"Làm giàu" là kỹ năng có thể học được và bạn nhất định sẽ thành công nếu vượt qua 6 điều khó khăn này
Làm giàu cũng giống như học một kỹ năng mới, việc gặp phải khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ cần vượt qua được những khó khăn này, con đường đi tới sự giàu có của bạn sẽ không còn bao xa nữa.
Tỷ phú tự thân Steve Siebold nói rằng làm giàu là một kỹ năng có thể học được. Ông viết trong cuốn "How rich people think": "Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, việc trở nên giỏi kiếm tiền không khác so với việc trở nên giỏi trong lĩnh vực nào đó, trở thành một tay golf, giảm cân hay làm chủ một ngôn ngữ thứ hai."
Đối với đa số chúng ta, làm giàu cũng giống việc cố gắng để sử dụng trôi chảy một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, sẽ không đơn giản thành công chỉ trong một ngày mà cần một quá trình làm việc dài lâu, liên tục. Và đây chính là 6 khó khăn mà bạn cần phải đối mặt và vượt qua nếu muốn tiến gần hơn tới ước mơ trở nên giàu có.
Siebold, người đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu về những người giàu nhất trên thế giới, cho hay những người giàu thường xây dựng sự nghiệp theo cách tự làm chủ trong khi những người bình thường lại có xu hướng thích cuộc sống ổn định hơn.
"Không phải là không có những người giàu trên thế giới nhận lương theo một chu kỳ nhất định nhưng đối với hầu hết chúng ta, đây là con đường chậm nhất dẫn tới sự phát đạt, giàu có nhưng được coi là con đường an toàn nhất. Những người xuất sắc nhất đều biết rằng tự làm chủ là con đường nhanh nhất để làm giàu" - ông viết trong cuốn "How rich people think" của mình.
Điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ công việc hàng ngày của bạn ngay lập tức. Theo triệu phú tự thân Daymond John, ý tưởng rằng bạn phải bỏ công việc nhàm chán của mình để trở thành một doanh nhân thành công trên thực tế là "rác rưởi". Thay vào đó, John - người sống nhờ vào "tiền bo" khi làm phục vụ bàn ở Red Lobster trong khi tung ra dòng trang phục mà sau này phát triển thành thương hiệu trị giá 6 tỷ USD - khuyên bạn hãy bắt đầu một việc khác song vẫn duy trì công việc bạn đang làm.
Nếu bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn hay muốn tiến lên phía trước trong cuộc sống, bạn phải sẵn sàng bước ra khỏi vùng thoải mái của bản thân. Siebold chia sẻ: "Những nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới từ sớm đã biết việc trở thành triệu phú không đơn giản và nhu cầu muốn được thoải mái có thể phá hủy điều đó. Họ học cách làm mình thoải mái trong khi làm việc trong tình trạng bất ổn liên tục."
Muốn bước ra khỏi vùng thoải mái, bạn có thể chọn một công việc mà bạn cảm thấy mình không đủ khả năng để làm, học một kỹ năng mới hay gọi điện cho mọi người để tư vấn. Triệu phú tự thân Bobbi Brown và doanh nhân Koel Thomae đều bắt đầu sự nghiệp thành công của họ từ "cold-calling" (Gọi điện cho khách hàng tiềm năng).
Thương lượng có thể là một cách kinh doanh khôn khéo nhưng việc không nhận được mức lương xứng đáng với những gì bạn cống hiến lại chính là điểm khác biệt giữa cuộc sống của người bình thường và những người giàu có. Tuy nhiên, nhiều người lại không dám đề cập vấn đề này với cấp trên cho dù mức tiền họ nhận được hoàn toàn chưa xứng với những gì bỏ ra.
Triệu phú tự thân Grant Sabatier cho hay: "Yếu tố hàng đầu sẽ quyết định tiềm năng thu nhập trong tương lai của bạn và giúp bạn kiếm được 1 triệu USD nhanh nhất là số tiền bạn kiếm được hôm nay".
Triệu phú tự thân Grant Cardone, người đã phải vật lộn đủ đường để kiếm sống trước khi kiếm được số tiền đạt tới 7 con số, chia sẻ: "Tôi đã không mua chiếc đồng hồ hay xe hơi đắt tiền, xa xỉ đầu tiên của mình cho tới khi việc kinh doanh và đầu tư của tôi tạo ra nhiều nguồn thu nhập ổn định. Tôi vẫn đi chiếc Toyota Camry ngay cả khi tôi đã là một triệu phú. Hãy để bản thân nổi tiếng nhờ vào đạo đức nghề nghiệp thay vì những thứ mà bạn mua."
Warren Buffett cũng có một triết lý sống tương tự. Nhà đầu tư huyền thoại thích ăn ở cửa hàng McDonald’s và không bao giờ chi quá 3.17 USD cho một chiếc sandwich buổi sáng dù sở hữu trong tay khối tài sản trị giá hàng tỷ USD.
Người giàu không e ngại việc kêu gọi tài trợ. Nếu họ nảy ra một ý tưởng tuyệt vời nhưng lại không đủ khả năng tài chính để thực hiện, họ "sẽ sử dụng tiền của người khác để biến nó thành sự thực," Siebold cho hay.
"Những người giàu biết rằng việc không đủ khả năng để tự mình chi trả cho thứ gì đó là việc không liên quan tới con đường làm giàu. Câu hỏi thực sự cần đặt ra là ‘Cái đó có đang để mua, để đầu tư hay để theo đuổi không?’ Những người giàu biết rằng tiền luôn sẵn có vì họ luôn tìm kiếm những khoản đầu tư lớn và những người tài giỏi để khiến những khoản đầu tư đó sinh lời."
Nhà làm phim - triệu phú tự thân Spike Lee là một minh chứng cho điều này. Ông chia sẻ với dịch vụ đầu tư trực tuyến Wealthsimple: "Tôi không gặp vấn đề gì khi kêu gọi vốn đầu tư. Bởi tôi tin, tôi tin vào tài năng, khả năng ăn nói cũng như những người xung quanh tôi trong những dự án mà tôi tạo ra."
Triệu phú tự thân kiêm M.C chương trình "The Profit" của CNBC, Marcus Lemonis, nói rằng quá nhiều người trong số chúng ta đang để nỗi sợ hãi ngăn trở bản thân đưa ra những quyết định quan trọng.
"Bạn sẽ gặp phải những thất bại nhưng ai quan tâm tới điều đó?" Thay vì sợ hãi việc phải đối mặt với những rủi ro, hãy coi mỗi cơ hội như một cách để học các kỹ năng mới.
Tỷ phú tự thân Richard Branson cũng từng nói: "Không ai làm đúng, làm tốt mọi việc ngay từ lần đầu tiên. Kinh doanh giống như chơi một bàn cờ khổng lồ và và bạn phải nhanh chóng rút ra bài học cho bản thân từ những thất bại. Các doanh nhân thành công không sợ thất bại, họ học từ những thất bại đó và tiếp tục tiến lên phía trước."