Liệu lãi suất huy động có tăng ở nhiều ngân hàng hơn trong thời gian tới?

22/03/2024 11:06 AM | Kinh doanh

Theo thống kê từ đầu tháng 3 đến nay đã có hơn 20 nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động. Xu hướng chủ đạo vẫn là giảm ở hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên cũng đáng chú ý khi một số nhà băng ngược dòng tăng lãi suất, mức điều chỉnh cũng khá mạnh.

Chẳng hạn như tại Saigonbank từ ngày 18/3, ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1-0,4 điểm % ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng 0,4 điểm % lên 5,8%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất tại Saigonbank hiện nay.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, Sacombank cũng bất ngờ tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, có kỳ hạn tăng 0,4 điểm %. Tuy nhiên đến ngày 21/3, nhà băng này đã điều chỉnh giảm đồng loạt các kỳ hạn tiền gửi về mức thấp hơn trước khi tăng.

Trong một báo cáo về ngành ngân hàng gần đây, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, lãi suất huy động đang tiệm cận mức thấp kỷ lục đối với cả lãi suất thị trường 1 (tiền gửi) và thị trường 2 (liên ngân hàng) từ khi đảo chiều đầu quý 2 năm 2023.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động đang tạo đáy và nhiều khả năng tăng trở lại trong thời gian tới dựa trên các nhân tố tác động như sự trượt giá của đồng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu cao, và sự hồi phục của tăng trưởng tín dụng", MASV nhận định.

Theo nhóm phân tích này, mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng việc tăng lãi suất, tuy nhiên, lịch trình cắt giảm lãi suất vẫn là một yếu tố khó dự báo chính xác (có thể là trong nửa sau năm 2024), do đó, việc duy trì môi trường lãi suất thấp như hiện tại cũng tương đối khó khăn. Ở mặt tích cực, do ngân hàng hiện phải tuân thủ các tiêu chuẩn về thanh khoản chặt chẽ hơn, sự linh hoạt trong việc huy động nguồn tiền gửi không kỳ hạn sẽ bị hạn chế. Thay vào đó, việc phát hành trái phiếu sẽ được ưu tiên và phù hợp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong trung và dài hạn, qua đó giảm thiểu rủi ro xuất hiện các "cuộc đua" lãi suất trên kênh tiền gửi.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động thấp sẽ còn duy trì trong thời gian dài.

"Dựa trên quan sát và phân tích hiện tại, dù lãi suất huy động đã được giữ ở mức thấp trong nhiều tháng qua và có dự báo về khả năng tăng trưởng lại khi nền kinh tế phục hồi từ quý II, tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ có thể lâu hơn kỳ vọng của thị trường rất nhiều", ông Ân nói.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, sức cầu của nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục yếu và việc tăng trưởng tín dụng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Các ngân hàng, để tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ phải áp dụng nhiều chính sách ưu đãi lãi suất, tương tự như những gì đã diễn ra vào cuối năm 2023. Do đó, lãi suất huy động khó có thể sớm tăng trở lại.

Thêm vào đó, câu chuyện lãi suất tại Trung Quốc, nơi đã giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong suốt 6 tháng qua, cung cấp một góc nhìn đáng tham khảo. Giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kích cầu nền kinh tế, đặc biệt là khi giá nhà đất bắt đầu chững lại.

Ông Lê Hoài Ân nói thêm, lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy thanh khoản thị trường vẫn rất dồi dào. Do đó, áp lực gia tăng lãi suất từ yếu tố này cũng không cao.

Áp lực từ tỷ giá cũng khó có thể làm tăng mạnh lãi suất. Vị chuyên gia cho biết, việc Mỹ có thể duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn tạo ra áp lực về tỷ giá cho Việt Nam, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, việc tăng lãi suất có thể không có lợi cho nền kinh tế đang còn rất yếu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ tiếp tục duy trì các công cụ linh hoạt trên thị trường mở và điều tiết tỷ giá thông qua quỹ dự trữ ngoại hối để điều tiết tỷ giá hơn là thực hiện tăng lãi suất điều hành.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM