Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM: Chưa có cơ sở kết luận bán rượu bia làm ca nhiễm tăng

04/12/2021 15:00 PM | Xã hội

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, việc mở lại hoạt động ăn uống tại chỗ là cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và đến nay chưa có cơ sở kết luận số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây là từ các điểm kinh doanh có bán kèm rượu bia.

Tối 3/12, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã đăng đàn trực tiếp đối thoại với người dân trong chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới".

Theo Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, số ca mắc COVID-19 mới tại TP.HCM trong những ngày qua đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số ca khỏi bệnh tăng cao là một trong những tín hiệu lạc quan cho thấy TP.HCM đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Về một số ý kiến thắc mắc đối với nguy cơ bị lây nhiễm khi đến mua sắm tại nơi đông người, bác sĩ Lê Hồng Nga thừa nhận người dân càng đến nơi có mật độ tập trung đông người thì nguy cơ nhiễm dịch bệnh càng cao. Bà khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K, thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế khi đến các địa điểm mua sắm nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

 Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM: Chưa có cơ sở kết luận bán rượu bia làm ca nhiễm tăng - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, từ ngày 16/11, UBND TP.HCM đã cho phép mở lại hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Thành phố cũng cho phép thí điểm bán kèm bia rượu tại chỗ trên một số địa bàn đảm bảo an toàn phòng chống dịch như quận 7, TP.

Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sau thời gian thí điểm như dự kiến ban đầu, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản kéo dài thời gian thí điểm đến ngày 30/12. UBND TP.HCM đã giao Sở Công Thương và các quận huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có quyết định chính thức sau thời gian thí điểm.

 Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM: Chưa có cơ sở kết luận bán rượu bia làm ca nhiễm tăng - Ảnh 2.

Quận 7 và TP. Thủ Đức cho phép thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ có kèm bia rượu

Ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc mở lại hoạt động ăn uống tại chỗ là cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Theo ông, đến nay chưa có cơ sở kết luận số ca mắc COVID-19 gia tăng những ngày gần đây ở TP.HCM là từ hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ có phục vụ rượu, bia.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, số ca nhiễm mới tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng một số F0 vẫn không chấp hành nghiêm quy định cách ly tại nhà, tiếp xúc với người khác hoặc uống rượu bia chung với nhiều người.

Bác sĩ Nga cảnh báo: "Nếu số ca F0 tăng cao làm tăng cấp độ dịch của TP.HCM thì thành phố bắt buộc phải đóng cửa các hoạt động kinh doanh ăn uống có bán kèm rượu bia tại chỗ. Ngành y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc việc cách ly để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng, góp phần để TP.HCM sớm khôi phục hoàn toàn mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới".

 Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM: Chưa có cơ sở kết luận bán rượu bia làm ca nhiễm tăng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM

"Không nên để người chưa tiêm phòng đến những nơi có nguy cơ cao", bác sĩ Nga khuyến cáo. Trả lời một số ý kiến băn khoăn về những trường hợp chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 vì chống chỉ định, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin sẽ bị hạn chế ở một số hoạt động để bảo vệ cho chính bản thân những người đó. Các nước đều có quy định hạn chế hoạt động cộng đồng, nơi đông người đối với những người chống chỉ định tiêm vắc xin.

Theo bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), các siêu thị kiểm soát và chỉ cho phép những khách hàng đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin vào mua sắm. Những trường hợp chưa tiêm chủng, các siêu thị sẽ hỗ trợ bằng cách cho nhân viên mua sắm giúp khách hàng.

Cũng trong ngày 3/12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành công văn khẩn tiếp tục thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12, không còn phải đóng cửa trước 22h hàng ngày và phải tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch.

UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ đồ uống có cồn; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch. Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND TP.

Theo HUY THỊNH

Từ khóa:  Sở Công thương
Cùng chuyên mục
XEM