Đâu là lợi thế cạnh tranh của người Việt?

09/02/2016 19:00 PM | Sống

Trong buổi trò chuyện đầu năm với chúng tôi, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, đã tới lúc nên nhìn nhận, coi những giá trị di sản văn hóa phi vật thể như tính cách của người Việt cũng chính là tài nguyên phát triển.

“Bởi tính cách tích cực hay tiêu cực là góc nhìn của mỗi người. Khen một điều tích cực cũng là do người phân tích, chê điều tiêu cực cũng là do góc nhìn của người lựa chọn. Biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh thì đó mới là tư duy hiện đại, có tầm của người có văn hóa, làm văn hóa”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Từ tính linh hoạt tới lợi thế công nghệ thông tin

GS.TSKH Vũ Minh Giang phân tích, trước hết văn hóa là một tài nguyên cả hữu hình và vô hình, hiện thân dưới các dạng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Có những di sản tiêu biểu được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại nhưng cũng có những nét văn hóa hòa vào trong cuộc sống như tình tương thân tương ái, đoàn kết trước hiểm nguy, lá lành đùm rá rách, nhân hậu… Đó là những nét đẹp truyền thống của tính cách người Việt.

Chỉ nói riêng về tính cách người Việt, GS. Vũ Minh Giang cho rằng “với những di sản văn hóa phi vật thể kiểu này, hiện nay chúng ta chưa có một định hướng chung có tính tổng quát về việc nghiên cứu, biến tất cả giá trị phi vật thể của mình thành động lực để xây dựng các chiến lược phát triển”.

Trong câu chuyện của GS. Vũ Minh Giang, Hàn Quốc được coi là điển hình về nghiên cứu và biến tất cả các đặc điểm tính cách của người Hàn Quốc thành lợi thế phát triển.

“Họ có Viện nghiên cứu tinh thần Hàn Quốc (hiện nay là Viện Hàn Quốc học), thực chất là nghiên cứu văn hóa con người Hàn Quốc với một mục tiêu biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh. Họ không đặt vấn đề tích cực hay tiêu cực. Họ quan niệm, tiêu cực là ta, tích cực cũng là ta, tất cả đều là thế mạnh. Vấn đề là ta sử dụng như thế nào”, GS. Vũ Minh Giang chia sẻ.

Viện Hàn Quốc học nghiên cứu và thấy rằng tính cách người Hàn rất nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, nghe có vẻ hạn chế nhưng với tính sách mạnh mẽ, quyết liệt đấy thì đầu tư mạo hiểm chính là thế mạnh của họ.

Quay trở lại câu chuyện người Việt, GS. Vũ Minh Giang cho rằng “người Việt Nam nhanh nhạy tháo vát, rất giỏi xử lý tình huống. Về mặt nào đó cũng có nhiều tính xấu do truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước như tùy tiện, ăn xổi, ăn bớt công đoạn. Nhưng nhìn từ góc độ khác thì sự “tùy tiện” đó chính là nền tảng của một tư duy nhanh nhạy, linh hoạt, dễ thích ứng và giỏi nhanh nhạy đáp ứng với các giải pháp tình thế. Rất phù hợp với lĩnh vực công nghệ thông tin”.

GS. Vũ Minh Giang lấy dẫn chứng từ thành công của Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp nhờ đặc tính rất chặt chẽ kỷ luật của dân tộc Nhật. Song, hiện tại họ không hề là một cường quốc công nghệ thông tin. Nhưng lại có rất nhiều người Việt đang làm trong các công ty phần mềm lớn ở Silicon Valley.

Nhìn sang các quốc gia khác, với tính mềm dẻo đến mức như là Phật thì Ấn Độ đang cực kỳ thắng trong công nghiệp phần mềm. Như vậy, từ câu chuyện của Ấn Độ, Hàn Quốc, chúng ta thấy triển vọng khai thác thế mạnh về mặt tính cách, truyền thống của con người thành lợi thế cạnh tranh là hoàn toàn có thể.

“Do đó, tính cách tùy tiện-mềm dẻo của người Việt, nhìn ở góc độ này nó là han chế tiêu cực, nhưng nhìn ở góc độ khác nó lại là lợi thế. Chúng ta làm sao vứt bỏ nét tính cách đã hình thành từ hàng ngàn năm nay. Vấn đề là làm sao biến nó thành tài sản, thành thế mạnh cạnh tranh của đất nước” GS Vũ Minh Giang trăn trở.

Ra thế giới bằng sự thông minh, linh hoạt, sáng tạo

Quay trở lại bài toán khai thác giá trị phi vật thể của người Việt, GS. Vũ Minh Giang cho rằng cần phải có một tầm nhìn, chiến lược trong việc biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Thực tế là chúng ta chưa biết tận dụng những thế mạnh đó và còn tự ti về những nét tính cách bị coi là nhược điểm tính cách của mình. Cách đây khoảng 10 năm một nhóm chuyên gia Nhật Bản tư vấn cho Chính phủ đã đưa khuyến nghị, Việt Nam nên đầu tư vào những lĩnh vực như thời trang, ẩm thực... vì ở những lĩnh vực này người Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối”, GS. Vũ Minh Giang nhớ lại.

GS Vũ Minh Giang giải thích, Việt Nam nằm trên bán đảo Ấn Độ - Trung Hoa (Indochina) nơi giao thoa những nền văn minh vĩ đại. Những lớp văn minh hiện đại trên thế giới đều có dấu ấn tại Việt Nam như Hoa Kỳ, Pháp… cộng với tính nhanh nhạy, linh hoạt của người Việt thì công nghiệp thời trang của chúng ta đã và sẽ còn tiến rất nhanh. Bằng chứng là đã có rất nhiều người Việt sang làm việc cho những hãng, trung tâm thời trang lớn của thế giới.

Từ những lý lẽ trên, GS Vũ Minh Giang đưa ra quan điểm: “Đó mới chính là thế mạnh cạnh tranh thực sự của người Việt. Nhưng cho đến nay, chưa ai đặt vấn đề tiên phong để phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam. Chúng ta mặc cảm tự ti quá khi thấy khoảng cách quá xa giữa Việt Nam với các nước phát triển. Nhưng nếu đặt vấn đề nhìn nhận như Hàn Quốc thì có lẽ sẽ khác”.

“Không chỉ thời trang, ngay cả câu chuyện ẩm thực. Tôi đi khắp thế giới thấy ai ăn thức ăn Việt Nam cũng khen ngon. Nhưng chúng ta cũng không đẩy ẩm thực Việt Nam lên được, mà vẫn mặc cảm đó là bún bánh vỉa hè, hàng xén…”.

Vì vậy, theo GS. Vũ Minh Giang cần phải đẩy mạnh quảng bá văn hóa xa hơn, rộng hơn như quan điểm đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

“Quảng bá thì không chỉ nói ra rả là chúng ta hay mà một món ăn ngon, một làn điệu dân ca diễn xướng thu phục lòng người. Quảng bá là việc vô cùng quan trọng để thế giới biết đến Việt Nam, yêu Việt Nam và làm bạn với Việt Nam. Đó là ngoại giao văn hóa cần đi kèm với ngoại giao nhân dân”, GS. Vũ Minh Giang nói và nhấn mạnh: Phát huy sở trường, biến những mặt mạnh của sở đoản thành lợi thế cạnh tranh chính là điều chúng ta cần tập trung thực hiện để văn hóa thực sự là động lực phát triển bền vững.

“Bởi lẽ, nếu coi khai khoáng (than, dầu khí) là nền tảng của phát triển thì sự phát triển đó không bền vững. Vì tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, hết tài nguyên thì hết phát triển. Nhưng khai tác tài nguyên, di sản văn hóa, càng khai thác thì càng phát triển vì văn hóa là tài nguyên tái tạo không bao giờ hết. Tuy nhiên khai thác tài nguyên đó không dễ, phải có tri thức hiểu biết, sự linh hoạt sáng tạo phù hợp với thực tiễn mới có thể biến tài nguyên tiềm năng ấy thành sức mạnh, động lực phát triển của một dân tộc”, GS. Vũ Minh Giang bình luận.

Theo Nguyệt Hà

Cùng chuyên mục
XEM