Làm thế nào để "Tha thứ" nhưng không "Quên"?
Bạn cũng có thể tha thứ cho bất kỳ ai và loại bỏ họ ra khỏi cuộc đời của bạn. Và ngay cả khi người đó không nhất thiết biết rằng bạn đã tha thứ cho họ, bạn tha thứ cho họ vì mục đích tốt đẹp của bản thân bạn và tiếp tục cuộc sống của chính mình.
Vào ngày 15/9/2011, bốn ngày sau vụ khủng bố 11/9, Frank Roques đang ngồi ở một quán ăn và nói với người phục vụ bàn của mình rằng: “Tôi sẽ ra ngoài và bắn một vài cái đầu quấn khăn.”
Frank sau đó đã về nhà, mang theo khẩu súng lên xe tải của mình và lái xe quanh thị trấn để tìm mục tiêu của mình. Anh ta đi qua một trạm xe lửa. Bên ngoài, một người đàn ông có bộ râu dài và khăn xếp trên đầu, tên là Balbir Singh Sodhi, đang trồng hoa trước trạm xăng mà anh ta quản lý. Frank đã ra khỏi xe và giết chết Balbi với 5 phát bắn vào lưng.
Balbir Singh Sodhi không phải là người Ả Rập hay Hồi giáo. Ông là người Sikh, một thành viên của một tôn giáo có nguồn gốc từ vài trăm năm trước tại Punjab, Ấn Độ. Nhưng do định kiến về văn hóa, Frank đã không biết được sự khác biệt. Khi bị bắt giữ, Frank đã hỏi cảnh sát rằng tại sao lại bắt giữ anh ta: “Tôi là một người yêu nước” - anh ta nói, “Tôi là một người Mỹ.”
Tại phiên tòa của mình, Frank đã bị kết án tử hình. Nhưng bất ngờ, một người đã đứng dậy và yêu cầu không tử hình anh ta. Đó chính là em trai của Balbir: Rana. Rana cũng là người Sikh, anh lập luận rằng: nếu tử hình một người đã giết anh trai tôi tức là đã loại bỏ cơ hội để anh ta bày tỏ sự hối hận của mình. Bản án của Frank đã giảm xuống tù chung thân.
Sự hối hận đó đã nhanh chóng tìm đến Frank. Frank cảm thấy hối tiếc khủng khiếp, bị hành hạ bởi những gì mình đã làm: “Tôi đã mắc sai lầm.” Nhiều năm sau đó, Frank nói với Rana rằng: “Tôi muốn bạn biết từ trái tim tôi, tôi xin lỗi vì những gì tôi đã làm với anh trai của bạn. Một ngày nào đó, khi tôi lên thiên đường để Chúa phán xét, tôi sẽ xin để được gặp anh trai bạn, và tôi sẽ ôm anh ấy, tôi sẽ xin anh ấy sự tha thứ.”
Nhưng phản ứng của Rana có lẽ còn gây sốc hơn sự hối hận của Frank: “Vốn dĩ, chúng tôi đã tha thứ cho bạn rồi”.
Rana trở thành một nhà hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau tại Mỹ, truyền bá sự tha thứ đối với những kẻ cực đoan thực hiện hành vi khủng bố. Và thông qua sự tha thứ của mình, Rana đã chọn một đối tượng thật bất ngờ để thực hiện: kẻ đã sát hại anh trai mình.
Hành động của Rana đã tác động đến Frank. Frank nói rằng: “Tôi có thể gia nhập cùng anh ấy và tay-trong-tay cùng anh ấy, thuyết giảng cho bất kỳ ai nghe rằng mặc dù chúng tôi khác nhau, nhưng chúng tôi đều là anh em. Điều gì đã khiến cho một người đàn ông có thể tha thứ cho sự khủng khiếp đã diễn ra, đã ảnh hưởng tới cuộc sống và gia đình của anh ta như thế nào - điều đó đã chỉ cho tôi biết rằng lòng tốt của một người đàn ông rộng lượng đến đâu.”
Đến lượt mình, Rana đã nói với Frank rằng: “Nếu tôi có quyền năng đưa bạn ra khỏi tù, tôi sẽ làm điều đó ngay bây giờ. Nếu một ngày nào đó bạn có thể ra ngoài, chúng ta có thể kể với thế giới về câu chuyện của chúng ta.”
***
Được rồi, hết giờ rồi, dừng lại ở đây nào. Điều quái quỷ gì đang diễn ra vậy? Có phải câu chuyện trên có thật không? Tôi gần như đã không thể tha thứ cho người giao hàng vì đã làm hỏng thẻ bảo hiểm y tế của tôi vào tháng trước và anh chàng trong câu chuyện trên đang mong muốn tha thứ và đưa người đã sát hại anh trai mình ra khỏi tù ư?
Tôi biết điều này là điên rồ nhưng sự tha thứ của Rana là có thật. Và nó không phải là câu chuyện duy nhất diễn ra trên thế giới này. Một số người thật sự đã có thể tha thứ cho những kẻ sát nhân đã cướp đi người yêu thương của họ. Bạn có thể thỉnh thoảng thấy những câu chuyện như vậy trên các mặt báo. Cá nhân tôi không biết tôi có thể làm được như vậy không. Nhưng sự tha thứ này có thật trong cuộc sống.
Nếu so sánh sự tha thứ như một thứ cơ bắp thì những gì mà Rana đã làm giống như việc nâng một quả tạ 350kg lên khỏi mặt đất vậy. Nó là một kỳ tích về sức mạnh cảm xúc mà ít người trên hành tinh này có thể tập hợp được. Nhưng như một cơ bắp vậy, kĩ năng để có thể tha thứ phải được tập luyện và phát triển trong một thời gian dài vậy. Và cũng giống như cơ bắp vật lý giúp cơ thể vật lý của chúng ta khỏe mạnh, sự tha thứ có thể giúp “cơ thể cảm xúc” của chúng ta khỏe khoắn và mạnh mẽ.
Vậy sự tha thứ là gì?
Tha thứ là lựa chọn không để những sự kiện tiêu cực trong quá khứ ảnh hưởng đến việc bạn cảm nhận thế nào về một ai đó hay một điều gì đó trong hiện tại.
Sự tha thứ có tất cả các lợi ích cho sức khỏe tâm lý như: tăng hạnh phúc, giảm cảm giác tức giận và đau buồn; giảm bớt sự lo lắng và trầm cảm; cải thiện các mối quan hệ của bạn; và nó làm cho bạn bớt tự ti, giảm bớt cảm giác không an toàn xung quanh.
Điểm quan trọng nhất: “Tha thứ không có nghĩa là lãng quên”. Nếu ai đó bùng tiền vay của bạn thì không có nghĩa là bạn phải tiếp tục cho họ vay vào ngày hôm sau. Bạn vẫn có thể tha thứ cho họ nhưng bạn cần có một ranh giới rõ ràng như kiểu “bước qua xác của tao nếu mày còn đụng vào tiền của tao”. Tương tự, bạn cũng có thể tha thứ cho bất kỳ ai và loại bỏ họ ra khỏi cuộc đời của bạn. Và ngay cả khi người đó không nhất thiết biết rằng bạn đã tha thứ cho họ, bạn tha thứ cho họ vì mục đích tốt đẹp của bản thân bạn và tiếp tục cuộc sống của chính mình.
Quan điểm nhìn nhận đúng đắn về tha thứ là một quá trình tâm lý thuần túy. Sự tha thứ không nhất thiết phải có một kết quả cụ thể nào trong thế giới thực (trừ khi là bạn muốn nó).
Khi bạn mang trong mình sự oán giận hay giận dữ với chính mình hoặc người khác, điều đó sẽ như một sợi dây vô hình đang đè nặng lên vai của bạn vậy. Nó làm bạn cạn kiệt năng lượng, tăng sự căng thẳng và thậm chí làm bạn chẳng cảm thấy vui vẻ gì trong các bữa tiệc sinh nhật. Do đó, phát triển khả năng buông bỏ sự oán giận và tha thứ sẽ là một công cụ cơ bản trong “bộ dụng cụ” để có một cuộc sống thức tỉnh. Đó cũng là một chân lý mà rất nhiều tôn giáo tán thành.
Vấn đề với sự oán giận là nó khiến bạn phải sống trong quá khứ. Cũng giống như hối tiếc vậy, chúng đều khiến bạn mắc kẹt vào thời điểm xảy ra điều khủng khiếp. Kỹ năng tha thứ cho chính bản thân mình và người khác sẽ giải tỏa bạn khỏi những khoảnh khắc tồi tệ đó. Đó không phải là việc bạn sẽ trở thành một con người mới hoàn toàn, nó sẽ chỉ giống như là các viên kẹo vẫn có hương vị như vậy nhưng giấy bọc bên ngoài thì có nhiều màu sắc hơn.
Cũng phải nói rằng, việc tha thứ thì nói dễ hơn là làm. Và đó cũng không phải là thuốc trị bách bệnh. Bạn có thể tha thứ với một vài người trong quá khứ vì những gì họ đã làm với bạn, nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy không thoải mái hoặc cáu kỉnh khi tiếp xúc với họ. Đôi khi, có thể bạn muốn lảng tránh họ. Điều tệ nhất có thể là cảm xúc của bạn sẽ quay trở lại và bạn sẽ phải thực tập việc tha thứ với họ thêm một lần nữa. Cuộc sống mà!
Nhưng đối với các vấn đề nhỏ hơn trong một mối quan hệ, khả năng tha thứ và buông bỏ lại là rất quan trọng để duy trì mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc với những người bạn quan tâm. Ngay cả khi bạn tức giận và cơn giận vẫn còn vương vấn đi chăng nữa, điều quan trọng là bạn không để những cảm xúc tiêu cực đó dẫn dắt bản thân hay mối quan hệ của bạn. Bởi nếu bạn cho phép điều đó xảy ra, “chuyến tàu cảm xúc” sẽ nhanh chóng mang bạn trở lại “vùng đất tiêu cực”.
Làm thế nào để tha thứ cho một ai?
Sự tha thứ đôi khi thật khó khăn vì trong đó bao gồm cả cảm xúc của chúng ta. Thật dễ dàng khi bạn có thể nói với chính mình đại loại như: “Tôi nên tha thứ cho bố tôi vì ông đã quá say vào đêm hôm trước và bỏ lỡ buổi lễ tốt nghiệp của tôi.” Nhưng khi cảm xúc của bạn không ở trạng thái tốt nhất, khi sự tức giận và phán xét xuất hiện trong bạn, điều bạn vừa nói trên gần như không thể xảy ra.
Dưới đây là một quy trình năm bước - gọi là 5T - để thúc đẩy sự tha thứ nhiều hơn trong các mối quan hệ của bạn:
Tách rời
Thấu hiểu
Thấu cảm
Thiết lập
Từ bỏ
1. Tách rời hành động ra khỏi người đó
Có một câu nói nổi tiếng của Hanlon’s Razor mà tôi rất thích là: “Never attribute to malice what can be attributed to stupidity.” (có thể hiểu là: “Không nên đánh giá ác ý của người khác nếu đó là sự thiếu hiểu biết”)
Tôi thích điều này vì tôi tin rằng có rất ít người thực sự tàn bạo trên thế giới, nhưng hầu hết chúng ta có thể trở thành những kẻ ngốc, chuyên đi ghét bỏ người khác nếu chúng ta đặt họ vào bối cảnh và thông tin sai lệch.
Tất cả chúng ta thường không chấp nhận nổi những hành vi không phản ứng chính xác chúng ta là ai. Như ngay chính bản thân tôi đây mới chỉ tuần trước, tôi đã ghét bỏ bản thân mình trong 6 tiếng chỉ vì tôi lỡ ăn nguyên cả một cây kem. Điều đó có phải chứng tỏ là tôi một đứa háu ăn không? Không, đó chỉ là một hành động mà tôi cảm thấy không tự hào cho lắm. Nó không phù hợp với giá trị của tôi hoặc con người mà tôi đang mong muốn trở thành. Nhưng điều đó đã xảy ra. Vì vậy, tôi đã tha thứ cho chính mình và tiếp tục sống, bỏ lại vấn đề đó sau lưng.
Sự tách biệt hành động ra khỏi con người là điều quan trọng để cảm nhận được sự sâu sắc với bất kì ai trong cuộc sống của bạn. Bất kỳ ai - ý tôi là tất cả mọi người - bao gồm cả những người làm điều tồi tệ với bạn. Nhưng như tôi đã nói, chỉ rất ít người trên thế giới này là người xấu hoàn toàn.
Trong Kitô giáo, thường có một câu nói nổi tiếng là: “Love the sinner, hate the sin.” (tam dịch là: Thương người phạm tội, ghét tội ác”) Nhiều tôn giáo khác cũng có phiên bản riêng của khái niệm này. Hầu hết các giáo lý được xây dựng xung quanh hạt nhân - là sự tha thứ vô điều kiện. Và sự tha thứ đó bắt đầu vận hành từ việc tách rời hành động ra khỏi đối tượng đó.
Từ quan điểm thế tục, nếu bạn nghiên cứu đủ sâu về tâm lý học, bạn sẽ phát hiện ra rằng sẽ không thực sự có “cái tôi” tồn tại. Hãy tưởng tượng theo hướng này: các tâm lý con người sẽ luôn luôn thay đổi, chuyển từ dạng này sang dạng khác và phát triển tiếp. Và tương tự, bất kỳ “người xấu” nào cũng như vậy: thay đổi, chuyển đổi và phát triển, hay ít nhất là có khả năng thay đổi. Do đó, những tính chất quan trọng này chính là niềm tin và hành động để dẫn tới cốt lõi của sự tha thứ.
2. Thấu hiểu động cơ, hành động của con người
Theo nguyên tắc chung, những người làm những việc tổn thương như vậy là bởi vì họ đang tự làm tổn thương chính mình. Một lần nữa, rất ít người trên thế giới này là người tàn bạo. Hầu hết những người gây ra nỗi đau cho bạn hoặc những người khác là bởi vì họ cần bù đắp cho nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Thông thường, các hệ thống niềm tin của những người làm việc xấu do họ bị tổn thương một cách nặng nề trong quá khứ hoặc trong quá trình họ lớn lên, và chúng là kết quả kết hợp từ những sự ngu ngốc/sợ hãi/không an toàn, để đặt câu hỏi về những niềm tin đúng đắn.
Nhưng dù cho bất kỳ điều gì người này đã gây ra, hãy xem một vài ví dụ giải thích động cơ/nguyên nhân gây ra hành động của họ, vượt lên trên ý nghĩ rằng “họ chỉ là đồ khốn”:
Một người phụ nữ đi ngoại tình vì có thể cô ấy cảm thấy cô đơn và không nhận được sự quan tâm đúng mực từ bạn đời của mình. Và việc ngoại tình chỉ đơn thuần như một tiếng kêu cứu gây sự chú ý khi biết ai đó đang quan tâm.
Người đàn ông gian lận thuế vì anh ta sợ rằng anh ta không thể chu cấp đủ cho gia đình của mình. Anh chàng đánh cắp điện thoại của bạn cảm thấy điều đó là không tội lỗi bởi anh ta lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó và bị một hệ thống tham nhũng làm hỏng cả cuộc đời của anh.
Cho dù quan điểm về những việc làm trên là đúng hay sai đi chăng nữa, mỗi người đều có một cách đánh giá và nhìn nhận khác nhau. Vấn đề ở đây là bản thân họ sẽ không nghĩ họ là người xấu. Con người đều cảm thấy hợp lý trong những gì họ đang làm, nếu không họ sẽ không làm điều đó!
Ngoài ra, bạn có thể cho rằng: “Có thể bạn cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi nhưng không có nghĩa là bạn được quyền phá vỡ sự chung thủy trong hôn nhân.” Bạn nói đúng, nó không phải là điều đúng đắn. Nhưng ở phần một đã nói, chúng ta phải tách rời hành động ra khỏi con người đó, bạn còn nhớ chứ? Đây không phải là lý do. Đó đơn giản là chỉ là những lời giải thích. Và trước khi bạn có thể tha thứ cho ai đó, điều đó giúp bạn hiểu rằng tại sao họ làm những gì họ đã làm.
Bởi vì khi bạn không thể hiểu được động cơ, nguyên nhân hành động của họ, bạn sẽ không thể thông cảm với họ. Và khi nói về nó, tha thứ là một trạng thái cao nhất của thấu cảm.
3. Thấu cảm với người khác
Bây giờ là phần khó nhất này: bạn phải thấu cảm với con người tệ hại, chết tiệt đó. Thấu cảm là một khả năng cảm nhận tự thân, có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy nỗi đau từ động cơ của người đó và bạn tưởng tượng rằng chính bạn cũng đang có nỗi đau đó.
Bạn tưởng tượng sự bối rối và kinh hoàng khi thấy công ty của bạn phá sản và tất cả mọi người bị cho nghỉ việc. Bạn hình dung nỗi đau và căng thẳng của cuộc đấu tranh với một chứng nghiện ngập nào đó. Bạn thử thách bản thân để cảm nhận bất kỳ nghịch cảnh nào họ đã phải trải qua và sau đó giả vờ như bạn cũng phải trải nghiệm vượt qua điều tương tự.
Nó thực sự là một điều khó làm. Nhưng nó được cho là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của con người. Sự thấu cảm của chúng ta là thứ tách biệt chúng ta khác biệt với loài vật. Nó hình thành nên một chỗ đứng trong đạo đức của chúng ta. Nó lấp đầy ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
Sự thấu cảm chính là sự tha thứ và ngược lại. Nếu sự tha thứ là khả năng giúp nhìn thấy nhiều mặt khác của một người thì sự thấu cảm với họ là phương tiện giúp bạn hiểu được điều đó. Khi bạn không còn thấy hành động sai lầm là toàn bộ tính cách của một con người và chỉ là một phần kết quả nhỏ trong tính cách của họ, bạn đã đạt đến được trạng thái của sự tha thứ.
4. Thiết lập ranh giới của chính bạn
Sau khi bạn thấu cảm với người đó và quyết định rằng, không, có lẽ họ không phải người tồi tệ đến thế, đó là lúc bạn tự hỏi chính bản thân mình rằng: bạn muốn họ đóng vai trò gì trong cuộc đời của bạn? (nếu có)
Khó khăn của sự quyết định này phần lớn phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn với người đó. Nếu đó là một người lạ mặt thì thường khá dễ dàng, chỉ cần cho họ phắn khỏi cuộc đời bạn. Nếu đó là một người bạn, độ khó đã được tăng lên một chút. Nếu đó là một người thân trong gia đình bạn, điều đó thành cực kì khó. Và nếu người đó là một “khối ung thư” không thể tách rời bạn, đó gần như là điều bạn không thể làm gì được.
Tôi đã từng viết rất nhiều bài viết về việc đặt ra ranh giới của chính bản thân, và đây là một phiên bản nhanh gọn bạn có thể tham khảo:
Đặt quy tắc. Xác định những hành vi nào bạn chấp nhận và không chấp nhận.
Quyết định hậu quả. Nếu ai đó phá vỡ những nguyên tắc của bạn, hậu quả dành cho họ là gì?
Truyền đạt những điều trên một cách bình tĩnh và từ bi nhất có thể.
Và đây là một trong những điều ví dụ: “Mẹ à, con tha thứ cho mẹ vì mẹ đã bỏ rơi con để đi theo người đàn ông đó. Điều đó đã khiến con nhiều năm bị ám ảnh với những người đàn ông có râu. Nhưng con cũng muốn mẹ biết rằng, khi con tha thứ cho mẹ thì không có nghĩa mẹ có quyền trở thành một phần trong cuộc sống của con. Con rất vui khi được nói chuyện với mẹ nhưng hiện giờ con không muốn mẹ là một phần nào đó của bất kỳ hoạt động gia đình nào. Con yêu cầu mẹ hãy tôn trọng điều đó, nếu không con sẽ cắt đứt liên lạc với mẹ.”
Bùm, xong!
Những gì quan trọng nhất về việc thiết lập lằn ranh của bạn không nhất thiết phải quá quan tâm đến kết quả. Một số người sẽ tôn trọng nguyên tắc của bạn, số khác thì không. Điều quan trọng nhất khi thiết lập lằn ranh là giúp bạn ý thức rõ ràng về cách kiểm soát từng tình huống với bất kỳ cá nhân nào, trong bất kỳ điều gì xảy ra.
5. Từ bỏ cảm xúc của chính bạn
Bước cuối cùng của sự tha thứ đó chính là từ bỏ thứ cảm xúc tiêu cực mà bạn đã gán cho người đáng ghét đó hàng năm trời. Hãy gột rửa toàn bộ sự hận thù, căm ghét, giận dữ… ra khỏi tâm trí bạn. Điều đó không giúp đỡ bất kỳ ai cả, ít nhất là cả chính bản thân bạn.
Đúng vậy, cảm xúc của bạn sẽ thỉnh thoảng vẫn dâng trào xung quanh người mà bạn ghét, nhưng chỉ cần hãy để chúng qua đi. Có một câu chuyện ngụ ngôn của Mỹ kể rằng trong mỗi con người chúng ta đều có hai con sói chiến đấu để giành giật sự chú ý của chúng ta. Một con sói là tình yêu của chúng ta. Con còn lại là nỗi sợ. Và con sói nào mà chúng ta nuôi sẽ phát triển mạnh hơn và bắt đầu thống trị con còn lại. Bạn nhận ra vấn đề rồi đấy, hãy nuôi dưỡng con sói tượng trưng tình yêu, nó sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ thở hơn rất nhiều.
Làm thế nào để tha thứ cho chính bản thân bạn?
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người kinh khủng kia chính là bạn và bạn không thể tha thứ cho chính bản thân mình? Chúng ta đều có lúc hối tiếc với những hành động của chính mình đã làm trong cuộc sống, chúng ta ước rằng mình có thể lấy lại chuyện đã rồi, và chúng ta chứa chấp sự xấu hổ và tội lỗi vì điều đã gây ra.
Quá trình gột rửa thực ra là hoàn toàn giống nhau. “5 bước T”: tách rời hành động ra khỏi người đó - tôi đã làm điều tồi tệ đó nhưng tôi không phải là một người tồi tệ. Hiểu được lý do tại sao tôi lại làm như thế - có phải do sự bất an hay thiếu hiểu biết đã thúc đẩy hành động của tôi không?
Thấu cảm. Ok, đây là phần cực khó trong việc tha thứ cho bản thân bạn này - có phải bạn đang không thành thật thực sự với bản thân mình, vì sao mình lại làm như vậy không? Bạn đã từng trách mình bao nhiêu thứ mà thật sự không phải là lỗi của bạn rồi?
Khi chúng ta chỉ còn là trẻ con, chúng ta thường có xu hướng nội tâm hóa và tự trách bản thân mình vì tất cả những điều dở hơi, khủng khiếp đã xảy ra vì sai lầm của chúng ta. Sau đó, chúng ta lớn lên và mang theo sự ám ảnh xấu hổ về tội lỗi đó, và thường thì chúng ta không nhận ra điều này. Có thể phải mất nhiều năm trị liệu hoặc tìm hiểu về nội tâm để thực sự hoàn tác điều đó.
Nhưng một khi bạn thực hành, quá trình là như nhau. Điều tiếp theo bạn cũng cần là thấu cảm. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó khăn khi thấu cảm với… chính bản thân mình. Có một mẹo nhỏ dễ thương ở đây: “Bạn hãy vờ như bạn thân của bạn đã gây ra vấn đề đó. Liệu bạn có đánh giá họ không? Chỉ trích họ? Chắc là không. Bạn sẽ có thể có lòng trắc ẩn và cảm thông dễ dàng hơn. Bạn sẽ nói gì với họ? Và hãy tự nhủ điều đó với chính mình xem.”
Thiết lập ranh giới - trong trường hợp này, lập ranh giới với chính bản thân mình. Ví dụ: “Lần sau khi tôi uống rượu, tôi sẽ không gọi cho người yêu cũ nữa” hoặc “Khi tôi trở thành bố mẹ, tôi sẽ không bao giờ làm điều mà tôi đã làm với bản thân mình.” Hối hận chỉ là sự hối tiếc nếu bạn chưa học được điều gì từ đó. Chấp nhận nỗi đau của mình và từ đó tạo ra nguyên tắc, ranh giới từ đó.
Và cuối cùng, hãy loại bỏ hết cảm xúc khỏi chính bản thân. Tự ghét bản thân mình chỉ khiến bạn bị mệt mỏi và làm nghiêm trọng hóa mọi vấn đề lên. Có nhiều điều hay ho, thú vị hơn trong cuộc sống để bạn dành năng lượng cho chúng. Hãy để cảm xúc tiêu cực ra đi, và thay vì ám ảnh suy nghĩ bạn là ai, hãy tập trung vào việc bạn có thể là ai.
Sau đó, tiến một bước đi tiếp. Một bước kế tiếp. Một bước kế tiếp. Và không bao giờ nhìn lại.
---
Dịch từ bài viết “HOW TO FORGIVE BUT NOT FORGET” của Mark Manson.