Lãnh đạo Golden Gate: Từ "bay vút lên trời" sau Covid đến khó khăn "khi nào dừng vẫn chưa dự đoán được"
"Từ tháng 12/2022, đáng lẽ mùa lễ hội phải tốt thì lượng khách hàng đến nhà hàng lại giảm, cho thấy áp lực từ suy giảm kinh tế” - CFO của Golden Gate nói.
Tại một sự kiện diễn ra hôm 2/3/2023, bà Lan Nguyễn – CFO Golden Gate – cho biết ngành F&B, nhà hàng có những thay đổi rất nhanh thời gian qua. “ Bắt đầu từ năm 2022, sau Covid-19 thì thị trường bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng. Gần như nhà hàng nào sau Covid cũng đông khách , thậm chí muốn đi ăn phải đặt bàn trước . Và mức tăng trưởng này theo từ chuyên môn hiểu là ‘bay vút lên trên trời ’.
Dù vậy, từ tháng 12 /2022, đáng lẽ mùa lễ hội phải tốt thì lượng khách hàng đến nhà hàng lại giảm, cho thấy áp lực từ suy giảm kinh tế ”.
Theo đại diện Golden Gate, phải đến quý 2-3/2023, khi kinh tế ổn định, lãi suất giảm, lạm phát giảm và thị trường trái phiếu được kiểm soát thì tâm lý tiêu dùng khách hàng mới ổn định trở lại.
Từ cuối năm 2022, mọi người đang gặp nhiều khó khăn, khi thị trường trái phiếu và bất động sản bị chững lại, kéo theo tâm lý người tiêu dùng thay đổi và họ đã không chi tiêu nhiều vào cuối năm 2022.
“Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023, song khi nào dừng thì tôi vẫn không dự đoán được. Và vì ăn uống vẫn là ngành cơ bản cộng với kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nên kế hoạch của Golden Gate vẫn không thay đổi nhiều”, CEO Golden Gate – ông Đào Thế Vinh – chia sẻ mới đây.
(1) Nếu thị trường khó khăn: Golden Gate sẽ đầu tư đầu tư vào nền tảng, khám phá những “vùng đất chưa vào” và sản phẩm chưa bán. Cụ thể, Golden Gate có thể đào sâu hơn vào mảng delivery đã được manh nha trong mùa dịch – trong đó dịch vụ phục vụ tiệc tại nhà khá tiềm năng; hay lại đi tìm cơ hội ở thị trường nước giải khát – đồ uống.
(2) Nếu thị trường thuận lợi: Golden Gate sẽ tập trung vào thị trường – ngành hàng mình đang mạnh.
Golden Gate được sáng lập năm 2005 bởi 3 doanh nhân là ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung. Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima, đến nay Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack's), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)...
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, Golden Gate đã thu được kết quả kinh doanh rất ấn tượng: trong giai đoạn 2012-2019, doanh thu của công ty đã tăng gấp 16 lần từ hơn 300 tỷ lên 4.776 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6,4 lần lên 255 tỷ đồng.
Dù vậy, công cuộc mở rộng quy mô của Golden Gate đòi hỏi phải hy sinh: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu công ty giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu giai đoạn đỉnh cao 2012-2013, cứ 100 đồng doanh thu, công ty lãi ròng khoảng 15 đồng thì đến nay chỉ còn chưa đến 7 đồng.
Sang năm 2022, theo kế hoạch Công ty đề ra thì biên lãi sau thuế chỉ còn 5,5%.