Làn sóng Covid-19 thứ 3 tàn phá châu Âu, ác mộng trở lại
Hơn một năm sau khi được công bố là đại dịch toàn cầu, châu Âu đang phải tiếp tục vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 3 đi cùng với các biện pháp gia tăng ngăn chặn.
Trong khi đó, dù đã có vắc xin nhưng việc triển khai tiêm chủng ở châu Âu vẫn rất chậm chạp. Rào cảnh chính vẫn là nguồn cung. Tình trạng này nghiêm trọng tới mức các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ họp trong tuần này để thảo luận một lần nữa về khả năng đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu vắc xin.
Tình trạng này diễn ra khi một số nước có thể tái áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn làn sóng thứ 3 lây nhiễm. Pháp, Ba Lan và Ukraine dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn vào cuối tuần và dự kiến kéo dài ít nhất vài tuần.
Cuối tuần trước, Paris đã phải đối mặt với lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng. Quy định tương tự cũng được ghi nhận ở 15 khu vực khác tại Pháp. Tình trạng mắc Covid-19 gia tăng, phần lớn do các chủng mới dễ lây nhiễm, là nguyên nhân chính của làn sóng thứ 3 này.
Tuy nhiên, xuất hiện những tranh cãi xung quanh tình trạng này, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của nó. Thực tế, khoảng 21 triệu người Pháp có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội mới này.
Pháp thông báo về hơn 30.000 ca mắc Covid-19 mới hàng ngày, nâng tổng số ca mắc của đất nước này lên hơn 4,2 triệu. Tính đến nay, hơn 92.000 người Pháp thiệt mạng do đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 4 khi nước này cũng phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 3. Một số bang của nước này đã kêu gọi gia tăng thời gian giãn cách xã hội khi tỷ lệ mắc Covid-19 vượt 100 trường hợp/100.000 người, mức mà trước đây Chính phủ Đức nói sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để tiến hành "phanh khẩn cấp" – làm chậm lại tiến trình dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội.
Động thái này sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Đức khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở trường trường học trở lại vào tháng 2 và chấp nhận cho một số cửa hàng không thiết yếu đón khách trở lại vào đầu tháng 3.
Trong khi đó, do phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 ở Liên minh châu Âu đang gia tăng, việc triển khai tiêm chủng vắc xin ở khối này vẫn chậm chạp và gây tranh cãi. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 25/3 để thảo luận về việc có nên chặn xuất khẩu vắc xin trong khi nguồn cung của khu vực thiếu trầm trọng hay không.
EU đã bị chỉ trích vì đặt hàng số lượng lớn vắc xin muộn hơn so với Anh và Mỹ. Sau đó, họ tiếp tục đối phó với các vấn đề về phân phối mặc dù hai trong số các loại vắc xin họ sử dụng là Pfizer-BioNTech và AstraZeneca được sản xuất ở chính tại châu Âu.
Xuất hiện báo cáo cho rằng EU có thể chặn xuất khẩu vắc xin AstraZeneca tại một nhà máy ở Hà Lan, động thái cũng gây nguy hiểm cho hoạt động tiêm phòng vắc xin vốn đang rất thành công ở Vương quốc Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ liên hệ với những người đồng cấp châu Âu để cố gắng giải quyết tình trạng bế tắc vắc xin.