Liều ăn nhiều: Chàng trai vay 9 tỷ để kinh doanh, 3 năm sau kiếm 1 ngàn tỷ nhờ bán lẩu và bánh bông lan
“Tôi đi vay khắp 4 ngân hàng, vay của cô ruột, của bạn bè, rồi mở tiệm lẩu gà nước dừa đầu tiên. Khoảng thời gian đó ngày nào tôi cũng ở lại tiệm, ngủ lại tiệm, luôn tự nhủ bản thân cố gắng tập trung, không nghĩ tới khoản nợ kẻo ốm người thêm’, ông chủ 9x này nhớ lại.
Bán nhà cứu công ty, tài sản hàng tỷ đồng trở về con số 0 chỉ sau một đêm. Chưa dừng lại, anh tiếp tục vay hơn 6 tỷ để khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, sau hơn 3 năm kinh doanh lẩu và bánh bông lan phô mai, chàng trai trẻ thu lại doanh thu hơn 1 ngàn tỷ. Câu nói tâm đắc của anh: ước mơ rất xa vời, nhưng chỉ cần kiên trì thêm một chút nữa thôi, là được rồi!
Khương Hạo Văn sinh năm 1992 tại một gia đình bình thường thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh từng làm việc trong ngành tài chính, bảo hiểm, nhưng sau cùng vẫn quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp, vì "muốn khám phá thế giới ngoài kia".
Con đường khởi nghiệp của chàng trai trẻ liệu có trải hoa hồng như mọi người vẫn hay nghĩ về mình?
01
Khương Hạo Văn đỗ đại học tài chính năm 2010, vì muốn thu hẹp khoảng cách với các bạn học đồng trang lứa tại Bắc Kinh, anh quyết tâm muốn kiếm tiền. Năm 2011, năm nhất đại học, Khương Hạo văn bắt đầu tập tành kinh doanh, anh mở một sạp hàng bán đồ trang trí bằng gốm nổi tiếng của Giang Tây. Nghỉ hè năm thứ 3 đại học, Khương Hạo Văn tới Thâm Quyến thuê một căn phòng nhỏ bán hải sản online với số vốn 5000 tệ (khoảng 16 triệu đồng) vay từ mẹ.
Anh nhớ lại: "khoảng thời gian đó một mình tôi kiêm hết mọi vị trí, nhập hàng, bán hàng, làm đầu bếp, làm nhân viên giao hàng, kế toán… Mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ. Công việc kinh doanh tạm thời này mang lại cho tôi 200 vạn tệ (khoảng 6.5 tỷ đồng), sau đó tôi mua một căn hộ nhỏ tại Thâm Quyến."
Tuy nhiên, vì gia đình phản đối kinh doanh trong lĩnh vực này, Khương Hạo Văn buộc phải dừng lại, tập trung vào việc học. Anh lựa chọn đi du học thạc sỹ, và sau khi về nhà, "tôi nghe theo gia đình, ngoan ngoãn vào một công ty tài chính lớn làm việc, 5 tháng sau, tôi xin nghỉ việc để khởi nghiệp vì muốn ra ngoài xem xem thế giới ngoài kia", Khương Hạo Văn bộc bạch.
Năm 2016, Khương Hạo Văn hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, tuy nhiên, công ty mẹ làm ăn không khởi sắc, đứng trước nguy cơ phá sản, lúc này, anh bán căn nhà tại Thâm Quyến của mình để cứu công ty, tới năm 2018, khi không còn cách nào để cứu công ty, Khương Hạo Văn quyết định từ bỏ.
Đây cũng là lúc bước ngoặt lớn xảy tới trong cuộc đời của anh.
02
Năm 2018, Khương Hạo Văn quyết định vay 300 vạn tệ (khoảng 9,8 tỷ đồng) một lần nữa khởi nghiệp thay vì làm công việc văn phòng, "Tôi đi vay khắp 4 ngân hàng, vay của cô ruột, của bạn bè được khoảng 300 vạn tệ rồi mở tiệm lẩu gà nước dừa đầu tiên. Khoảng thời gian đó ngày nào tôi cũng ở lại tiệm, ngủ lại tiệm, luôn tự nhủ bản thân cố gắng tập trung làm tốt nhất công việc trước mắt, không nghĩ tới khoản nợ mà mình đang mang vì càng nghĩ sẽ càng ốm người thêm mà thôi", Khương Hạo Văn bùi ngùi.
Khi được hỏi tại sao lại dám vay một số tiền lớn như vậy để kinh doanh, liệu bản thân có nắm chắc cơ hội thắng nào hay không, Khương Hạo Văn thành thực: "Tôi không nắm chắc cơ hội thắng nào cả, tới tận lúc này tôi cũng không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Cá nhân tôi cho rằng mỗi một người làm kinh doanh thì đều cần phải dám mạo hiểm."
1 tháng sau khi khai trương, lợi nhuận thu được từ tiệm lẩu là 1 vạn tệ (khoảng 32 triệu đồng), tới tháng thứ 4, tiệm lẩu của anh trở nên nổi tiếng trên Douyin (phiên bản Tiktok tại Trung Quốc), "sở dĩ tiệm lẩu trở nên nổi tiếng như vậy một phần cũng là nhờ vào việc chúng tôi thuê một vài người nổi tiếng trên mạng xã hội sáng tạo nội dung giúp mình, khi thời đại của Douyin lên ngôi, chỉ tính riêng lượt xem và tiếp cận những video có nội dung liên quan tới tiệm lẩu của chúng tôi trên nền tảng video ngắn này đã lên tới con số 1 tỷ lượt xem."
Đầu năm 2019, Khương Hạo Văn và các nhân viên của mình sở hữu văn phòng riêng đầu tiên, 28 con người cùng nhau cố gắng không ngừng nghỉ, "giai đoạn đầu, căn phòng 10 mét vuông, 28 con người, chúng tôi làm việc hết sức mình, ứng dụng sức khỏe của nhân viên khi đó báo bước đi trung bình một ngày của một người là 25000 bước. Cá nhân tôi không có thời gian xem điện thoại, tôi vừa phụ trách mua hàng, vừa làm phục vụ, vừa chụp ảnh quảng cáo. Ban ngày phục vụ, buổi tối, nhân viên 12h tan làm, bát đĩa còn lại, dù nhiều hay ít, tôi luôn là người phụ trách và ra về cuối cùng lúc 2h sáng. Rửa bát xong đi nhập gà về cho vào tủ đông rồi mới về nghỉ ngơi một lát, liên tục như vậy trong khoảng thời gian đầu mở tiệm", Khương Hạo Văn nhớ lại.
Không phụ lòng những cố gắng của anh, doanh thu của một cửa tiệm rơi vào khoảng 20 triệu tệ (khoảng 65 tỷ đồng), "hiện tại chúng tôi có tất cả 7 chi nhánh trên khắp cả nước."
Khi tiệm lẩu gà trở nên nổi tiếng, nhiều ông lớn trong ngành ẩm thực tìm đến Khương Hạo Văn muốn hợp tác, vừa hay cũng có ý định muốn thử sức ở lĩnh vực bánh nướng, Khương Hạo Văn đã quyết định khởi động dự án tiệm bánh bông lan Pho mai, "bánh bông lan làm từ trứng gà là một thứ gì đó hết sức phổ biến, nhưng bánh bông lan phô mai thì không, đây là một khái niệm vô cùng mới mẻ khi đó, đặc biệt là với những người xuất thân từ những vùng quê nhỏ như chúng tôi, tôi nhìn thấy cơ hội từ thị trường này."
"Dự án này khi đó có khoảng hơn 10 người, 10 con người ngày nào cũng ăn bánh, ban đầu chúng tôi còn tình nguyện mỗi người mang bánh về nhà, sau đó, cầu xin tôi mang về nhà, tôi cũng nhất định không mang. Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm bánh kéo dài khoảng 20 tháng, tới giáng sinh năm 2020, chúng tôi mới chính thức mở bán những chiếc bánh đầu tiên", Khương Hạo Văn chia sẻ.
Ngay ngày đầu tiên mở bán, tiệm bánh đã thu hút rất đông người xếp hàng vì tò mò, "không ai biết KUMO KUMO (tên tiệm bánh) là gì, không ai biết mình sẽ được ăn thứ bánh ra sao, sở dĩ người mua hàng quay trở lại mua bánh là vì trải nghiệm của họ khi mua hàng khi đó. Chúng tôi luôn luôn nhắc nhở mình rằng sản phẩm mới là cốt lõi thương hiệu. Nhưng sản phẩm của chúng tôi là gì, đầu tiên, nó phải là chiếc bánh phô mai, tiếp theo, bao bì, quy cách đóng gói bánh cũng là sản phẩm, phong cách trang trí cửa hàng cũng là sản phẩm, trải nghiệm mua hàng, phong cách phục vụ của nhân viên cũng là sản phẩm, mỗi một động tác của nhân viên cũng là sản phẩm", Khương Hạo Văn tâm đắc.
Hiện tại, Khương Hạo Văn sở hữu tổng cộng 55 cửa hàng bánh bông lan phô mai rải rác tại 20 thành phố khắp Trung Quốc. Cả hai công việc kinh doanh cộng lại mang lại cho anh doanh thu rơi vào khoảng 400 triệu tệ (khoảng 1.300 tỷ đồng) một năm.
"Khi còn học đại học, tôi khởi nghiệp vì tiền, khoảng thời gian đó, đơn thuần là vật chất là chất xúc tác mạnh nhất, nhưng hiện tại, tôi quy nó về giá trị tinh thần, hơi sến một chút, nhưng hiện tại, tôi muốn mang lại hạnh phúc cho mọi người thông qua thương hiệu, sản phẩm của mình, thực tế hơn một chút thì là hiện thực hóa giá trị xã hội của bản thân", Khương Hạo Văn thẳng thắn chia sẻ quan điểm của bản thân sau nhiều năm "bôn ba".
Theo Douyin