Lo du lịch Việt Nam 'đội sổ', kiến nghị cấp visa điện tử, kéo dài thời gian lưu trú khách quốc tế

21/12/2022 20:46 PM | Kinh doanh

Cho rằng du lịch Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn khiến việc thu hút khách quốc tế còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất nhiều chính sách liên quan đến cấp thị thực, visa...

Lo du lịch Việt Nam 'đội sổ', kiến nghị cấp visa điện tử, kéo dài thời gian lưu trú khách quốc tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng còn một số điểm "yếu", điểm "nghẽn" của du lịch Việt Nam - Ảnh: VGP


Tại Hội nghị trực tuyến thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam diễn ra ngày 21-12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng còn một số điểm "yếu", điểm "nghẽn" của ngành du lịch, nên cần có nhiều giải pháp tổng thể.

Theo đó, ông đề xuất cần áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.

Tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến, điều chỉnh hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông. Mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam, nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển...

Tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch Việt Nam chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Đồng tình với các vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện và trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…

Với định hướng "cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có", Thủ tướng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, gồm cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững.

Theo N.An

Cùng chuyên mục
XEM