Lao động ngành công nghiệp thời trang bị lãng quên vì đại dịch Covid-19: "Chúng tôi quả thật trắng tay rồi"
Nhiều hợp đồng thời trang bị hủy bỏ, thậm chí, các đơn hàng đã hoàn thành cũng bị từ chối.
Những người lao động bị lãng quên
Khi điều kiện làm ăn thuận lợi, người lao động miệt mài làm việc không nghỉ để phục vụ các chuỗi cửa hàng thời trang như C&A hay Primark. Do khủng hoảng Covid-19 , các tập đoàn thời trang huỷ hợp đồng giá trị lên đến hàng tỷ USD khiến người lao động ở các quốc gia như Bangladesh điêu đứng vì thảm hoạ này.
Theo Spiegel (Đức), doanh nghiệp sản xuất Jeans của ông Mostafiz Uddin ở Chittagong có khoảng 2.000 lao động nữ. Nếu tuần tới Bangladesh kéo dài thời gian nghỉ do dịch bệnh thì doanh nghiệp ông sẽ không có hàng, tức người lao động sẽ không có việc làm.
Khách hàng của ông, trong đó có tập đoàn Inditex (gồm thương hiệu Zara) của Tây Ban Nha và Discounter Takko của Đức đã dừng các hợp đồng. Ngay cả các đơn hàng đang trong quá trình thực hiện cũng bị từ chối không nhận: Hiện tại 20.000 thành phẩm dành cho Takko đã hoàn thành. "Nhưng họ yêu cầu tôi tạm dừng, chưa cho hàng xuống tàu", ông Uddin nói.
Ông chủ doanh nghiệp 41 tuổi này giờ đây nóng lòng ngồi trên đống hàng của mình. Theo lời kể, ông đã phải ứng tiền để mua vải và thanh toán tiền vận chuyển, trong khi các tập đoàn lớn này đã có nhiều tháng để chuẩn bị thanh toán các hoá đơn.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn gặp khủng hoảng như đại dịch này còn được bảo vệ nhờ các quy định trong hợp đồng. Trong điều kiện bất khả kháng được phép huỷ hợp đồng tức thì nhưng với các doanh nghiệp như của ông Uddin thì ngân hàng sẽ siết nợ và có thể bị phong toả tài khoản. Bình quân mỗi lao động làm việc chỗ ông phải nuôi thêm năm thành viên trong gia đình. "Ban đêm, tôi không tài nào chợp mắt", ông Uddin than thở.
Bangladesh được mệnh danh là xưởng may thế giới. Ảnh: AMRAN HOSSAIN
Vì các doanh nghiệp như tập đoàn may mặc khổng lồ C&A hay chuỗi bán hàng Primark của Ireland huỷ các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu Euro do đại dịch nên các nhà sản xuất ở các nước có thu nhập thấp châu Á gặp nhiều khó khăn, phải tìm nhiều cách để tồn tại.
Các nước như Myanmar, Campuchia và Bangladesh, vốn được coi là xưởng may của thế giới, đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặt hàng may mặc chiếm 84% xuất khẩu hàng hoá của Bangladesh. Hôm 22/3, kết quả một cuộc khảo sát trong giới sử dụng lao động cho thấy, việc ngừng các hợp đồng đã gây thiệt hại lên tới 1,4 tỷ USD.
Một cuộc chiến đơn độc
Bangladesh đang phải đối mặt với một cuộc chiến đơn độc, báo Đức nhận định.
Theo người phát ngôn chuỗi kinh doanh hàng may mặc giá rẻ KiK tiết lộ, quyền lợi của những lao động ngành may mặc để bị lãng quên.
Bà Kalpona Akter, Giám đốc Trung tâm đoàn kết với người lao động Bangladesh cũng cho rằng, người lao động đang bị các nhãn hàng thờ ơ: "Với chúng tôi, mất việc phần lớn đồng nghĩa với thiếu ăn".
Ngoài ra, người lao động còn có nguy cơ bị lây nhiễm cao, không chỉ ở trong nhà máy. Họ mất khoảng 100 USD tiền thuê trọ mỗi tháng. "Thường cả dãy nhà trọ chứa khoảng 40 đến 50 người, dùng chung hai nhà vệ sinh và một nhà tắm", bà Akter nói.
"Tình hình 'cực kỳ bi đát'", bà Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp may mặc và xuất khẩu hàng dệt may Bangladesh (BGMEA) nói. "Chúng tôi quả thật trắng tay rồi".
Trong một tuyên bố qua video, bà kêu gọi khách hàng phương Tây "đừng bỏ rơi chúng tôi", chí ít phải tiếp nhận những lô hàng đã hoàn thành và kiến nghị, người lao động cần được hỗ trợ tiền lương trong ba tháng tới. Nếu không trên 4.000.000 lao động làm việc tại hơn 4.000 nhà máy phải ra đường, nguy cơ hỗn loạn là có thật.
Theo BGMEA, các đơn hàng bị huỷ và bị từ chối đã vượt mức 3 tỷ USD khiến 1.108 nhà máy bị ảnh hưởng.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới người lao động nước này. Ảnh: DW
Thái độ của các nhãn hàng
Chuỗi cửa hàng Primark lấy làm tiếc về việc huỷ hợp đồng tuy nhiên lại không nêu lên những con số cụ thể. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, chuỗi cửa hàng này cho biết, họ đã chi trả 1,6 tỷ Bảng Anh cho khối lượng hàng hoá đã nhập, số hàng này hiện nằm ở các chi nhánh, ở các kho hàng hoặc đang trên đường vận chuyển.
Do các chi nhánh buộc phải đóng cửa nên mỗi tháng doanh thu của chuỗi tổn thất khoảng 650 triệu Bảng. Đối với những hàng hoá đang trong công đoạn sản xuất mà nay bị huỷ hợp đồng, Primark đề xuất sẽ chi trả tiền công lao động cho công nhân.
Tập đoàn C&A cũng cho biết, họ đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Tuy nhiên họ sẽ làm hết sức, theo lời người phát ngôn của tập đoàn này, "để giảm tác động đến các nhà cung ứng".
Bangladesh có 150 nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc để cung cấp cho C&A, tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn này, số phận của người lao động dường như bị bỏ quên. Một nhà doanh nghiệp dệt may buồn bã nói: "Chúng tôi có những nhà máy hàng chục năm nay chuyên làm hàng cho C&A, họ thực sự rất quá đáng".
Tuy nhiên, cũng có một số nhà nhập khẩu bày tỏ, sẵn sàng thương lượng: Chuỗi thương hiệu H&M của Thuỵ Điển nhấn mạnh, họ hoàn toàn không có ý định huỷ các hợp đồng đã thực hiện . Hãng Tchibo thì cho hay, chưa hề huỷ bất cứ hợp đồng nào, các đơn hàng đã ký sẽ vẫn tiếp nhận, hãng quan tâm đến việc duy trì quan hệ với đối tác và sẽ tiếp tục có đơn hàng mới.
Chuỗi Takko khẳng định, họ sẽ có những thoả thuận như không huỷ bỏ hàng loạt hợp đồng. Người phát ngôn của hãng này tuyên bố: "Chúng tôi thực hiện 100% các cam kết về thanh toán đối với nhà cung cấp".
Với doanh nghiệp Denim Expert của ông Mostafiz Uddin, các bên đang trao đổi với nhau để tìm ra “một giải pháp chung” thông qua một đơn hàng ở giai đoạn trước sản xuất. Ông đã bày tỏ sự thất vọng qua một bức thư gửi ngay trong đêm cho đối tác. Lúc này, ông phải xoay sở để làm sao có vài trăm nghìn USD để trả lương tháng Tư cho người lao động .
Bà Gisela Burckhardt nói, có thể cuộc khủng hoảng này sẽ tạo ra một sự thay đổi. "Biết đâu người ta sẽ nhận thức rõ ràng hơn, nhiều người sẽ phải trả giá đắt cho việc sản xuất quá dư thừa sản phẩm giá rẻ. Biết đâu đây sẽ là giai đoạn chấm hết kỷ nguyên “thời trang dùng một".
Trong khi bà Rubana Huq lại cho rằng: "Các ông lớn sẽ trở lại với chúng tôi. Giờ chúng ta có một thế giới khác, lúc này chúng ta cần có loại hàng với giá rẻ hơn nữa".