Lộ diện 3 nhân vật “bí ẩn” ở công ty “lạ” vừa thành lập 1 tháng có vốn 4.000 tỷ, đề xuất đầu tư dự án Safari ở Vũng Tàu “đấu” với Novaland và FLC
Công ty Cổ phần DBD Hồ Tràm có số vốn điều lệ lên tới 4.000 tỷ đồng vừa mới được thành lập cách đây hơn 1 tháng đã khiến giới đầu tư địa ốc không khỏi bất ngờ khi đề xuất với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư dự án Safari kết hợp nghỉ dưỡng trên khu đất 530ha, nơi mà tập đoàn Novaland đề xuất đầu tư từ hồi đầu năm, và mới đây là sự xuất hiện của FLC.
Doanh nghiệp này đề xuất đầu tư dự án Safari gồm: công viên vườn thú, khu nghỉ dưỡng biển, trung tâm thương mại - dịch vụ - vui chơi giải trí, khu cây xanh sinh thái, công viên nước trên khu đất hơn 500ha tại huyện Xuyên Mộc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty DBD Hồ Tràm được thành lập vào ngày 8/8/2019 có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, do ông Đỗ Hà sinh năm 1949 là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Có 5 cổ đông sáng lập, trong đó 3 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Phát triển đô thị Đông Bình Dương nắm 30% (tương ứng 1.200 tỷ), Công ty CP Antrip City nắm 25% (tương đương 1.000 tỷ), Công ty CP Đầu tư Antrip Villa nắm 25% (tương ứng 1.000 tỷ); 2 cổ đông cá nhân là ông Phạm Quý Sửu nắm 15% (tương ứng 600 tỷ) và ông Võ Như Thành nắm 5% (tương ứng 200 tỷ).
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, những cổ đông tổ chức trên được thành lập đều xoay quanh 3 nhân vật khá "bí ẩn" là ông Đỗ Hà, Võ Như Thành, Phạm Quý Sửu, một loạt công ty "lạ" vừa mới được thành lập xoay quanh 3 cổ đông này.
Trong đó, chỉ có Công ty TNHH Phát triển đô thị Đông Bình Dương là doanh nghiệp đã thành lập cách đây hơn 10 năm, đây là chủ đầu tư một dự án khu đô thị mới quy mô lớn lên tới 120ha được xây dựng tại Bình Dương, là khu dân cư Đông Bình Dương tại Tân Phú 2, Tân Phước - Phường Tân Bình - TX Dĩ An - Bình Dương.
Theo tìm hiểu thì khi mới thành lập Công ty Đông Bình Dương để đầu tư dự án trên, công ty này có sự góp vốn 30% của Công ty ngoại thương và phát triển đầu tư Thành Phố Hồ Chí Minh (Fideco), nhưng sau đó thì Fideco đã rút vốn. Người đại diện công ty là ông Đỗ Hà.
Những năm gần đây, theo phản ánh của báo chí dự án Đông Bình Dương luôn là điểm nóng trong phân khúc đất nền ở Bình Dương, và dính nhiều lùm xùm xung quanh việc huy động vốn của đơn vị đứng ra phân phối là Công ty TNHH MTV Đầu Tư và Xây Dựng HHA. Được biết, chủ sở hữu công ty HHA là ông Đỗ Hà và được điều hành bởi ông Đỗ Quốc Huy, có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu.
Gần đây, báo chí cũng đã phản ánh việc Công ty Đông Bình Dương có dấu hiệu huy động vốn trái luật ở dự án này. Tuy nhiên, trả lời trên báo pháp luật hồi đầu năm 2019, đại diện của công ty Đông Bình Dương đã phủ nhận điều này, và cho biết Dự án đến nay đã giải tỏa mặt bằng 100%, pháp lý đầy đủ, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, chưa đủ điều kiện kinh doanh theo luật định. Khi đó cũng chưa ký với bất cứ đơn vị nào phân phối sản phẩm.
Đối với Antrip City, đây là một công ty bất động sản chỉ mới được thành lập cách đây 2 tháng, công ty có 31 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chính là xây dựng nhà ở. Công ty có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Điều đánh chú ý là Antrip City do 3 cổ đông cá nhân sáng lập nên, trong đó nắm giữ phần vốn lớn nhất là ông Đỗ Hà chiếm 60%, ông Võ Như Thành là Giám đốc và người đại diện pháp luật.
Còn Antrip Villa cũng là một doanh nghiệp bất động sản vừa mới được thành lập khoảng hơn 1 năm. Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, có 30 ngành nghề kinh doanh, trong đó nghề chính là kinh doanh bất động sản. Có 3 cổ đông sáng lập là ông Võ Như Thành sở hữu 50%, bà Nguyễn Thị Ngọc Tâm sở hữu 25% và một cổ đông khác nắm 25%. Ông Thành và bà Tâm có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu. Ông Võ Như Thành làm Giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Một công ty "lạ" khác cũng vừa mới thành lập cách đây hơn 1 tháng với số vốn điều lệ lên tới 4.000 tỷ đồng là Công ty Cổ phần DBD Group. Công ty này đều liên quan đến các cổ đông ở trên khi các cổ đông sáng lập của DBD Group là Antrip City, Antrip Villa, Phạm Quý Sửu, Đỗ Quốc Huy và Võ Như Thành.
DBD Group đăng ký 38 ngành nghề kinh doanh như bán buôn nông, lâm sản, kiến trúc, xây dựng, môi giới bất động sản, xây dựng…trong đó ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện pháp luật là ông Đỗ Quốc Huy kiêm Giám đốc công ty.
Có thể thấy, liên quan đến nhóm nhà đầu tư đề xuất với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư dự án Safari hơn 500ha tại huyện Xuyên Mộc đều là những công ty "lạ" mới được thành lập, chưa có tên tuổi trên thị trường bất động sản, giống như Novaland hay FLC.