi nó cung cấp sản phẩm hợp thị hiếu và có giá cả phải chăng với tầng lớp lao động. Trên thực tế, Ratners đã trở nên nổi tiếng như một địa điểm những chàng trai thuộc tầng lớp lao động thường lui đến để chọn đồ trang sức tặng bạn gái.
Nhờ sự phổ biến của thương hiệu, Ratner đã có một cuộc sống đáng mơ ước: nhà cửa, xe cộ đắt tiền, du thuyền sang chảnh và những bóng hồng xinh đẹp luôn vây quanh. Ông còn thường xuyên tham gia nhiều sự kiện xã hội cao cấp và gặp gỡ với những người nổi tiếng.
Gerald Ratner, ông chủ một thời của đế chế trang sức Ratners.
Thế nhưng, mọi thứ đã gần như chấm dứt hoàn toàn kể từ ngày định mệnh khi ông được mời làm diễn giả tại một sự kiện có sự tham dự của hơn 6.000 doanh nhân và nhà báo diễn ra vào ngày 23/4/1991.
Khi được hỏi làm thế nào Ratners có thể bán đồ trang sức với giá rẻ bất ngờ 4,95 bảng Anh (khoảng hơn 130.000 đồng ở thời điểm đó), ông đã trả lời trong sự sửng sốt của toàn bộ khán giả và cổ đông của công ty: "Làm cách nào để bán trang sức rẻ như vậy ư? Bởi vì chúng vốn dĩ chỉ là rác rưởi rẻ tiền mà thôi!".
Dường như muốn nhấn mạnh thêm, ông tiếp tục: "Công ty của chúng tôi bán sản phẩm rẻ bèo, chúng thậm chí còn rẻ hơn cả một chiếc bánh sandwich kẹp tôm và tất nhiên giá cả đi đôi với chất lượng, chúng rất nhanh hỏng".
Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông đã rầm rộ đưa thông tin này trong nhiều ngày. Không chỉ tầng lớp lao động, nhiều khách hàng khác cũng bắt đầu tẩy chay Ratners sau sự cố trên. Họ cho biết mình thà mua đồ trang sức ở những cửa hiệu khác hơn là "thứ rác rưởi" của Ratners.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, cổ phiếu của họ đã giảm 500 triệu bảng (tương đương 600 triệu USD). Với việc cổ phiếu lao dốc không phanh, giá trị thị trường của Ratners đã giảm xuống còn 33,7 triệu bảng Anh so với giá trị đạt đỉnh 840 triệu bảng vào năm 1990, thời điểm kinh doanh trang sức phát triển không ai sánh kịp của công ty.
Ratners đã chứng kiến hiệu suất bán hàng sụt giảm khủng khiếp trong dịp Giáng sinh năm đó khi doanh số bán hàng giảm 15%. Ngoài ra, họ còn buộc phải đóng cửa 330 cửa hàng ở Anh và Mỹ. Câu nói vạ miệng trong vòng 10 giây đã khiến Ratner bị sa thải và công ty phải đổi tên thành Signet Group để giảm bớt sự phẫn nộ và tẩy chay của khách hàng.
Từ sự cố kể trên, giới kinh doanh xuất hiện thêm khái niệm "hiệu ứng Ratner" để chỉ những phát ngôn vạ miệng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện làm ăn. Đây cũng là bài học sâu sắc cho tất cả mọi người nói chung, hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nói bất cứ điều gì.
Nhiều năm sau, Gerald Ratner đã không ngần ngại chia sẻ về cách đối diện với nghịch cảnh. Ông cho biết gây ra lỗi lầm không phải là kết thúc của tất cả, quan trọng nhất là chúng ta có đủ can đảm để đứng dậy sau vấp ngã và làm lại từ đầu hay không.