"Làn sóng" trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga có gì? - Vẫn chừa lại thứ quan trọng
Đài RT (Nga) đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) hôm 15/3 vừa công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga vì Ukraine.
Theo đó, RT cho biết các biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ, cấm giao dịch với một số doanh nghiệp do chính phủ Nga sở hữu, và cấm nhập khẩu một số kim loại của Nga như sắt thép.
Ngoài ra, các cơ quan châu Âu cũng bị cấm cung cấp xếp hạng tín nhiệm cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào của Nga và công dân EU bị cấm thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Riêng lĩnh vực nhập khẩu dầu và khí đốt sang EU vẫn không bị ảnh hưởng, theo RT. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu Nga, và hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, các nước EU vẫn chưa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga như Mỹ và Anh.
Một số mặt hàng xa xỉ (trị giá hơn 300 Euro - 328 USD) bị liệt vào danh sách cấm vận mới nhất bao gồm rượu champagne, túi xách, kim cương và xe trị giá hơn 50.000 euro (54.730 USD). Ngoài ra danh sách dài này còn đề cập tới những mặt hàng như ngựa đua thuần chủng và các tác phẩm nghệ thuật, hay những vật phẩm như áo thun cotton và thuốc lá.
Trong số 9 thực thể bị trừng phạt bao gồm công ty con bán nhiên liệu máy bay của tập đoàn năng lượng Rosneft, một số nhà sản xuất vũ khí Nga và các công ty công nghiệp-quân sự khác; cùng với đó là 15 cá nhân - gồm ông chủ Chelsea, tỷ phú Roman Abramovich.
Các lệnh trừng phạt mới và hiện hành đều nhắm đến mục tiêu gây sức ép đối với nền kinh tế Nga vì những hành động quân sự của nước này tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt trước đó đã nhắm vào các nhà lập pháp và doanh nhân Nga, lĩnh vực tài chính của nước này và các hãng truyền thông RT và Sputnik. EU cũng đóng cửa không phận với máy bay Nga từ tháng 2.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva bình luận với CBS News hôm 13/3 rằng các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ có tác động "nghiêm trọng" đến nền kinh tế Nga, dẫn đến suy thoái sâu trong năm 2023.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này có thể vượt qua "cuộc chiến kinh tế" nhờ vào sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng phong phú.
Ngoài quyết định ngừng nhập khẩu một số mặt hàng, Nga đã đáp trả bằng tuyên bố trừng phạt cá nhân Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số quan chức hàng đầu của Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cho biết "danh sách đen" của họ dự kiến sẽ còn dài thêm, theo RT./.