Làm thế nào để trở thành một MC giỏi?

06/10/2020 11:20 AM | Kinh doanh

MC là từ viết tắt của Master of Ceremonies, người có vai trò điều hành các chương trình, hội nghị, hội thảo, gameshow... Theo wikihow, có 10 điều cần lưu ý nếu bạn muốn trở thành một MC giỏi.

Trước khi chương trình bắt đầu

1. Hiểu về chương trình

Hiểu rõ chương trình là điều rất quan trọng. Một MC cần biết rõ mình sẽ đứng ở một đám cưới, một lễ tốt nghiệp, hay một hội thảo dành cho doanh nhân. Tùy theo tính chất của chương trình mà MC sẽ xác định được mình phải tạo ra bầu không khí như thế nào. Từ đó, MC sẽ xác định điều gì sẽ diễn ra và mình sẽ nói về điều gì.

2. Hiểu trách nhiệm của mình

Trách nhiệm của MC là tạo ra một bầu không khí phù hợp và duy trì nó cho đến hết chương trình. Một bầu không khí vui vẻ và nhiều năng lượng sẽ phù hợp với đa số các chương trình. Ngoài ra, MC còn có một số trách nhiệm quan trọng khác như đảm bảo chương trình diễn ra theo đúng kịch bản, làm cho những người tham gia chương trình cảm thấy có giá trị, làm cho khán giả cảm thấy chương trình thú vị...

3. Biết khán giả kỳ vọng gì ở mình

Làm một MC đồng nghĩa với việc khán giả kỳ vọng bạn có tính hài hước, bạn có thể làm việc với đám đông và bạn cũng là một diễn giả trước công chúng. Do đó, điều MC cần làm là chuẩn bị để ứng biến linh hoạt với bất kỳ điều gì có thể xảy ra. Ví dụ, nếu vì một lý do nào đó mà khách mời của chương trình chưa thể xuất hiện, lúc này bạn cần tạm thời giao lưu với khán giả để giết thời gian. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý hai điều. Thứ nhất, hãy luôn giữ nụ cười trên môi và thứ hai, bạn không phải nhân vật chính của chương trình, hãy khiến những khách mời cảm thấy họ thực sự là nhân vật chính của chương trình.

4. Nghiên cứu

Tìm hiểu trước một số thông tin quan trọng về chương trình và những người sẽ xuất hiện trong chương trình cũng là việc mà MC cần chuẩn bị. Những thông tin nền đó sẽ giúp MC rất nhiều trong những tình huống cần sự ứng biến. Ngoài ra, hãy liên hệ với ban tổ chức xem liệu có khách mời đặc biệt nào được mời đến xem chương trình hay không. Một điều quan trọng nữa là hãy tìm hiểu thật chính xác tên và chức danh của những người xuất hiện trong chương trình. Việc đọc nhầm tên hay chức danh sẽ rất tệ đối với MC.

5. Chuẩn bị thật chi tiết

Hãy lập kế hoạch cho chương trình càng chính xác càng tốt, thậm chí có thể đến từng phút. Hãy viết ra tất cả những gì bạn dự định nói trong suốt chương trình. Dù là lời giới thiệu một khách mời lên sân khấu, hay tạm biệt khách mời rời khỏi sân khấu, bạn cũng nên viết trước. Ngoài ra, hãy đeo đồng hồ để chủ động đảm bảo thời lượng của các khách mời đúng như kịch bản chương trình.

Trong chương trình

1. Bình tĩnh

Có rất nhiều áp lực đối với MC, nên hãy bình tĩnh và giải quyết từng thứ một. Sự thành công của chương trình phần lớn phụ thuộc vào việc MC giữ chương trình đi đúng hướng. Để duy trì sự bình tĩnh, hãy cố gắng tạo một điểm để nhìn vào trong khi nói, thay vì nhìn trực diện vào một ai đó trong chương trình. Nói chậm cũng là bí quyết để giữ bình tĩnh, bởi khi nói nhanh, bạn sẽ dễ phát âm sai hay nói nhịu và điều này càng khiến bạn mất bình tĩnh.

2. Lời chào mở đầu chương trình

Đây là phần thường rất ngắn nhưng cần được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Chỉ trong một vài phút ngắn ngủi, MC cần giới thiệu bản thân mình, giới thiệu chương trình, giới thiệu những người tham gia chương trình. Ngoài ra, nếu bạn xác định được rõ một nhóm khán giả là những người có điểm chung với nhau, hãy dành riêng cho họ một câu chào mừng.

3. Làm cầu nối giữa tất cả mọi người

Một lần nữa, hãy nhớ rằng MC không phải nhân vật chính của chương trình, mà là các khách mời. Vì vậy, hãy đóng vai trò là người kết nối giữa khách mời với khách mời, hoặc khách mời với khán giả. Hãy tìm ra những điểm hài hước và thú vị của người này để dùng nó làm công cụ chuyển lời sang người khác. Nếu không may bạn gặp phải một tình huống khó xử, có một cách để thoát ra khỏi tình huống đó là đặt một câu hỏi đơn giản cho khán giả ở dạng Có/Không. Sau câu hỏi, MC sẽ dễ lấy lại được vai trò của mình.

4. Sẵn sàng cho mọi tình huống

Hãy luôn nhớ rằng, nhiệm vụ của MC là giữ cho chương trình đi theo đúng kịch bản, bất kể có tình huống gì xảy ra. Dù cho chương trình bật nhầm nhạc, khách mời đến muộn hay có ai đó bị trượt ngã khi di chuyển, thì MC cũng cần giữ tình thần lạc quan, tích cực và đưa ra những lời nói phù hợp.

5. Kết thúc chương trình

Hãy nói lời kết thúc chương trình theo cách mà bạn đã nói lời mở đầu. Thông thường, để kết thúc, MC sẽ gửi lời cảm ơn tới tất cả những người tham dự, cảm ơn khán giả và cảm ơn cả những người đứng sau cánh gà. Tùy theo tính chất của chương trình, MC có thể tổng kết và gửi gắm thông điệp tới khán giả, hoặc giới thiệu thời gian diễn ra chương trình kế tiếp.

PV

Từ khóa:  MC
Cùng chuyên mục
XEM