Lần đầu tiên, vị thế của doanh nghiệp tư nhân được xác lập "trên cơ" FDI

29/04/2016 08:37 AM | Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gửi thư mời thân thiện tới hơn 300 doanh nghiệp tư nhân trong diễn đàn đối thoại sáng ngày 29/4, trong khi chỉ có 70 doanh nghiệp FDI và DNNN được mời tham dự.

Một sự kiện được mong đợi nhất trong những ngày tháng 4 lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đó là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng doanh nghiệp đang diễn ra.

Không phải là một tờ giấy triệu tập họp như thường lệ, mà thay vào đó là một giấy mời trang trọng, thân thiện và gần gũi, được người đứng đầu Chính phủ gửi tới doanh nghiệp. Thay vì những mệnh lệnh hành chính, hay những khoảng cách của Chính quyền và người dân như trước đây, thì quyết định gặp gỡ doanh nghiệp cùng một tấm thiệp mời thân thiện của Thủ tướng, như kéo gần tất cả.

Điều đáng chú ý, đây thực sự được xem là một diễn đàn của doanh nghiệp tư nhân , khi mà trong số gần 500 đại biểu tham dự đối thoại, có tới hơn 300 doanh nghiệp tư nhân được mời tham dự, trong khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ có khoảng 50 đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ có chỉ khoảng 20 đơn vị và 10 đơn vị đến từ các hợp tác xã.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng việc Chính phủ mời đến 300 doanh nghiệp tư nhân, trong khi số lượng doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác ít hơn, cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Lắng nghe và quan tâm đến tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân, thực sự là việc làm rất cần thiết trong lúc này. Cũng bởi, dù là lực lượng quan trọng ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, song khối kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự được đặt vào một vị trí xứng đáng nhất.

Đáng nói, dù chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách kinh tế nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và thiết lập cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân. Song trong quá trình thực hiện ở các cấp, vẫn còn những phân biệt giữa thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dẫn tới, có những địa phương khi mời gọi đầu tư, đã có những ưu đãi lớn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khi thiếu sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp tư nhân. Thêm vào đó, những bất cập trong thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đã càng khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bởi vậy, việc người đứng đầu Chính phủ ngay khi vừa nhậm chức thực hiện ngay đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, đã cho thấy Chính phủ thực sự muốn nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, mà đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Hơn thế, vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân đã thực sự được nâng cao hơn, được khẳng định sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế thời gian tới.

Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã gửi một bản báo cáo và kiến nghị tới Hội nghị. Một buổi đối thoại không thể giải quyết tất cả vấn đề của doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều kỳ vọng, Chính phủ lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp nhiều hơn và vị thế của doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng được nâng lên, không chỉ trong lời nói và hành động, để cho khối này thực sự có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM