Giải mã VMD - cổ phiếu dược tăng trần liên tục 3 tuần qua, thị giá nhảy vọt 200%: Là 1 trong 3 nhà nhập khẩu vaccine, doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng

31/08/2021 08:29 AM | Kinh doanh

Đây là mã chứng khoán tăng mạnh nhất trong tuần giao dịch vừa qua (23-27/8).

Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã trải qua đợt rung lắc mạnh khiến chỉ số VNIndex "bay hơi" 75 điểm. Nhiều mã bluechip, trong đó có cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực bán đột ngột và giảm giá hàng loạt.

Tuy nhiên, vẫn có những cái tên sống khoẻ, thậm chí liên tiếp tăng trần, nổi bật là VMD. Trong chưa đầy một tháng, từ phiên giao dịch ngày 6/8 đến 30/8, biểu đồ giá của VMD chạy thẳng một mạch từ vùng giá 24.700 đồng lên 72.1000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 200%. Đây cũng là mã chứng khoán tăng mạnh nhất sàn HOSE tuần trước, với tỷ lệ 40%.

Hồi tháng 6, VMD cũng từng ghi nhận lần tăng trần nhưng mới chỉ dừng lại ở ngưỡng 35.700 đồng/cổ phiếu.

Xuất hiện cổ phiếu ngành dược tăng giá 200% trong chưa đầy 1 tháng: Là 1 trong 3 nhà nhập khẩu vaccine, doanh thu vài chục nghìn tỷ nhưng lãi siêu mỏng - Ảnh 1.

Biểu đồ giá cổ phiếu VMD

"Cánh tay" đắc lực trong nhập khẩu vaccine

VMD là mã chứng khoán của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1984, khởi đầu là doanh nghiệp Nhà nước nhưng sau khi cổ phần hoá, trải qua nhiều lần tăng vốn dẫn đến hiện tượng pha loãng, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 19,14%. Theo thống kê trên HOSE, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 45,3% vốn tại VMD là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2. Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch VMD cũng đồng thời là Chủ tịch Vimedimex 2.

Theo thông tin từ website chính thức, ngày 4/8/2021, Vimedimex đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Thông qua Thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 đã ủy quyền cho Vimedimex là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam và là Cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 Hayat-Vax, được sản xuất tại UAE. Hayat-Vax là vaccine Covid-19 bản địa đầu tiên trong khu vực được phát triển bởi liên doanh Group 42 Healthcare có trụ sở tại Abu Dhabi và công ty Sinopharm CNBG của Trung Quốc và được sản xuất bởi công ty dược phẩm Julphar có trụ sở tại Ras Al Khaimah của UAE đã được Bộ y tế của UAE phê duyệt cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp tháng 5/2021, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Xuất hiện cổ phiếu ngành dược tăng giá 200% trong chưa đầy 1 tháng: Là 1 trong 3 nhà nhập khẩu vaccine, doanh thu vài chục nghìn tỷ nhưng lãi siêu mỏng - Ảnh 2.

Cùng ngày, Công ty Royal Strategics Partners cũng đã đồng ý bán và ký Hợp đồng nhập khẩu với Vimedimex 10 triệu liều vaccine Covid-19 Janssen; 5 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer; 10 triệu liều vaccine Covid 19 Sputnik V.

Tính đến hiện tại, Vimedimex là một trong 3 công ty dược phẩm tại Việt Nam (cùng với Actrazenaca Vietnam và VNVC) thành công trong việc tiến hành nhập khẩu vaccine Covid-19 về nước. Theo các công ty công ty chứng khoán, việc này chính là cú hích lớn nhất giúp cổ phiếu VMD tăng không ngừng trong tháng 8.

Hưởng lợi chung từ hiệu ứng tích cực của ngành dược

Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dược được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng lên.

Hồi tháng 6, Y Dược phẩm Vimedimex nằm trong danh sách 36 đơn vị được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, trong đó bao gồm một số doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn như các mã cổ phiếu thuộc ngành này đã niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (DBT-HOSE); Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1 - UPCoM); Công ty CP Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN - UPCoM); Dược phẩm Vimedimex (VMD - HOSE); Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP - UPCoM); Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM ( YTC -UPCoM). Một số công ty thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN - UPCoM) như Dược liệu Trung ương 2, Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam…

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, các nhà đầu tư đã phản ứng tích cực và "nhuộm tím" nhiều cổ phiếu thuộc nhóm trên trong phiên giao dịch 4/6. Trong đó, DBT của Dược phẩm Bến Tre tăng 6,76% so với phiên giao dịch hôm trước. Tương tự, DP1 của Dược phẩm Trung Ương CPCP cũng kịch trần với mức tăng 15,19%, DDN của Công ty CP Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng tăng 14,28%. Còn VMD cũng tăng 6,83%.

Xuất hiện cổ phiếu ngành dược tăng giá 200% trong chưa đầy 1 tháng: Là 1 trong 3 nhà nhập khẩu vaccine, doanh thu vài chục nghìn tỷ nhưng lãi siêu mỏng - Ảnh 3.

Trên thực tế, ngành dược cũng phải đối mặt với khó khăn do nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi chuỗi cung ứng tắc nghẽn khiến giá nguyên liệu tăng cao, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh. Sau 2 quý đầu năm, nhìn chung kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cũng không thực sự ấn tượng.

Tuy nhiên về dài hạn, ngành dược vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển và thu hút nhà đầu tư ngoại. Minh chứng là trong các phiên giao dịch từ cuối tháng 5, nhà đầu tư ngoại liên tục mua ròng cổ phiếu của Traphaco (TRA), CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT), hay thực hiện M&A với một số doanh nghiệp khác.

Là nhóm rất "nhạy cảm" với các tin tức liên quan đến Covid-19 nên những thông tin tích cực về dịch bệnh và đặc biệt là tình hình nhập khẩu, tiêm vaccine được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho các cổ phiếu ngành dược.

Doanh thu chục nghìn tỷ nhưng lợi nhuận "siêu mỏng"

Dù là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE tuần vừa qua, hay xa hơn là đà tăng giá 200% trong vòng chưa đầy một tháng nhưng điểm đáng chú ý là thanh khoản của VMD khá khiêm tốn.

Thực tế, Vimedimex là đơn vị phân phối dược phẩm giàu truyền thống và luôn duy trì trong Top 10 các nhà phân phối dược phẩm uy tín của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn bắt tay với các bệnh viện để thành lập trung tâm xạ trị ung thư, phát triển hệ thống phòng khám đa khoa vệ tinh,…

Tháng 8 năm ngoái, Vimedimex đã chính thức sản xuất những viên thuốc đầu tiên tại nhà máy Vimedimex 2, chuyển từ công ty thuần phân phối sang tự sản xuất để phân phối thuốc. Việc mở rộng các xưởng sản xuất thuốc được Vimedimex liên tục lên kế hoạch cho đến cuối năm 2022.

Trong nhóm các doanh nghiệp phân phối thuốc, Vimedimex xếp thứ 2 về doanh thu, chỉ sau Zuellig Pharma. Năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu 18.168 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đạt 18.260 tỷ đồng. Con số này tương đương với tổng doanh thu của các công ty lớn gộp lại gồm Dược Hậu Giang (3.755 tỷ đồng), Pymepharco (627,5 tỷ đồng), Imexpharm (1.420 tỷ đồng),…

Xuất hiện cổ phiếu ngành dược tăng giá 200% trong chưa đầy 1 tháng: Là 1 trong 3 nhà nhập khẩu vaccine, doanh thu vài chục nghìn tỷ nhưng lãi siêu mỏng - Ảnh 4.

Mặc dù vậy, biên lợi nhuận của Vimedimex lại thấp hơn so với nhiều đối thủ trên thị trường. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Vimedimex ở mức 30 tỷ đồng trong ở các doanh nghiệp khác lên đến hàng trăm tỷ đồng. Năm ngoái, công ty báo lãi 37,3 tỷ đồng và nửa đầu năm nay là 19,2 tỷ đồng. Đây cũng là điểm đặc thù thường thấy ở các doanh nghiệp ngành dược, đặc biệt là với mô hình hoạt động phân phối dược phẩm.

Đến 2021, tính riêng trong quý 2, Vimedimex thu về 3.739 tỷ đồng, đi lùi 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhờ tiết giảm các chi phí, công ty vẫn báo lãi ròng gần 10 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 2/2020. Lũy kế nửa đầu năm 2021, VMD đạt doanh thu 7.604 tỷ đồng và LNST hơn 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM