Lạm phát 2016 chỉ ở mức 4,74%, thấp hơn trần Quốc hội đề ra
Lạm phát tính theo CPI năm 2016 chỉ ở mức 4,74%. Năm 2016 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại. Tuy nhiên, GDP năm 2016 chỉ ở mức 6,21%, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so tháng 12 năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.
Trong năm 2016, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,4%.
Năm 2016 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại nhưng vẫn tạo điều kiện để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường.
Mức lạm phát này cao hơn mức 1,84% của năm 2014 và 0,6% của năm 2015.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tính theo CPI tăng trong năm 2016 do một số yếu tố sau:
- Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng bước 1 - mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 01/3/2016; bước 2- mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 và chi phí tiền lương được thực hiện trên địa bàn 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 77,57% làm cho chỉ số CPI tháng 12 năm 2016 tăng khoảng 2,7% so tháng 12 năm trước.
- Tăng học phí: Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12 năm 2016 tăng 12,5% so tháng 12 năm trước tác động tới chỉ số CPI năm 2016 tăng khoảng 0,58% so tháng 12 năm trước.
- Tăng lương tối thiểu: Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2016. Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở cũng tăng từ ngày 1/5/2016 (tăng 60.000đ), kéo theo giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng từ 1%-2,5% so với cùng kỳ năm trước.
- Giá xăng tăng: Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2016 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt tăng (vào các tháng 3,4,5,6,9,10,11,12), theo đó, giá xăng dầu trong quý II tăng 1,1%, quý III tăng 6,5%, quý IV tăng 5,69% so với quý trước.
- Thiên tai và thời tiết bất lợi: Thời tiết khắc nghiệt, rét hại, rét đậm vào tháng 2 năm 2016 trên toàn miền Bắc, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vào tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 2016 đã ảnh hưởng đến giá rau xanh rau tươi tăng từ 15%-50%.
Trong tháng 4 và tháng 5, tác động của khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng. Tuy nhiên, do đơn hàng xuất khẩu gạo vào cuối tháng 5 không còn nhiều, cùng với Thái Lan xả kho gạo với số lượng 11,4 triệu tấn trong tháng 5 đã gây sức ép đến giá lúa gạo trong nước giảm vào tháng 6, 7 và tháng 8.
Cuối tháng 8, Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine nên giá lúa gạo trong nước hồi phục với mức tăng khá nhẹ. Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12 năm 2016 tăng 2,57% so với tháng 12 năm trước.
Do thời tiết nóng lạnh thất thường nên nhu cầu dùng điện sinh hoạt tăng cao, theo đó chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 2,03% so năm trước.
Mặc dù thành công trong việc kiềm chế lạm phát, nhưng GDP năm 2016 chỉ ở mức 6,21%, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.