Lân Trần - Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt hai chân, mù màu: Cuộc đời tôi sau tai nạn là màu đen, giờ là màu xám, tươi sáng hơn một chút rồi!

13/08/2016 17:38 PM |

Mù màu, từng là một tay đua xé gió đã đi khắp các nước châu Âu, để rồi gặp tai nạn và gắn bó cuộc đời mình bên chiếc xe lăn. Nhưng những điều này không đủ để cản Lân Trần theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh của mình và tiếp tục sống với một niềm lạc quan cháy bỏng.

Trong quyển tự truyện “Tâm thành và Lộc đời - hãy cứ cho đi từ cõi này” của Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, độc giả ấn tượng bởi những bức ảnh chân dung đen trắng đã qua xử lý tỉ mỉ về sắc độ, ánh sáng để nội tâm nhân vật được khai thác tinh tế. Hỉ, nộ, ái, ố của NSƯT Thành Lộc dường như được lột tả chân thật và đủ sức mạnh để minh họa cho cả cuốn tự truyện chứa đầy ưu tư này.

Tác giả của bộ ảnh đó là một nhiếp ảnh gia người Bỉ gốc Việt, chỉ mới cầm máy được chừng 3 năm. Đặc biệt hơn, anh là một người mù màu bẩm sinh và bị liệt hai chân từ sau một tai nạn tại giải đua xe mô tô ở Bỉ.


Trần Đức Lân khi còn là một vận động viên đua mô tô ở Bỉ. (Ảnh: NVCC)

Trần Đức Lân khi còn là một vận động viên đua mô tô ở Bỉ. (Ảnh: NVCC)

Nhiếp ảnh gia đó là Trần Đức Lân, người vẫn được bạn bè gọi bằng cái tên thân mật: Lân xe lăn!

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 4.

Nhắc về "Lân xe lăn" khi đến chung cư Copac ở quận 4, những người bảo vệ ở đây không ai còn lạ lẫm gì: "Có phải cái anh xăm mình, ngồi xe lăn, lâu lâu kéo cả đám bạn đến chơi không, ờ, bấm thang máy lên tầng 10, phòng 2, cả bọn ở trển đó!".

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 5.

Trong căn hộ nơi tầng cao chung cư là chốn đi về của 3,4 người đàn ông, một góc phòng khách được tận dụng làm studio và là nơi trưng bày hàng trăm mô hình nhân vật thu nhỏ được đặt trong hai chiếc tủ kính tầm trung.

Anh Lân đội chiếc mũ ngược ngổ ngáo, ngồi trên xe lăn ở giữa nhà, đưa ống kính hướng về người mẫu đang tạo dáng trước phông bạt màu xám đen và "Tách!". Trong ánh đèn flash vụt lóe cùng tiếng nhạc xập xình, gương mặt của người đàn ông 37 tuổi này như lộ rõ sự hào hứng, sảng khoái khi được làm việc với niềm đam mê bất tận của mình.

Khi tạm dừng công việc để chia sẻ về những thăng trầm mình phải trải qua, anh Lân vẫn nói bằng giọng rất bình thản, an yên. Anh nhìn thẳng về nỗi đau của mình mà không phải trốn tránh, anh chấp nhận mọi việc đã đến như một phần trong quá khứ góp công hình thành nên một Trần Đức Lân bây giờ.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, đến năm lớp 10, Trần Đức Lân theo gia đình sang Bruxelles (Bỉ) sống. Bỏ dở việc học, anh bắt đầu làm những công việc chân tay để phụ giúp gia đình. Ban ngày, anh chở thịt đi giao cho một nhà hàng, ban đêm thì làm bồi bàn. Cuộc sống bình yên cứ thế trôi qua, anh kết bạn với nhiều người trong hội chơi xe mô tô rồi phát hiện mình cũng cùng đam mê tốc độ. Nhưng cũng niềm đam mê đó đã vĩnh viễn cướp mất đôi chân của Đức Lân trong một tai nạn ở cuộc đua nghiệp dư mà anh đã đăng ký tham gia. 5 năm sau tai nạn, anh quyết định từ bỏ tất cả để về lại quê huơng, chọn Sài Gòn làm chốn hồi sinh và bắt đầu lại từ con số 0. Cũng từ đó, anh bén duyên với nhiếp ảnh, dùng tiền bồi thường bảo hiểm tai nạn để nuôi nghề. Khác với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác, Đức Lân chỉ chọn dòng máy Nikon D90 để bắt đầu và hiện tại đã nâng cấp lên D300, ống kính, thiết bị đều rất đơn giản nên không phải tốn kém nhiều.

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 6.

Phải mất bao lâu để anh vượt qua những tháng ngày tuyệt vọng và bước ra khỏi bóng tối quá khứ?

Gần 2 năm. Bạn hãy tưởng tượng đi, từ một tay đua mô tô đã đi vòng quanh các nước Châu Âu, đã chinh phục những đường đua xé gió cùng đồng đội, cuối cùng tôi thức dậy trên giường bệnh sau cơn mê man và đón nhận sự thật rằng mình sẽ không bao giờ đi được trên đôi chân này nữa.

Cảm giác lúc đó rất tồi tệ. Tệ đến nỗi tôi đã nghĩ rằng: Hay là mình chết quách đi cho xong! Nhưng tôi không-thể-làm được. Đến cả việc kết thúc cuộc đời của mình, tôi còn không có khả năng. Quá tuyệt vọng nên tôi đã chọn buông xuôi.

Tôi rơi vào trầm uất, tự kỷ, tôi nhốt mình trong nhà, né tránh tất cả mọi ánh nhìn của mọi người.

Tôi rất sợ khi bước ra khỏi cánh cửa ngôi nhà đó, tôi sẽ bị mọi người ném về mình một cái nhìn thương hại.

Và rồi anh có mở cửa để đối đầu với những tưởng tượng bi thương đó?

Cuối cùng tôi cũng đã mở cửa, cũng như mở lòng mình lại. Tôi nghĩ: thôi thì, cứ sống thôi, tới đâu hay tới đó!

Thật bất ngờ, thì ra lâu nay tôi đã sai. Bạn bè, gia đình, người thân, tất cả đều ở đó. Họ chờ tôi trở lại, và đối xử với tôi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi vẫn cùng nhau đi ăn, đi chơi, cùng bày những trò phá phách để vui đùa với nhau. Chỉ khác là nếu ngày trước tôi đi bằng chân, thì bây giờ tôi chịu lệ thuộc vào những vòng xe lăn.

Bạn bè có ý nghĩa thế nào đến cuộc đời của một Trần Đức Lân tưởng như sẽ không bao giờ vực dậy được nữa?

Khi nằm trên giường bệnh, những người bạn là các y bác sĩ của bệnh viện đã giúp tôi hồi phục thể xác, và sau này, trong những buổi tập vật lý trị liệu, họ cũng là người giúp tôi hồi phục tinh thần. Họ đã chữa lành vết thương cho một trái tim kiêu hãnh như tôi.

Tôi từng nghĩ, nếu không theo nhiếp ảnh, có thể tôi sẽ học Y khoa, vì nghề này rất đẹp. Tôi đã có những người bạn mang tấm lòng rất đẹp trong nghề như thế.

Nếu đem một màu sắc vào cuộc sống của anh thì nó có màu gì?

Sau tai nạn thì hoàn toàn màu đen, bây giờ thì xám. Còn khi nào cuộc đời tôi trở nên trắng, hồng, thì cứ để thời gian trả lời. Nhưng tôi hy vọng sẽ sớm thôi.

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 9.

Nói về nhiếp ảnh, anh đã bén duyên với bộ môn này như thế nào?

Khi tôi về Sài Gòn làm lại cuộc đời, tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại gắn bó với nhiếp ảnh. Tôi quen với một ông bầu trong giới showbiz và họ giới thiệu cho tôi các show chụp ảnh người nổi tiếng. Ban đầu, tôi xem việc cầm máy như một thú vui để giết thời gian, tôi theo các đoàn làm phim, ekip ảnh để chụp hình người mẫu, hậu trường.

Bộ ảnh chuyên nghiệp đầu tiên tôi chụp cách đây 3 năm là cho siêu mẫu Hữu Long (Giải vàng siêu mẫu Việt Nam 2012). Buổi chụp diễn ra ở Phan Thiết, các bức ảnh có màu sắc tự nhiên, không phải đen trắng, không cá tính như phong cách của tôi hiện tại. Bởi ngày đó thấy mọi người chụp sao thì tôi chụp vậy, hoàn toàn chưa định hình phong cách riêng của mình.

Một thời gian sau, tôi cảm thấy mình cần nghiêm túc hơn với nhiếp ảnh. Tôi muốn thoát khỏi những bộ ảnh chạy theo số đông thị trường, những bức ảnh dễ hòa lẫn với hàng nghìn bức ảnh của các nhiếp ảnh gia khác, nên tôi chọn một phong cách ảnh riêng cho mình: Tôi đem màu sắc từ chính cuộc sống, từ chính con người thật của mình vào mỗi bức ảnh.

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 10.

Đa số ảnh của anh đều mang màu sắc u tối, nhiều bộ ảnh có phong cách khác thường, quái dị. Đó có phải là con người của Trần Đức Lân?

Nếu không có tai nạn xảy ra, có lẽ những bức ảnh của tôi sẽ không u tối như vậy. Màu sắc là quá khứ, còn sự quái dị là con người hiện tại của tôi.

Tôi bị mù màu nhưng không có nghĩa là chỉ thấy được hai màu trắng đen, nhìn một bức tranh tôi vẫn cảm nhận được có bao nhiêu màu sắc, cũng có một số màu có độ sáng tối gần giống nhau nên tôi sẽ bị nhầm lẫn.

Điều gì quan trọng nhất để làm nên một bức ảnh đủ khiến anh thỏa mãn?

Một bức ảnh có bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa, nhưng không bắt được cái thần thái của mẫu thì cũng xem như bỏ đi. Thần thái của mẫu vẫn quan trọng hơn màu sắc tổng thể trên toàn bức ảnh.


Chọn phong cách "kén" khách và đi ngược lại thị trường như thế, sự nghiệp của anh có gặp khó khăn không?

Rất nhiều, có khi tôi làm việc và cống hiến hết mình nhưng rồi sản phẩm không phù hợp với thị trường và không được chọn. Tôi rất buồn. Nhưng tôi nghĩ, cứ đi theo đam mê dẫn lối thì sẽ thành công thôi. Thất bại thì làm lại, 1 lần chưa được thì làm 10 lần, đến khi nào thành công thì thôi.

Tôi chấp nhận khó khăn còn hơn chạy theo thị trường để đánh mất sự sáng tạo của chính mình. Tôi không quan trọng sản phẩm của mình có được số đông công nhận hay không, tôi chỉ cần được làm điều mình yêu thích để thỏa mãn chính mình.

Khi khách hàng tìm đến tôi, tôi cũng nói rõ với họ rằng: "Các bạn đã đến đây, biết được hướng đi và phong cách ảnh của tôi, thì các bạn phải chấp nhận sản phẩm cuối cùng của tôi. Có đưa một đống tiền rồi bắt tôi chụp theo ý bạn, tôi cũng không làm được".

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 11.

Bức ảnh đặc biệt của Trần Đức Lân tại Top Model Online. Vừa cá tính, vừa lạc quan và tràn đầy cảm hứng.

Bức ảnh đặc biệt của Trần Đức Lân tại Top Model Online. Vừa cá tính, vừa lạc quan và tràn đầy cảm hứng.

Nếu theo dõi cuộc thi Vietnam Next Top Model 2016, bạn sẽ nhận ra cái tên Trần Đức Lân - một trong những gương mặt tranh tài ở vòng loại Top Model Online năm nay.

Trong số những bộ hồ sơ ấn tượng cùng những gương mặt xinh xắn, thân hình cực chuẩn của giới trẻ Việt tham gia cuộc thi, bộ ảnh của "người mẫu" Đức Lân lại mang cảm hứng hơn tất cả.

Hỏi lý do vì sao anh quyết định tham gia cuộc thi, anh Lân cười lớn: "Hôm đó rảnh rỗi, mấy anh em trong studio đang ngồi xem tin tức thì bảo: Ê Lân, ra đây tụi tao chụp hình gửi đi tham gia Top Model Online nè. Sẵn máy sẵn đèn, sẵn studio còn mở nhạc xập xình cùng đông đủ anh em bạn bè đang muốn bày trò, tôi đồng ý tham gia luôn!"

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 13.

Từ bỏ tốc độ và những chặng đường đua khốc liệt, ngoan ngoãn ngồi ở hàng ghế khán giả chỉ để nhìn đồng đội lướt gió trên mô tô, anh Lân cũng chạnh lòng nhớ về một thời tuổi trẻ huy hoàng của mình. Tai nạn năm đó không gây ám ảnh cũng không khiến anh quay lưng với đam mê mô tô, dù giờ đây anh chỉ có thể nép ở "cánh gà" cổ vũ cho đồng đội.

Nhiếp ảnh gia Sài Gòn liệt 2 chân, mù màu: Đời về cơ bản là buồn nên nếu không quậy thì tẻ nhạt lắm! - Ảnh 14.

"Ở nước ngoài, người ta tổ chức các giải đua mô tô như một môn thể thao nghiêm túc chứ không phải chỉ là thú chơi ngông. Khi đã ngồi lên "ngựa chiến" của mình, tôi phải chắc chắn sự an toàn của bản thân được đảm bảo tối đa 80%. Nhưng thật tiếc, tôi đã rơi vào 20% rủi ro còn lại", anh cười.

Từng cầm lái chinh phục khắp mọi nẻo đường Châu Âu, nhưng chưa khi nào Lân Trần chở theo một ai đó phía sau, cũng như chưa một lần chịu ngồi sau xe người khác. Anh có nhiều bạn bè nhưng chỉ muốn cô độc trên đường đua, để nếu có gặp sự cố cũng chỉ bản thân mình chịu trận.

Tôi hỏi anh Lân rằng, cảm giác của anh thế nào khi phải bỏ lại đam mê tốc độ một thời, anh bình thản trả lời: "Không, tôi vẫn đam mê đó thôi. Tôi vẫn cảm thấy háo hức khi nhìn bạn bè mình trên những chặng đường đua, tôi vui cho niềm vui của họ. Còn chuyện quá khứ cứ để nó nằm trong quá khứ".

Bài viết: Thẩm Quỳnh Trân

Ảnh: Trịnh Kim Điền
Clip: Team Media
Thiết kế: AG

Cùng chuyên mục
XEM