Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM: “Mới vào lớp một đã Peter, Mary là không phù hợp”
Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khi trả lời câu hỏi của báo chí ngày 25/9, về quyết định cấm sử dụng tên tiếng Anh cho học sinh khối tiểu học.
Theo ông Hiếu, quy định cấm này không mới mà đã có từ 5 năm trước. “Khi đó nhiều phụ huynh phản ánh rằng con của họ bị đặt thêm tên tiếng Anh và về nhà lúc nào cũng tự hào với cái tên mới” – ông Hiếu cho hay.
Ông nhận định rằng việc này không có lợi trong việc giáo dục truyền thống, bởi “tiếng Anh là phương tiện để hội nhập nhưng chủ trương của chúng ta là vẫn phải giữ bản sắc”.
“Tên của mình là do cha mẹ đặt, phải tự hào với cái tên của mình, chứ mới vào lớp một đã Peter, Mary là không phù hợp trong môi trường giáo dục tiểu học. Cần phải hiểu và trân trọng cái tên cha mẹ đặt cho” – ông Hiếu tiếp tục.
Vị Phó Giám đốc Sở cũng cho rằng, quy định cấm này để thống nhất trong quản lý, vì hiện nay giáo viên bản ngữ phải điểm danh, dùng sổ điểm trong lớp nên không thể có thêm một cuốn sổ dùng tên khác.
Tuy vậy, ông Hiếu giải thích thêm: “Trong giờ học, trong sổ điểm danh là sử dụng tên tiếng Việt theo danh sách. Còn trường hợp ở ngoài hoặc với những trẻ thân thiết thì đặt tên để giao lưu, giao tiếp mà gia đình đồng ý và bản thân các em thích thì nhà trường không thể cấm cản”.
Liên quan đến những phản ánh về việc các trường quy định làm thẻ đa năng (SSC), ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết đề án này đã được thực hiện thí điểm ba năm nay.
“Mục đích là để không sử dụng tiền mặt trong nhà trường. Các em sẽ dùng thẻ để đóng họp phí, điểm danh, vào thư viện và tới đây Sở Giáo dục sẽ làm việc với Sở Giao thông vận tải để tích hợp chức năng đi xe buýt.
Các em được tích hợp nhiều tiện lợi, còn phụ huynh cũng an tâm khi các con không phải cầm tiền mặt theo. Vì vậy Sở đã có chủ trương cho các trường làm” – ông Hiếu nói và thông tin thêm rằng hiện đã có 336 trường với 150.000 thẻ đang sử dụng.