'Làn sóng' tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro đẩy đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2007

23/03/2019 16:16 PM | Xã hội

Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, đường cong lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ chứng kiến sự đảo ngược. Đây là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên thể hiện cho chu kỳ suy thoái kinh tế và cắt giảm lãi suất sắp diễn ra.

Sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và 10 năm chạm mức âm khi lượng mua tăng khiến lợi suất 10 năm chạm mức thấp nhất trong 14 tháng là 2,416%. Hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược được xem là chỉ báo đáng tin cậy về sự suy thoái sắp xảy ra, có thể trong khoảng 18 tháng tới.

Nhu cầu mua trái phiếu chính phủ đã được thúc đẩy bởi một "cú hích" hôm thứ Tư, khi các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ hạ dự báo tăng trưởng GDP và cả triển vọng nâng lãi suất cho năm 2019. Phần lớn các quan chức đều dự tính rằng sẽ không thực hiện đợt nâng nào trong năm nay, dù hồi tháng 12 họ vẫn cho biết rằng sẽ có ít nhất 2 đợt nâng cho năm 2019.

Theo đó, các nhà đầu tư xem động thái "bồ câu" của Fed là động lực để tăng thêm vị thế cho một chu kỳ nới lỏng của Fed và định giá cho một đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và 50% xác suất về một đợt sụt giảm của thị trường trong năm nay.

 Làn sóng tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro đẩy đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2007  - Ảnh 1.

Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu 3 tháng và 10 năm lần đầu chạm mức âm.

"Có vẻ như những lo ngại về tình trạng chậm lại của kinh tế toàn cầu đã thể hiện rất rõ ràng và thị trường đang bắt đầu đi xuống khi Fed nới lỏng định lượng cùng nguy cơ tiềm tàng của cuộc suy thoái kinh tế xuất hiện. Đó rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang hoang mang về đà tăng trưởng và chuyển sang nắm giữ trái phiếu, từ việc đầu tư vào những tài sản rủi ro", Kathy Jones, chiến lược gia trái phiếu tại Charles Schwab & Co., cho hay.

"Làn sóng" mua trái phiếu đã lấy đi gần 20 điểm cơ bản của lợi suất trái phiếu 10 năm chỉ trong vài ngày vừa qua và nó còn diễn ra trên thị trường toàn cầu. Số liệu sản xuất yếu kém của châu Âu cũng khiến lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm xuống mức âm, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

IHS Markit công bố số liệu cho thấy khu vực sản xuất của Đức trong tháng 3 tiếp tục đi xuống, tăng trưởng sản lượng thấp chạm gần mức thấp nhất trong 6 năm. Còn ở Pháp, hoạt động sản xuất chậm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, hoạt động dịch vụ ở mức thấp nhất trong 2 tháng. Đối với toàn bộ khu vực Eurozone, hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013.

Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu 3 tháng và 10 năm thường là một chỉ báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế đang trên đà tiến đến sự suy thoái chỉ trong vài năm tới. Diễn biến hôm thứ Sáu là một dấu hiệu tiếp theo sau hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược đã xảy ra hồi tháng 12 vừa rồi. Khi đó, chênh lệch giữa lợi suất 2 năm và 10 năm cũng thu hẹp lại, khoảng 11 điểm cơ bản và tỷ lệ chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm đã giảm xuống âm 1,4 điểm cơ bản, xuống dưới mức 0 lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Có thể thấy, khá nhiều người không đánh giá cao những dấu hiệu mà hiện tượng này thể hiện. Một số ý kiến còn cho rằng các yếu tố kỹ thuật đã làm thay đổi hình dạng và khả năng phát ra tín hiệu của đường cong, đặc biệt là khi chính sách của thời kỳ khủng hoảng đang thắt chặt lợi suất trong vài thập kỷ qua. Một cuộc suy thoái có thể đang đến gần sau khi khoảng chênh lệch sẽ đạt mức lớn kỷ lục, tuy nhiên thị trường cũng không dự đoán được chính xác khi nào nó sẽ diễn ra.

Dù mức chênh lệch giữa lợi suất 3 tháng vào 10 năm đã đưa ra "một tín hiệu khá rõ ràng để dự đoán về sự suy thoái, nhưng nó lại gặp vấn đề về thời gian", Gennadiy Goldberg, chiến lược gia của TD Securites, cho hay. Ông nói thêm: "Sự đảo ngược này có thể là dấu hiệu cho một cuộc suy thoái diễn ra 6 tháng hoặc trong 2 năm tới kể từ bây giờ."

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM