Lấy gì để đưa xuất khẩu thủy sản lên 9 tỷ USD?
Ngành thủy sản đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 9 tỷ USD năm 2018 trong bối cảnh nhiều vấn đề nội tại của ngành này còn phức tạp, vấp phải sự cạnh tranh, rào cản từ các thị trường lớn, nhất là Mỹ và EU. Điểm sáng -thị trường Trung Quốc liệu có phải là cơ hội của thủy sản Việt Nam năm nay?
Sức hút từ Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ngành thủy sản vừa trải qua một năm khó khăn, nhiều rào cản, tuy nhiên giá trị xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục với khoảng 8,34 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm trước đó. Trong “rổ” các mặt hàng thủy sản, tôm đóng góp lớn nhất với 3,8 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với năm 2016; hải sản với 2,5 tỷ USD, cá tra gần 1,8 tỷ USD… Tiếp đà tăng trưởng đó, ngành này đặt mục tiêu cán mốc 9 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2018.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - một trong 10 DN xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất cả nước cho rằng, mục tiêu 9 tỷ USD là rất khó, nếu cả hệ thống không “gồng mình” lên. Theo ông, sở dĩ năm qua ngành tôm thắng lớn vì nhiều lợi thế. Trong đó, đồng USD mất giá nên giá tôm Việt Nam hưởng lợi với giá trị cao hơn 8-10%.
Mặt khác, thị trường Trung Quốc thời gian qua “hút” hàng, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam… Ông Lĩnh cũng cho rằng, yếu tố quan trọng là từ nội lực. Hai năm qua, Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh trên tôm, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cũng có giảm. Nhiều DN Việt Nam đã đầu tư thiết bị chế biến hiện đại, tăng giá trị gia tăng, đảm bảo về an toàn thực phẩm. Chính yếu tố này đã giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam vượt qua được nhiều hàng rào kỹ thuật của thị trường.
Theo Vasep, Trung Quốc khả năng vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam lớn nhất năm 2018 và cả trong thời gian tới.
Cảnh báo rủi ro
Theo các doanh nghiệp, năm 2018 tiếp tục là năm thuỷ sản gặp nhiều rào cản từ các thị trường, trong đó có chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá tôm, cá của của Mỹ, “thẻ vàng” của EU… cùng với nhiều vấn đề nội tại của ngành như kháng sinh, giá thành còn cao, nguyên liệu chế biến. Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, giá thành nuôi tôm ở Việt Nam vẫn cao hơn đối thủ rất lớn là Ấn Độ. Ngành tôm vẫn chịu áp lực cạnh tranh từ đối thủ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador…
Trong đó, thị trường Trung Quốc dù rất lớn, nhưng cách mua bán có thể gây tổn hại đến ngành tôm. “Trung Quốc họ đang mua dễ, nên một bộ phận nuôi tôm của Việt Nam dễ lỏng lẻo về quy trình nuôi, khiến những nỗ lực kiểm soát hóa chất, kháng sinh trên nuôi trồng bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, DN Trung Quốc còn thuê các nhà máy “lười” đầu tư công nghệ… để chế biến. Nếu cứ xuất theo tiểu ngạch, đây là nhân tố tiềm ẩn, là thách thức với ngành nuôi và chế biến thủy sản cũng như nhiều nông sản khác của Việt Nam”- ông Lĩnh phân tích.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, thủy sản sẽ đối mặt với rất nhiều rào cản. Ông Tám cho rằng, thủy sản cần tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng để nâng cao chất lượng, giảm giá thành cạnh tranh. Cùng đó, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, hoá chất kháng sinh...