Lãnh đạo Louis Holdings giải trình chuyện thao túng giá cổ phiếu “họ Louis”: Có “tổ lái” nhưng là người ngoài, không phải Chủ tịch Đỗ Thành Nhân
Theo giải thích của Ban lãnh đạo của Louis Holdings, quả thật đang có ‘tổ lái’ làm giá các cổ phiếu trong ‘họ Louis’ nhưng không phải là người của công ty hay Chủ tịch Đỗ Thành Nhân. Trong 5 năm tới, Louis Holdings sẽ phát triển đa ngành với 4 mảng: lương thực, bất động sản, đầu tư và công nghiệp; bằng cách tuyển dụng thêm nhân tài, huy động vốn và tìm cơ hội trên thị trường.
Ngày 11/10/2021, Công ty CP Louis Holdings đã tổ chức lễ bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Nguyễn Mai Long, đồng thời chính thức công bố các thông tin và luận cứ để chứng minh mình không ‘làm giá’ cổ phiếu ‘họ Louis’, như đồn đoán trên thị trường.
Cổ phiếu ‘họ Louis’ bao gồm: Thuduc House (TDH), Louis Land (BII), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), DAP – Vinachem (DDV), Sametel (SMT), Louis Capital (TGG), Chứng khoán APG (APG) và Angimex (AGM)…
Biến động giá của các cổ phiếu 'họ Louis' tính đến ngày 24/9.
AI ĐANG ‘LÀM GIÁ’ CÁC CỔ PHIẾU ‘HỌ LOUIS’?
Trong khoảng vài tháng vừa qua, cổ phiếu ‘họ Louis’ trở thành nhân vật chính trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 14/9, toàn bộ các cổ phiếu nói trên đều tăng trần, đi ngược lại xu hướng của thị trường khi cả VN-Index và HNX-Index hôm đóp đều giảm điểm.
Cụ thể: các cổ phiếu "họ Louis" đã tăng giá rất mạnh tính từ đầu năm. Nổi bật nhất là TGG với mức tăng gần 4.300%, tức tăng giá khoảng 44 lần so với cuối năm 2020. Thời điểm đó, TGG chỉ có giá 1.170 đồng/cổ phiếu nhưng đến ngày 24/8 giá đã lên tới 52.800 đồng/cổ phiếu. Tính trên cả thị trường chứng khoán Việt Nam, TGG cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất.
Đứng thứ 2 trong top tăng giá của "họ Louis" là BII. Giá cổ phiếu này đã tăng gần 650%, từ 3.600 đồng lên 29.200 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác gồm DDV tăng 311%, SMT tăng 225%, AGM và APG tăng gần 200% từ đầu năm.
Tuy nhiên, tới ngày 5/10/2021, AGM và BII bất ngờ đảo chiều mạnh, BII đang giao dịch ở mức giá sàn 13.100 đồng/CP đã chuyển sang trạng thái dư mua trần 15.900 đồng/CP. Còn những mã như TGG, SMT vẫn trong tình trạng cạn kiệt thanh khoản và giảm sàn, do không có người mua.
Theo giới đầu tư, Chủ tịch Louis Holdings – Đỗ Thành Nhân chính là người ‘lăng xê’ nhiệt tình nhất cho nhóm cổ phiếu của mình. Suốt vài tháng qua, ông thường xuyên có những chia sẻ về các cổ phiếu trong ‘họ Louis’ trên Facebook cá nhân và trong group Louis Family.
Chủ tịch Louis Holdings – Đỗ Thành Nhân
Ông Đỗ Thành Nhân lập nhóm Louis Family trên Facebook như là "nơi trao đổi và chia sẻ của Chủ tịch và các cổ đông Louis Group". Chỉ sau một tháng thành lập, nhóm Louis Famlily có tới hơn 12.900 thành viên. Đa phần nội dung trong nhóm đều xoay quanh triển vọng, viễn cảnh tươi sáng trong câu chuyện M&A của Louis Holdings.
Đầu tháng 9, ông Nhân “tiên tri” trên facebook cá nhân rằng: "Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái" hay "Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 2X; mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng [chứng]".
Giữa tháng 9/2021, ông lại có status trên Facebook: "Nước mắt đã rơi... 1 phiên giao dịch đầy cảm xúc. Chấp nhận hy sinh tất cả vì quyền lợi cổ đông. Như một lời thề: Tiền của bạn là tiền của tôi". Rồi đến đầu tháng 10/2021, sau khi giới đầu tư chứng khoán và truyền thông đồng loạt lên tiếng nghi ngờ Louis Holdings ‘thao túng giá cổ phiếu’, ông Đỗ Thành Nhân đã viết một tâm thư thật dài và tuyên bố sẽ xóa sổ nhóm Louis Family.
Sở dĩ, mọi người nghi ngờ Louis Holdings và ông Đỗ Thành Nhân ‘làm giá’ cho các cổ phiếu ‘họ Louis’ là bởi sau mỗi status của vị Chủ tịch này, 8 cổ phiếu nói trên đều có sự tăng giảm tương ứng với nội dung trên Facebook hoặc trong nhóm Louis Family.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thục Vũ - Tổng Giám đốc Louis Capital, quả thật là các cổ phiếu trong ‘họ Louis’ đang bị ‘làm giá’, nhưng không phải là do ông Đỗ Thành Nhân hoặc bất cứ ai trong Louis Holdings; mà là người ngoài.
"Những chia sẻ của Chủ tịch Đỗ Thành Nhân mà các bạn thấy trên mạng, là ông nói chuyện với bạn bè trong một nhóm kín và ai đó đã chụp ảnh rồi công bố ra bên ngoài. Hơn nữa, vì ông không có kinh nghiệm trong việc đầu tư tài chính, nên mới có những hành xử gây hiểu lầm như thế, chứ Chủ tịch không hề có ý định ‘thao túng giá cổ phiếu’ hay ‘làm giá’ các cổ phiếu trong ‘họ Louis’ như nhiều người đồn đoán.
Louis Holdings không hề có ý định can thiệp vào giá cổ phiếu bằng cách nào đó, bởi giá cao hay thấp đều không tốt cho công việc kinh doanh của Tập đoàn. Giá thấp khiến nhân viên hoang mang, còn giá cao sẽ làm họ xào xáo; cả hai đều không tốt cho hoạt động của doanh nghiệp. Vậy nên, tôi có thể khẳng định lại một lần nữa, Louis Holdings hoặc bất cứ ai liên quan đến Tập đoàn đều không có ý định ‘thao túng giá cổ phiếu", ông Ngô Thục Vũ phân tích.
Ông Nguyễn Mai Long - Tổng Giám đốc Louis Holdings (trái) và ông Ngô Thục Vũ - Tổng Giám đốc Louis Capital đang trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Ngoài ra, theo suy đoán của Tổng Giám đốc Louis Capital, dường như đang có vài ‘tổ lái’ bên ngoài đang ‘làm giá’ cho các cổ phiếu ‘họ Louis’.
Đầu tiên là vì kinh doanh đang gặp khó khăn và quá rảnh rỗi khi ở nhà, nên mọi người đổ xô vào đầu tư chứng khoán. Thứ hai, do trên thị trường xuất hiện nhiều F0 – thiếu hiểu biết về thị trường nên dễ bị dụ; lợi dụng điều đó, một vài nhóm đã đi theo và viral các thông tin liên quan đến cổ phiếu ‘họ Louis’ để ‘lùa gà’. Kết quả là nhiều người ‘đu’ theo các cổ phiếu ‘họ Louis’ một cách bất chấp, khiến giá liên tục tăng hoặc giảm một cách bất thường.
LOUIS HOLDINGS LIỆU CÓ ĐỦ SỨC LÀM ĐA NGÀNH HAY CHỈ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU ĐỂ KIẾM LỜI NGẮN HẠN?
Một luận cứ nữa mà Ban lãnh đạo Louis Holdings mang ra để chứng minh mình không có động cơ để ‘thao túng giá cổ phiếu’, vì họ muốn đầu tư dài hạn vào hầu hết các công ty trong ‘họ Louis’ chứ không phải ngắn hạn.
Trong 5 năm tới, Louis Holdings sẽ phát triển đa ngành với 4 mảng: lương thực, bất động sản, đầu tư và công nghiệp; bằng cách tuyển dụng thêm nhân tài, huy động vốn và tìm cơ hội trên thị trường.
Về mảng lương thực thực phẩm: đây là mảng kinh doanh cốt lõi của Louis Holdings và Chủ tịch Đỗ Thành Nhân.
"Trước đây, Louis Land (BII) chỉ có tài sản, nhưng không có tiền đầu tư nên không thể tạo ra dòng tiền. Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đã nhờ bạn là ông Đỗ Thành Nhân giúp thu xếp vốn để triển khai các dự án đầu tư bất động sản của Louis Land.
Lúc đó, ngành gạo đang mang dòng tiền tốt cho ông Đỗ Thành Nhân và sau khi có sự trợ giúp của ông Đỗ Thành Nhân, Louis Land đã khôi phục được dòng tiền. Tiếp theo, vì ông Nguyễn Văn Dũng không làm nữa, quyết định rút lui; còn ông Đỗ Thành Nhân đã đứng ra nhận Louis Land để làm tiếp", ông Ngô Thục Vũ kể về cơ duyên đưa vị Chủ tịch của mình từ ngành gạo sang kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác.
Louis Holdings đặt mục tiêu đưa Angimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo tại thị trường Việt Nam, ước tính tiêu thụ 800.000 – 1.000.000 tấn gạo/ năm, mang lại doanh thu dự kiến trên 5.000 tỷ đồng/năm.
Bên trong một nhà máy của Angimex.
Bất động sản: có các dự án của Louis Land và 2 dự án lớn từ Louis Capital (TGG). Đối với Louis Land, Louis Holdings sẽ tập trung triển khai các dự án bất động sản hiện có và khai thác triệt để, lắp đầy các cụm công nghiệp Tân Bình, Thắng Hải theo kế hoạch đã đề ra.
Ngoài thành lập 5 pháp nhân mới với Thuduc House để thực hiện 5 dự án với tổng số vốn điều lệ lên tới 13.590 tỷ đồng - riêng Louis Land sẽ phải rót vào 5 pháp nhân này tổng cộng trên 4.400 tỷ; Louis Land còn sở hữu khoảng 200 ha ở 4 cụm công nghiệp (Thắng Hải 1,2,3 với 150 ha và Tân Bình 50 ha)…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa dự án nào của Louis Land chính thức khởi công xây dựng và đều đang trong quá trình xoay tiền.
Về đầu tư – M&A: "Tiền thân của Louis Capital là Công ty Xây dựng Trường Giang. Lúc chúng tôi mua, thì Trường Giang đang bị kiểm soát do nguồn thu từ hoạt động xây dựng không có. Sau đó chúng tôi đến, đổi tên thành Louis Capital, tái cơ cấu để tạo ra dòng tiền ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn: tìm kiếm cơ hội ở thị trường như đầu tư chứng khoán và kiếm lời từ chênh lệch giá cổ phiếu. Về dài hạn: tìm kiếm danh mục đầu tư, tư vấn tái cấu trúc để nâng giá trị doanh nghiệp – phát triển bền vững, khiến cổ phiếu tăng giá mang về lợi tức cũng như nhiều lợi ích khác nhau.
Ngoài ra, Louis Capital còn hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, tìm cơ hội M&A với các công ty trong ngành bất động sản cùng lương thực", Tổng Giám đốc Louis Capital cho biết.
Hơn nữa, việc Louis Holding để mắt để Xây dựng Trường Giang là do họ có 2 dự án bất động sản tốt, trong đó có dự án Ao Giời Suối Tiên rộng 560ha đã có giấy phép xây dựng, chỉ cần triển khai đền bù là có thể động thổ xây dựng. Trước mắt, họ sẽ quy hoạch lại để xây trước 170ha với số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ.
Mảng công nghiệp: ngoài các nhà máy chế biến gạo và lương thực thực phẩm, Louis Holdings còn đầu tư vào lĩnh vực cáp nhựa Vĩnh Khánh, phân bón Vinachem và điện mặt trời Samatel.
Tổng Giám đốc Louis Holdings - Nguyễn Mai Long
"Nhiều luồng dư luận đã cho rằng: Louis Holdings toàn mua các công ty không có gì ấn tượng, chỉ có cái vỏ, rồi kinh doanh bết bát, tương lai mù mịt. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì không phải tất cả đều đang gặp khó khăn, ví dụ: Agrimex đang phát triển rất tốt và Louis Holdings đang nắm quyền chi phối, Vinachem có nguồn vốn và năng lực sản xuất mạnh.
Ngoài ra, không phải các công ty trong ‘họ Louis’ là không liên quan đến nhau, Louis Holdings có thể mua phân bón từ Vinachem phục vụ việc trồng trọt cho mảng lương thực, Sametel đã hoàn tất thi công vừa vận hành khoảng 30MW năng lượng mặt trời và sẽ tạo ra dòng tiền tốt.
Chúng tôi sẽ cố gắng đạt tỷ lệ sở hữu không thấp hơn 70% cổ phần của Công ty cổ phần Louis Capital, nắm quyền chi phối Angimex và Louis Land. Chúng tôi luôn cố đầu tư dài hạn khi vào bất cứ công ty nào, nhưng nhiều trường hợp không như ý – ví dụ cổ phiếu quá cao không thể mua nhiều hay đầu tư một thời gian không hiệu quả sẽ rút.
Vậy nên, chúng tôi không thể tiết lộ cụ thể mình đã chi bao nhiêu tiền cho đầu tư ngắn hạn và bao nhiêu cho đầu tư dài hạn; vì nó sẽ biến động theo từng ngày, từng tháng", Tổng Giám đốc Louis Holdings - Nguyễn Mai Long cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Mai Long: Louis Holdings không đưa người từ mảng sản xuất – xuất khẩu lúa gạo sang làm bất động sản hay đầu tư, mà tuyển người mới từ bên ngoài. Khi thấy trên thị trường có bất cứ công ty nào tiềm năng có thể M&A, họ sẽ mua lại rồi cử chuyên gia sang giúp sức, để công ty có thể phát triển bật lên và đi được đường dài.
Ngoài ra, cũng có nhiều băn khoăn về nội lực của hệ sinh thái Louis Holdings – khi chưa có nguồn lực tài chính rõ ràng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mai Long cho rằng, kinh doanh không chỉ dựa vào nội tại mà tổng hòa của nội tại và sự giúp sức của các tổ chức tài chính/quỹ đầu tư/nhà đầu tư chiến lược.
Tóm lại, chiến lược đa ngành của Louis Holdings sẽ chạy bằng cách tuyển dụng thêm nhân tài, huy động vốn và tìm cơ hội trên thị trường.
Câu hỏi ở đây, với Louis Holdings, phát triển đa ngành trông có vẻ không khó, vậy tại sao các doanh nghiệp Việt thận trọng khi chọn chiến lược đa ngành đến thế? Và dù đã thận trọng song vẫn có nhiều người thất bại. Hơn nữa, tìm kiếm một nhân tài trên thị trường lao động đến để vực dậy một doanh nghiệp liệu có dễ? Đa ngành nhưng dựa nhiều vào ngoại lực và trông có vẻ mông lung vậy liệu có thành công?
Nếu đã quyết định phát triển đa ngành – thêm 2 ngành quan trọng là công nghiệp – bất động sản, tại sao họ tuyển 1 chuyên gia về tài chính là ông Nguyễn Mai Long về làm Tổng Giám đốc của cả hệ sinh thái, khi ông Ngô Thục Vũ - Tổng Giám đốc Louis Capital vốn đã là một nhà đầu tư tài chính – chứng khoán sừng sỏ?