"Làm sếp, được mọi người tôn trọng, cảm giác thật gây nghiện... nhưng lên chức mới biết làm nhân viên còn dễ hơn": Tâm sự của những người cấp cao khiến CĐM sửng sốt
Thế giới trong mắt các sếp liệu có như mọi người đã cảm nhận?
1. Cảm giác được người khác kính trọng và ngưỡng mộ, thật sự gây nghiện
Tôi học ngành kỹ thuật, luôn cho rằng sau khi mình được làm sếp sẽ không trở thành một kiểu lãnh đạo kiêu căng điển hình. Tuy nhiên, khi công ty mở rộng quy mô, tôi được lên chức trưởng phòng kỹ thuật, mới nhận ra hiện thực không đơn giản như mình đã nghĩ.
Lúc đó, tôi dẫn dắt tổng cộng 12 người cấp dưới cả nam lẫn nữ. Công ty của chúng tôi nhỏ, phòng kỹ thuật đã thuộc vào bộ phận có trình độ cao nhất, cũng chỉ có 3 thạc sĩ, còn lại đều là cử nhân, vì vậy mà trình độ tiến sĩ của tôi đặc biệt nổi bật.
Thật ra tuổi tác của tôi và cấp dưới không hơn kém nhau bao nhiêu, trong phòng tính thêm tôi thì tổng cộng có 3 người 8x, còn lại là 9x, bình thường rảnh rỗi chúng tôi cũng thường hẹn nhau chơi game, nhưng một khi đã đi làm, ngay lập tức quay về thân phận của lãnh đạo và cấp dưới.
Tôi đã đưa ra một quy tắc cho phòng kỹ thuật, đó là mở họp mỗi sáng thứ tư để cùng nhau đọc các tài liệu tiếng Anh, tìm hiểu về sự phát triển mới nhất của ngành nghề, đánh giá ưu điểm và nhược điểm về mặt kỹ thuật của các sản phẩm...
Trong buổi họp, tôi khó tránh khỏi được các nhân viên tôn kính và ngưỡng mộ, càng khó tránh trở nên kiêu căng, cảm thấy bản thân thật ngầu. Điều khiến tôi hoàn toàn tỉnh ngộ, vẫn là nhận xét của những người ngoài cuộc.
Năm ngoái tôi đến Nhật Bản để tham quan và học hỏi, sau khi về nước tôi tự mình thiết kế một tấm cố định bên trong để phẫu thuật xương, đồng thời xin cấp bằng sáng chế. Sau khi hoàn thành, tôi trình bày nó trong cuộc họp buổi sáng, hỏi mọi người có ý kiến và đề xuất gì không, đương nhiên thứ tôi nhận được toàn là những lời khen ngợi.
Tôi đã quen với việc này, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên. Tôi lấy sản phẩm của mình cho một người anh cùng phòng thời đại học. Hiện giờ anh ấy đang làm phó giáo sư và giảng dạy cho các sinh viên học thạc sĩ.
Anh ấy vừa nhìn vào sản phẩm đã nói ngay: “Chắc cậu làm theo của công ty XX?”
Tôi: “À, đúng vậy.”
Anh ấy: “Sẽ khó sử dụng đấy.”
Tôi: “Sao cơ?”
Anh ấy: “Xương ống chân của người châu Á đa phần to và dẹp, nếu cậu bắt chước phương Tây, sản phẩm sẽ không hoàn toàn phù hợp.”
Tôi: “Nhưng em làm theo bên Nhật mà!”
Anh ấy: “Vấn đề là Nhật Bản cũng làm theo công ty XX của nước XX!”
Sau đó, tôi lại mở một cuộc họp buổi sáng và hỏi rằng ai có thể chỉ ra mặt khiếm khuyết của sản phẩm này. Một anh cấp dưới trình độ thạc sĩ không dám nói to: “Chắc là nó không phù hợp với đặc điểm giải phẫu của người Đông Á?”
Tôi hỏi: “Vì sao hôm trước cậu không nói ra?”
Bên dưới không thấy ai trả lời. Đột nhiên tôi cảm thấy trong tâm trí mình đang xuất hiện một thanh âm: “Anh đã trở nên kiêu căng rồi.” Phút chốc tôi chợt tỉnh ngộ. Sau này tôi luôn nhắc nhở bản thân phải khiêm tốn không được kiêu căng và dần dần để cấp dưới chủ trì cuộc họp buổi sáng - đó chính là anh chàng đã nhỏ giọng trả lời khi đó.
Giao cho cấp dưới hoàn thành những công việc như thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sự phát triển của ngành nghề... Còn tôi phụ trách nhiều hơn về công việc kiểm soát chất lượng.
Tôi đã từng nghe một câu nói như thế này: Đứng trên cổng thành nhìn ngắm hàng ngàn người bên dưới đang tung hô mình, ai cũng sẽ trở nên thiếu sáng suốt. Tôi từng không tin điều đó, nhưng bây giờ tôi đã bị khuất phục. Chỉ với sự ngưỡng mộ và ngợi ca của 12 người đã khiến tôi kiêu căng, huống hồ là...
Khi một người trở nên ngạo mạn, anh ta chẳng khác nào đang bước trên một lớp băng mỏng.
(Anh G, trưởng phòng kỹ thuật)
2. Bày tỏ sự quan tâm dành cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên đắc lực
Làm thế nào để nhân viên của bạn ra sức cống hiến 100% giá trị bản thân? Chỉ đơn giản là tăng lương cho họ ư?
Thương trường như chiến trường, tôi phải cạnh tranh thị trường, nguồn hàng và mức độ nổi tiếng với đối thủ. Công việc của tôi được thuận lợi một phần là nhờ những trợ thủ đắc lực. Nhân viên cũ của tôi căn bản không cần tôi phải nói với cô ấy khi nào thì nên làm thêm giờ. Cho dù muộn đến mấy chỉ cần cô ấy phát hiện ra vấn đề, sau khi thông báo với tôi còn phải sắp xếp nhân lực và nhiệm vụ, vậy mà ngày hôm sau sẽ chỉ mang lại tin tức tốt lành.
Vì sao tôi lại gọi cô ấy là nhân viên cũ? Bởi vì cô ấy đang mang thai. Vào đầu năm, cường độ làm việc của chúng tôi rất cao, liên tiếp thực hiện ba, bốn sự kiện quy mô lớn.
Có một lần tôi không liên lạc được với cô ấy, chiều hôm đó cô ấy nói với tôi: “Thưa sếp hôm nay em xin nghỉ, gần đây em thường xuyên chóng mặt, nên muốn xin với sếp nghỉ phép hai ba hôm.”
Câu đầu tiên mà tôi nói với cô ấy là: “Chị đã đến bệnh viện kiểm tra chưa? Nói không chừng là mang thai.” Bởi vì cô ấy đã kết hôn nhưng vẫn chưa có con nên tôi đoán vậy.
Sau một vài ngày, cô ấy trở lại làm việc, tôi hỏi đã đến bệnh viện chưa nhưng cô ấy chỉ trả lời: “Bệnh cũ tái phát thôi ạ, không sao, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày sẽ khỏe lại.”
Sau đó, tôi trực tiếp liên lạc với chồng cô ấy, họ đi gặp bác sĩ, chẩn đoán chính xác: đã mang thai. Sau khi cô ấy mang thai, anh chồng hơi lo lắng trong khi cô ấy lại đi làm như thường lệ, tôi đã sắp xếp cho cô ấy: “Giai đoạn tiếp theo chúng ta sẽ làm thế này, chị phụ trách công việc này, những thứ khác không cần phải quan tâm. Cứ để cậu nhân viên mới vào có năng lực được chị công nhận làm trợ lý của chị đi.
Hả? Gặp gỡ đối tác nước ngoài? Chị không cần phải đi nữa, tôi không yên tâm, vậy thì thế này đi, chị liên hệ với họ rằng công ty sẽ cử người đi thay, hoặc chồng chị có tiện xin nghỉ phép không, để anh ấy đi cùng chị, chi phí cứ tính cho công ty.”
Bây giờ cô ấy đã đi dưỡng thai rồi, nhưng mọi thứ vẫn rất thuận lợi, vì cô ấy đã đích thân đào tạo một người có thể thay ca cho mình.
Mỗi khi gọi nhân viên trở về làm thêm giờ, tôi sẽ nói thẳng với họ tiền lương làm thêm là bao nhiêu, một số nhân viên vốn dĩ đã có công việc bán thời gian riêng nhưng vẫn xin nghỉ để đến công ty, còn nếu như họ không đến, tôi cũng sẽ thông cảm, nhưng về cơ bản họ vẫn sẽ đến.
Sự quan tâm của lãnh đạo khiến nhân viên cảm thấy bản thân được trân trọng và được đánh giá cao về năng lực, từ đó sẵn sàng nỗ lực hết mình vì công ty.
(Anh Y, giám đốc doanh nghiệp nước ngoài)
3. Khi đi làm thì tinh thần phải phấn chấn, vẻ ngoài chỉn chu
Sau khi làm sếp tôi mới nhận ra, lý do tại sao trong phim truyền hình các sếp thường thích các nhân viên nữ xinh đẹp... Khi bạn đến văn phòng vào buổi sáng, cô ấy trang điểm tươi tắn, ăn mặc chỉn chu, đi về phía bạn và nở nụ cười rạng rỡ, dùng tâm trạng tốt để khởi đầu một ngày.
Khi bạn đang mệt mỏi trong khoảng thời gian dài, vừa ngẩng đầu khỏi đống tài liệu hỗn độn, nhìn thấy cô ấy với ánh mắt ân cần, mái tóc dài hơi xoăn, chuẩn bị tách cà phê cho bạn một cách chu đáo, phút chốc mệt mỏi đều tan biến.
...
Nếu tôi kể tiếp, chắc sẽ thành một câu chuyện tình lãng mạn.
Nhưng tiếc rằng, tôi là một sếp nữ. Khi tôi nhìn thấy cô ấy chăm chú đọc tài liệu, nghiên cứu từng chi tiết, đi làm trang điểm và ăn mặc lịch sự, tan ca thì mát-xa mắt cá chân rồi thay một đôi giày đế bằng, như thể nhìn thấy dáng vẻ phấn đấu của chính mình lúc còn trẻ.
Khi đi làm nên xinh đẹp và chỉn chu. Không phải nhìn người theo vẻ bề ngoài, mà đẹp ở đây là đẹp về tác phong và tinh thần. Người lãnh đạo không chỉ nhìn thấy vẻ ngoài đẹp đẽ của nhân viên, mà còn lưu tâm đến thái độ tích cực của họ.
(Chị N, giám đốc của một công ty trang sức)
4. Phải có lòng nhẫn nại, điều này thật sự rất quan trọng
“Phải có lòng nhẫn nại”. Tôi thật sự phải mất đến 14 năm mới hiểu được ý nghĩa của câu nói này.
(1) Hãy nhẫn nại với những nhân viên nhiệt tình: Như vậy họ mới có thể cảm thấy bản thân được xem trọng.
Khi còn ở cấp thấp, tôi luôn cảm thấy sếp mình rất ngốc, có nhiều việc rõ ràng xuất hiện sơ hở nhưng không quan tâm, nhiều dự án rất có triển vọng, nhưng cứ không nghe vào tai. Sau này khi lên chức tôi mới nhận ra, có nhiều việc không phải không đúng, không phải không mang lại lợi nhuận, mà là khả năng hiện tại của công ty không thể đáp ứng được.
Để triển khai bất kỳ dự án mới nào đều cần phải có vốn đầu tư, vì vậy luôn tồn tại sự lựa chọn. Đôi khi cũng không phải sếp không nhìn thấu bản chất của một số người, mặc dù biết rằng một số người thiếu năng lực nhưng vẫn không thể sa thải, không phải để họ ở lại nịnh nọt, mà là có lúc sẽ cần đến họ.
Khi mới làm sếp, tôi rất thiếu kiên nhẫn với cấp dưới, luôn cảm thấy họ thường suy nghĩ viển vong, vì vậy luôn bỏ qua các ý tưởng của họ, dẫn đến việc nhiều nhân tố tài năng bất bình, theo thời gian, bầu không khí trong công ty dần trở nên ngột ngạt.
Lúc đó tôi vẫn còn hơi tức giận, nhưng sau đó tôi đã thông suốt, không phải trước đây tôi cũng đã từng như vậy sao? Đã từng có rất nhiều ý tưởng và rất xông xáo.
Thế nên mỗi ngày tôi đều dành thời gian để lắng nghe ý tưởng của một số nhân viên, cho họ biết lý do vì sao phương án này không thể thực hiện được, công ty đã đầu tư vào đâu, vì sao năng lực của người đó thật sự không bằng anh chị, nhưng lại dùng họ nhiều hơn anh chị.
Những người xông xáo thường thông minh, họ đều có thể nghe hiểu, cũng thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, sau khi giao tiếp nhiều, tôi nhận thấy các dự án mà họ đề xuất ngày càng chín chắn hơn, bởi vì họ đã thật sự có thể đứng ở góc độ của công ty để suy nghĩ về vấn đề mà không phải chỉ chăm chăm vào lợi nhuận như trước kia.
(2) Hãy nhẫn nại với những nhân viên làm việc cẩn thận và chu đáo: Như vậy họ mới có thể cảm thấy an toàn.
Những người làm việc đến nơi đến chốn là tài sản quý giá của công ty, nhưng những người như vậy thường rất cần cảm giác an toàn, họ thường không dám mạo hiểm, vậy nên, thi thoảng hãy kể với họ về triển vọng của công ty, và họ là một phần của công ty.
Thông thường bên trong công ty, những người chấp nhận dẫn dắt nhân viên mới thường là những người làm việc cẩn thận, đầy đủ và chu đáo, tôi có lòng kiên nhẫn với họ, thường kể với họ sự hiểu biết của mình về công ty và thị trường. Nhờ vậy, họ cũng nhẫn nại hơn với các nhân viên mới, một cách vô thức, tôi đã giải quyết được vấn đề những người mới vào làm nhưng không được lâu đã rời công ty.
(3) Hãy nhẫn nại với thị trường: Chúng tôi không làm ra thứ tốt nhất, chúng tôi làm ra thứ tồn tại lâu nhất.
Trước đây tôi không hiểu thị trường, nhìn thấy trào lưu thì vội vàng đuổi theo, muốn nắm bắt thị trường càng sớm càng tốt, vì kiểu tư duy này mà tôi đã thất bại rất nhiều lần.
Bởi vì trào lưu đến đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người đầu tư vào, vốn đầu tư của chúng tôi sẽ liên tục bị pha loãng, một dự án ban đầu được đầu tư 100, nhưng theo dòng người đổ xô đầu tư, giá trị của 100 này càng ngày càng nhỏ đi.
Vì vậy, làm kinh doanh nhất định không nên hấp tấp, phải từ từ, làm thế nào để tiếp tục tồn tại đã, sau đó suy nghĩ làm thế nào để không lỗ vốn, thực hiện được cả hai điều này, bạn sẽ nhận ra: Mặc kệ một lượng lớn các doanh nghiệp đua nhau đầu tư rồi một số lại chết đi, tuy bạn không làm ra tiền, nhưng thương hiệu của bạn đang dần dần trở nên có giá trị.
5. Lời kết
Hiện tại bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời sự nghiệp?
Là một nhân viên bình thường, hay đã là một người từng trải tại nơi làm việc? Vừa lên chức trưởng phòng hay đã là một vị sếp dày dạn kinh nghiệm?
Cho dù bạn ở giai đoạn nào, tôi tin chắc rằng bạn đang nỗ lực không mệt mỏi cho mục tiêu của mình.
Để trở thành lãnh đạo phải trải qua những vất vả mà người bình thường không trải qua, phải chịu đựng sự mỏi mệt mà người bình thường chưa từng chịu đựng. Vì vậy đừng bỏ cuộc, mỗi lần thất bại là một lần bạn đến gần hơn với thành công.