Lô đất ‘xịn’ bỏ hoang 2 năm không ai đến thuê, chủ đầu tư bỏ ‘núi tiền’ tân trang và cái kết không ai ngờ tới
Một thành phố lớn đang chịu cảnh “ế ẩm” đến mức một lô đất “siêu xịn” với tòa nhà 47 tầng cũng bị bỏ hoang 2 năm chẳng ai ngó tới.
Tòa nhà tại 60 phố Wall, New York, Mỹ từng là địa điểm văn phòng của hàng nghìn nhân viên Deutsche Bank. Nhưng thời gian gần đây, nó yên tĩnh một cách kỳ lạ ngay cả trong giờ cao điểm.
Tòa nhà có 47 tầng, thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore và Tập đoàn Paramount. Tuy nhiên, tòa nhà này đã bị bỏ trống kể từ năm 2021 sau khi ngân hàng Deutsche - khách thuê duy nhất chuyển đến Columbus Circle.
Các chủ sở hữu đã chi một số tiền không nhỏ cải tạo với hi vọng thu hút những người thuê mới. Tuy nhiên, cho đến nay, tòa nhà vẫn ở trong trạng thái “vườn không nhà trống”.
Bởi lẽ các công ty tài chính một là chọn cách để nhân viên làm tại nhà, hai là chọn những địa điểm mới, tấp nập như khu vực Hudson Yards. Văn phòng cho thuê tại 60 Phố Wall giờ chỉ còn là “quá khứ”.
Theo Bloomberg, tỷ lệ văn phòng trống tại New York đang đạt mức kỷ lục - 22,7% trong năm nay - sau nhiều thập niên không vượt quá mức 11%/năm.
Các chuyên gia của New York cho biết ít nhất là cho đến năm 2026, tỷ lệ “văn phòng trống không” tại đây sẽ không hạ xuống dưới mức 19%.
Có thể thấy, khi New York đang có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch - giá thuê nhà ở cũng tăng, khách du lịch quay trở lại nhưng các văn phòng vẫn trong tình cảnh “ảm đạm”, đặc biệt là ở khu vực Lower Manhattan.
Theo dự báo mới nhất của thành phố, giá thuê bất động sản văn phòng tại đây sẽ xuống mức thấp hơn cả trước đại dịch vào cuối năm và thậm chí có thể đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Colliers - công ty chuyên dịch vụ quản lý bất động sản cho biết giá chào thuê các văn phòng ở Manhattan vào tháng 4/2023 trung bình vào khoảng 75,13 USD một foot vuông, xấp xỉ 750 USD/m2 (17,6 triệu đồng/m2).
Đây là một mối lo lắng lớn đối với các quan chức thành phố bởi thuế bất động sản thương mại đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu thuế của thành phố - cụ thể, các tòa nhà văn phòng đóng góp 10%.
Theo Ana Champeny, phó chủ tịch nghiên cứu của Ủy ban Ngân sách Công dân, trong 8 năm trước khi xảy ra đại dịch, doanh thu từ thuế tăng trung bình 4,7% mỗi năm, gần bằng với mức chi phí do thành phố tài trợ.
Theo Bloomberg, chi tiêu của New York trong 5 năm tới, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tăng lương cho cán bộ công chức, hỗ trợ người xin tị nạn được dự đoán sẽ tăng 3,9% một năm - có thể tăng hơn một điểm phần trăm.
Vì vậy nếu bất động sản văn phòng vẫn còn ế ẩm, cơ quan thành phố buộc lòng phải cắt giảm chi tiêu, bằng cách đóng băng tuyển dụng hay thậm chí là cắt giảm một số dịch vụ công.
Trong bối cảnh hiện tại, để cứu vãn thị trường, Thị trưởng Eric Adams có đề nghị nên tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tòa nhà văn phòng thương mại được chuyển đổi thành không gian ở. Tuy nhiên kế hoạch đó vẫn là điều xa vời.
Tham khảo Bloomberg