Lễ cúng ông Công ông Táo: Vì sao tuyệt đối không đốt tiền âm phủ?

28/01/2019 09:16 AM | Xã hội

Lễ cúng ông Công ông Táo: Theo các chuyên gia, nghi lễ phải được tiến hành đúng cách, chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy là tốt.

Khi thực hiện nghi thức cúng tiễn vua Bếp, còn gọi là ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, có rất nhiều điều các gia đình nên tránh theo quan niệm của dân gian, chẳng hạn như: Rán cá chép; Đặt mâm cỗ cúng dưới bếp; Khấn xin tài lộc, sung túc; Mâm cỗ có thịt chó, vịt, dê; Cúng sau 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.

Ngoài ra, có một điều mà chuyên gia khuyên gia chủ tuyệt đối tránh, đó là đốt tiền âm phủ dịp cúng 23 tháng Chạp.

Theo lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh trên Vietnamnet, sở dĩ các gia đình tuyệt đối không đốt tiền âm phủ trong lễ cúng ông Công ông Táo bởi ông Công ông Táo là thần tiên chứ không phải là vong hồn người âm.

Vị này cho rằng, nhiều gia đình bỏ số tiền lớn mua vàng mã về đốt và họ tin rằng với mâm cao cỗ đầy sẽ được ban nhiều phước lộc, bỏ qua việc làm xấu. Điều này vừa vô ích vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Còn trên Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương bày tỏ, ngày nay nhiều gia đình ngoài sắm nhiều tiền vàng, còn sắm cả điện thoại, máy bay vàng mã để cho ông Táo về chầu trời. Đây là quan điểm sai lầm.

"Theo Phong tục từ ngàn xưa thì ông Công, ông Táo chỉ cưỡi cá chép nên việc cúng ông Công ông Táo bằng những đồ vàng mã mô tả những phương tiện, đồ vật hiện đại như: máy bay, điện thoại… thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức của một số người.

Việc thờ cúng nói chung hay việc cúng ông Công ông Táo nói riêng thể hiện tấm lòng thành, cái tâm của gia chủ đối với các đấng thần linh. Lễ vật phải tùy vào điều kiện của từng nhà và phải đúng cách chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, đồ cúng sang trọng đắt tiền mới là tốt", nguồn trên dẫn lời chuyên gia Phạm Cương.

Chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh khi chia sẻ với báo Giao thông về lễ cúng ông Công ông Táo cũng lưu ý không đốt tiền âm phủ, bởi "nếu đốt tiền âm phủ cho thần tiên là mạo phạm".

Theo ông Huỳnh, lễ nên được chuẩn bị thịnh soạn, trịnh trọng, song nếu gia chủ không có điều kiện thì không bắt buộc phải trịnh trọng, mà chỉ cần có lòng thành kính. Ngoài mâm lễ mặn, mâm ngũ quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ ở trên, 3 bộ quần, áo, mũ, giày cho 3 vị thần thì theo vị này, nếu mua được 3 con cá chép với 3 màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.

Cùng với đó, gia chủ cần chuẩn bị 9 cây nến đỏ và 9 nén nhang.

"Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy hoặc miếng vải màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù", ông Lương Ngọc Huỳnh cho biết.

(Tổng hợp)

Theo Thanh Tú

Cùng chuyên mục
XEM