Le Ho - Cô gái gốc Việt tạo nên kỳ tích triệu đô trên đất Úc nhờ rác

01/04/2016 08:38 AM | Kinh doanh

Cô gái gốc Việt Le Ho hiện sở hữu công ty xử lý rác thải có doanh thu lên tới 10 triệu đô Úc.

Khởi nghiệp kinh doanh từ một cửa hàng váy cưới, cô gái gốc Việt Le Ho hiện đang là chủ của một công ty xử lý rác thải hàng đầu tại Úc mang tên Capital City Waste Management.

Dù đến nay đã đạt được những thành công nhất định nhưng Le Ho vẫn không quên vô số khó khăn và thách thức gặp phải trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Le Ho theo cha mẹ tới Úc từ năm 18 tuổi. Đến năm 21 tuổi, cô mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình mang tên Honey Bee chuyên bán giày dép và váy cưới. Chỉ trong vòng 6 tháng, công ty này đã mở thêm 6 cửa hàng.

Cửa hàng váy cưới của Le Ho:


​

"Vì luôn khát khao tạo dựng được một doanh nghiệp của riêng mình nên tôi hiểu rằng một cửa hàng bán lẻ nhỏ không thể biến ước mơ đó thành hiện thực một cách trọn vẹn. Nó chỉ có thể giúp tôi xây dựng nền tảng vững chắc để có thể điều hành một công ty lớn hơn vào một ngày không xa mà thôi".

6 năm sau đó, cửa hàng váy cưới bắt đầu gặp khó khăn khi xu hướng bán lẻ trực tuyến trở nên phổ biến.

“Việc mua sắm qua mạng trở nên cực kỳ phổ biến bởi khách hàng có thể mua hàng ngay tại nhà - nó đã thay đổi hoàn toàn cách người Úc mua sắm. Lúc này tôi biết mình cần phải xây dựng nên một doanh nghiệp có thể thích ứng được trong mọi hoàn cảnh, bất kể tình hình kinh tế ra sao cũng sẽ vẫn có cầu".

Con đường sự nghiệp của Le Ho bước sang một trang mới kể từ năm 2010 khi cô quyết định mua lại công ty xử lý rác thải có trụ sở ở Sydney mang tên Capital City Waste Services (CCWS).

Mặc dù thời điểm đó CCWS đang chịu khoản thua lỗ lên tới 20.000 đô Úc/tháng nhưng Le Ho vẫn đồng ý mua lại với mức giá 50.000 đô Úc.

"Khi đón nhận cơ hội tấn công vào mảng kinh doanh xử lý rác thải, tôi gần như không suy nghĩ gì cả. Thực tế tôi đã làm việc tại CCWS 12 tháng trước khi quyết định thâu tóm lại công ty này. Thử thách đối với tôi là vực dậy một doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản nhưng phải thú thực lúc đó tôi chỉ... nhắm mắt làm liều".

Sau khi sa thải bớt nhân viên, Le Ho gần như gánh vác mọi việc trong công ty bao gồm cả vị trí giám đốc, nhân viên kinh doanh, kế toán và thậm chí là lái xe chở rác với hy vọng có thể giảm thiểu chi phí ở mức tối đa.

Trong năm đầu tiên, Le Ho tự lái xe chở rác và làm việc trong suốt 18 giờ. Ban ngày cô đi thu gom rác, những khi có cuộc họp hay hội nghị, cô lại thay quần áo chỉn chu.

“Còn nhớ lần đầu tiên bước vào chiếc xe chở rác, tôi thậm chí không thể với tới bàn đạp. Những lái xe chở rác khác lái xe qua tôi còn phải nhìn lại xem đây có phải là phụ nữ không hay là một người đàn ông tóc dài”.

“Từ những bộ váy cưới sạch sẽ, hào nhoáng, tôi chuyển sang tiếp xúc với rác thải hàng ngày. Và thậm chí tôi không thể kiếm được một đồng nào trong suốt những ngày làm việc vất vả đầu tiên đó”.

“Lúc đó, bố mẹ đã nghĩ tôi bị... điên".

Tuy nhiên, những nỗ lực không mệt mỏi của Le Ho cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

12 tháng sau khi thâu tóm, công ty này đã tăng được gấp đôi doanh thu. "Cảm giác như ở trên mây vậy! Tôi đã chứng minh được rằng dù có khó khăn tới đâu, nếu nỗ lực làm việc chăm chỉ cuối cùng bạn cũng sẽ được đền đáp xứng đáng. Không chỉ cứu sống được công ty, tôi đang giúp nó phát triển bền vững hơn, đưa CCWS có tiếng tăm trong ngành công nghiệp xử lý rác thải tại Úc".

Trong vòng 5 năm sau đó, CCWS đã tiếp tục phát triển lớn mạnh và đạt doanh thu ở mức hơn 10 triệu đô Úc (tương đương 7,6 triệu USD).

Tuy nhiên, Le Ho cũng không quên những khó khăn khi điều hành doanh nghiệp xử lý rác thải vốn lâu nay thường thống trị bởi nam giới trên cương vị của một người phụ nữ.

“Trong ngành hầu hết đều là các đồng nghiệp nam và họ đã có mối quan hệ rất khăng khít với nhau. Vì vậy khi một người phụ nữ gốc Á như tôi đột ngột xuất hiện, giành lấy khách hàng và hợp đồng của họ đương nhiên sẽ có nhiều người không thích”.

Ngoài ra Le Ho nói rằng ban đầu cô cũng gặp khó khăn trong việc khiến nhân viên cũng như khách hàng tin tưởng vào mình. Tuy nhiên để tạo dựng uy tín, cô đã đưa ra quyết định “không bao giờ nói không”.

“Tôi hiếm khi nói không với bất kỳ yêu cầu nào dù là từ khách hàng hay đồng nghiệp. Tôi luôn nói có và cố gắng giữ lời hứa. Qua thời gian, khách hàng bắt đầu tin tưởng ở tôi và công ty”.

Nhìn chung theo Le Ho thì: “Những gì nam giới có thể làm được, phụ nữ đều có thể làm được. Nêu không được cho cơ hội, chúng ta cần tự tạo ra nó”.

Khi được hỏi về lời khuyên cô muốn gửi đến các doanh nhân trẻ tiềm năng, Le Ho nói rằng hãy “luôn theo đuổi đam mê” và “nhìn nhận cuộc đời bằng con mắt lạc quan”.

"Cứ làm tới đi và đừng suy nghĩ nhiều. Nếu thất bại, bạn có thể học hỏi và thu về những bài học giá trị, còn nếu thành công thì thật tốt. Hãy nghĩ về những gì có thể nhận được và có thể học hỏi được từ thất bại. Thất bại chỉ như một lần luyện tập mà luyện tập càng nhiều bạn sẽ càng trở nên tốt hơn. Tôi bắt đầu từ con số 0 và bạn cũng hoàn toàn có thể như vậy. Chẳng có gì để mất cả”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM