Liksin thoái vốn khỏi “món hời” Sơn Bạch Tuyết
Là cổ đông nhà nước duy nhất tại Công ty CP Sơn Bạch Tuyết, việc thoái vốn của Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin – TNHH MTV (Liksin) tại công ty này mang một ý nghĩa to lớn.
Một đặc điểm đặc biệt của Công ty CP Sơn Bạch Tuyết là việc Công đoàn Công ty nắm giữ tới 45% vốn điều lệ. Ảnh: st
Tuy nhiên, việc “co cụm” cổ phần tại một tổ chức nội bộ (Công đoàn) của Liksin đang khiến dư luận quan ngại về tính hiệu quả của hoạt động cổ phần hóa.
An toàn trong hoạt động kinh doanh
Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin – TNHH MTV vừa ra thông báo chào bán 241.500 cổ phiếu (CP) Công ty CP Sơn Bạch Tuyết (mệnh giá 100.000 đồng/CP) mà Liksin nắm giữ với mức giá khởi điểm lên tới 210.965 đồng/CP. Nếu thương vụ thành công, số tiền Liksin thu về tối thiểu đạt 51 tỷ đồng, trong khi giá vốn khoản đầu tư này được ghi nhận ở mức 24,2 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 26,8 tỷ đồng.
Sơn Bạch Tuyết là một thương hiệu lâu đời trên 58 năm với xuất phát điểm là một hãng sơn tư nhân, thành lập năm 1958. Từ sau năm 1975, hãng sơn Bạch Tuyết trở thành doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Xí nghiệp Sơn Bạch Tuyết. Đến năm 1997, Sơn Bạch Tuyết lại được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Sơn Bạch Tuyết. Với thị trường miền Bắc, thương hiệu này tương đối xa lạ. Tuy nhiên, khu vực miền Nam lại biết đến thương hiệu Sơn Bạch Tuyết với thị trường “ngách” phục vụ những nhu cầu nhỏ nhất cho người tiêu dùng, sản phẩm là những hộp sơn bé xíu phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình.
Sơn Bạch Tuyết là một trong 3 hãng sơn đầu tiên của Việt Nam tọa lạc tại 3 thành phố lớn: Sơn Thái Bình - Cầu Diễn (Hà Nội), Sơn Nguyễn Sơn Hà (Hải Phòng) và Sơn Bạch Tuyết (Sài Gòn – trước 1975). Truyền thống lâu đời giúp Sơn Bạch Tuyết có thị trường tương đối ổn định tại miền Trung và miền Nam.
Sơn Bạch Tuyết có vốn điều lệ 69 tỷ đồng, trong đó, Liksin đại diện Nhà nước nắm giữ 241.500 CP, tương đương 35% vốn điều lệ. Công đoàn Công ty nắm giữ 45% vốn điều lệ, tương đương 310.500 CP, còn lại 20% do các cổ đông nhỏ nắm giữ.
Năm 2015, Sơn Bạch Tuyết đạt 453 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,5% so với kết quả thực hiện năm 2014. Lợi nhuận sau thuế của Công ty lên tới 61,6 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi kết quả năm 2014. Nửa đầu năm 2016, Sơn Bạch Tuyết đã đạt 31,8 tỷ đồng lợi nhuận, hứa hẹn kết quả khởi sắc trong năm 2016. Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2016 được Sơn Bạch Tuyết đặt ra chỉ 32 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, chỉ sau nửa năm, kế hoạch lợi nhuận của Công ty đã gần như hoàn thành.
Đáng lưu ý, kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2015 của Sơn Bạch Tuyết có được nhờ cải thiện tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần. Nói cách khác, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Sơn Bạch Tuyết đã tiến bộ vượt bậc trong năm 2015 và đang tiếp tục được duy trì trong năm 2016.
Tổng tài sản cuối quý II/2016 của Sơn Bạch Tuyết đạt 229,5 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với số dư cuối năm 2015. Nợ vay ngắn và dài hạn chỉ ở mức 12 tỷ đồng, là con số an toàn so với quy mô tài sản của Công ty.
Trở lại mô hình doanh nghiệp tư nhân
Liksin là cổ đông nhà nước duy nhất tại Sơn Bạch Tuyết. Vì vậy, việc thoái vốn của Liksin tại công ty này mang một ý nghĩa to lớn, đặc biệt với một doanh nghiệp có truyền thống lâu đời và xuất phát điểm là một doanh nghiệp tư nhân như Sơn Bạch Tuyết.
Một đặc điểm tương đối đặc biệt với Sơn Bạch Tuyết là việc Công đoàn Công ty nắm giữ tới 45% vốn điều lệ. Đây là kết quả quá trình cổ phần hóa tại công ty này từ năm 1997. Trên thị trường chứng khoán, có trường hợp tương tự của Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) với tỷ lệ sở hữu của Công đoàn lên tới 39,38%. RAL là một khoản đầu tư đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, không riêng gì tổ chức Công đoàn. Thu nhập từ cổ tức chính là nguồn thu của Công đoàn, được dùng để chi trả thưởng cho cán bộ, công nhân viên Công ty. Khác với các doanh nghiệp khác phát hành cổ phiếu ưu đãi, cán bộ công nhân viên Rạng Đông được hưởng lợi ích lớn từ chính tổ chức Công đoàn Công ty.
Quay trở lại trường hợp Sơn Bạch Tuyết. Một kịch bản tương tự có thể sẽ được lặp lại. Nếu doanh nghiệp tiếp tục điều hành kinh doanh tốt, cổ tức đều đặn, người lao động sẽ hưởng lợi đầu tiên. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là việc “co cụm” CP tại một tổ chức nội bộ thuộc Công ty, vô hình trung sẽ giảm đi ý nghĩa của công cuộc cổ phần hóa, việc minh bạch thông tin, hiệu quả điều hành do vậy sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, trong trường hợp Công đoàn Sơn Bạch Tuyết lại đăng ký gom CP từ Liksin, tỷ lệ sở hữu tối đa của tổ chức này có thể lên tới 80% - Sơn Bạch Tuyết sẽ không thỏa mãn điều kiện là công ty đại chúng.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai.