Làm rõ nguyên nhân vì sao 8/17 con hổ chết trong quá trình giải cứu?
Sau khi cơ quan chức năng sử dụng phương pháp gây mê và vận chuyển các cá thể hổ này đi gửi chăm sóc thì có 8/17 con hổ Đông Dương trưởng thành đã chết.
Ngày 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An xác nhận về việc, có 8/17 con hổ thu giữ tại 2 nhà dân trong vụ bắt quả tang nuôi nhốt hổ trái phép đã chết. 9 con còn lại hiện đang được chăm sóc và sức khỏe dần hồi phục tốt.
Được biết, thời điểm cơ quan chức năng bắt quả tang 2 cơ sở nhà dân tại xã Đô Thành (Yên Thành) nuôi nhốt 17 cá thể hổ Đông Dương thì những cá thể hổ này vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng sau khi được công an giải cứu ra khỏi các chuồng nuôi nhốt thì 8 con hổ đã chết. Vậy nguyên nhân vì sao làm hổ chết khiến dư luận rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.
Hổ được nuôi nhốt trong hầm như nuôi heo
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Trần Phúc Thịnh cho biết thêm, để có thể đưa được những cá thể hổ này ra khỏi khu vực nuôi nhốt và đưa đến khu chăm sóc thì cơ quan công an đã trưng cầu bác sĩ chuyên ngành thú y, sử dụng biện pháp gây mê để vận chuyển hổ đi.
Thượng tá Thịnh cho biết, việc thuốc gây mê có ảnh hưởng tới sức khỏe hổ, có liên quan đến cái chết của hổ hay không thì ông không thể biết được. Vấn đề này thuộc về chuyên môn, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, của bác sĩ.
Thời điểm công an bắt quả tang, các cá thể hổ vẫn khỏe mạnh
Cũng theo vị Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, 8 cá thể hổ chết này được coi là tang vật vụ án. Hiện 8 cá thể hổ đang được bảo quản trong tủ cấp đông để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ án cũng như làm rõ nguyên nhân cái chết của các cá thể hổ này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bính -Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, những năm qua đơn vị có thành lập nhiều đoàn, nhiều tổ công tác kiểm tra nhưng không phát hiện gì.
Cơ quan chức năng sau đó phải tiêm thuốc mê và cho các cá thể hổ vào từng lồng sắt để di chuyển
Cụ thể, theo ông Bính, những năm qua đơn vị này đã có nhiều văn bản tham mưu tỉnh để thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt các loại động vật quý hiếm trên địa bàn. Đơn vị này cũng có nhiều công văn giao cho các đơn vị ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành tăng cường việc kiểm tra, giám sát nuôi nhốt động vật trên địa bàn.
Như trong năm 2020, đơn vị đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, kiểm tra chuyên ngành nhưng không phát hiện được gì.
"Như tại huyện Yên Thành, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, huyện cũng tập trung chỉ đạo. Chi cục cũng có đi kiểm tra mà không phát hiện được gì. Hôm 4/8, cán bộ của Chi cục đi bắt quả tang nuôi nhốt hổ cùng với công an về đây cho thấy, họ nuôi hổ rất kín, nuôi trong hầm thì khó mà biết được", ông Bính chia sẻ thêm.
Nhiều người nhận định, hổ chết có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do gây mê, có thể do thời tiết, quá trình vận chuyển, hổ nuôi sức khỏe và tính thích nghi kém. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác đang được công an điều tra làm rõ.
Về trách nhiệm liên quan trong việc quản lý nhà nước khi cơ quan chức năng phá chuyên án bắt 2 gia đình nuôi nhốt hổ, ông Bính cho biết hiện vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nên chưa quy được trách nhiệm cụ thể ra sao.