Lãi suất ngân hàng xuống thấp, nhiều Công ty chứng khoán “tranh thủ” huy động nguồn từ nhà đầu tư
Một số CTCK hiện đang áp dụng hình thức "hợp tác đầu tư" (hoặc tên gọi tương tự), mang lại lãi suất tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng cho nhà đầu tư. Với hình thức này, trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể "hợp tác đầu tư" để sinh lợi từ việc hưởng lãi suất của CTCK mà không cần phải chuyển tiền ra bên ngoài.
Thời gian gần đây chứng kiến sự bùng nổ của lớp nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán, hay còn gọi là nhà đầu tư "F0". Số liệu từ trung tâm lưu ký (VSD) cho biết trong năm 2020, có gần 394.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, tăng gấp đôi so với năm trước. Trong tháng đầu năm 2020, thị trường tiếp tục đón nhận hơn 86.000 tài khoản chứng khoán được mở mới và đây cũng là tháng có số lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong lịch sử.
Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ (margin) trên thị trường tăng mạnh. Tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các CTCK vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó phần lớn là cho vay margin) và đây cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay, tăng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối quý 3/2019.
Dư nợ margin thị trường tăng mạnh một cách bất ngờ đã khiến nhiều CTCK rơi vào trạng thái "căng cứng" nguồn cho vay. Hiện tượng "cắt margin" một số mã chứng khoán đã diễn ra vào thời điểm tháng 1 khi mà một vài CTCK chưa bổ sung kịp nguồn cho vay.
Công ty chứng khoán đẩy mạnh huy động tiền từ khách hàng, đôi bên cùng lợi
Thông thường, để bổ sung nguồn cho vay, CTCK sẽ thực hiện vay từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ mất thời gian và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Một trong những cách mà không ít CTCK đang áp dụng để huy động nguồn nhanh chóng là từ chính các khách hàng đang mở tài khoản tại CTCK.
Theo ghi nhận, tại một số CTCK hiện đang áp dụng hình thức "hợp tác đầu tư" (hoặc tên gọi tương tự), mang lại lãi suất tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng cho nhà đầu tư. Với hình thức này, trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể "hợp tác đầu tư" để sinh lợi từ việc hưởng lãi suất của CTCK mà không cần phải chuyển tiền ra bên ngoài. Khi nào có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thao tác chuyển tiền từ ngân hàng vào.
Một số tổ chức như Công ty quản lý tài sản Trí Việt (TVC), Chứng khoán MB (MBS), VNDIRECT (VND)…đã đưa ra mức lãi suất tương đối hấp dẫn cho khách hàng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng thường từ 7 - 8,5%/năm, thậm chí với một số khách hàng "vip" tại một vài CTCK, mức lãi suất có thể lên tới 10%/năm, đây là con số hấp dẫn hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện nay.
Không chỉ có lãi suất cao, các CTCK cũng đưa ra nhiều kỳ hạn cho nhà đầu tư dễ dàng tham gia, thậm chí cả kỳ hạn 1 tuần cũng có mức lãi suất tương đối hấp dẫn (từ 2-3%/năm). Trong khi đó, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 0,3%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày này.
Lãi suất hình thức hợp tác kinh doanh của MBS
Lãi suất hợp đồng vay vốn của TVC
Lãi suất sản phẩm DMoney của VNDIRECT
Với CTCK, hình thức "hợp tác đầu tư" mang lại lợi ích lớn với việc huy động tiền một cách nhanh chóng, thuận tiện để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Không những vậy, dòng tiền huy động này có lãi suất thấp hơn nhiều so với việc huy động từ các tổ chức tín dụng, qua đó giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.
Một điểm đáng chú ý, với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, thời gian để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thường khá ngắn, đa số chỉ 1 đến 2 tuần. Nếu tham gia hợp tác với CTCK, nhà đầu tư thường sẽ nhận mức lãi suất 2,5%/năm cho kỳ hạn ngắn từ 1 đến 2 tuần, trong khi CTCK có thể sử dụng nguồn vốn này để cho vay với lãi suất vào khoảng 12- 14%/năm (khoảng 0,0328% - 0,0384%/ngày).
Với nhà đầu tư, hình thức "hợp tác đầu tư" cũng mang lại khá nhiều lợi ích như được hưởng lãi suất cao, tận dụng tiền nhàn rỗi để sinh lợi khi chưa có nhu cầu giao dịch (hưởng lãi kỳ hạn 1 tuần) mà không cần phải rút tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán. Ngược lại, hình thức này cũng có rủi ro tranh chấp nếu như CTCK không đủ năng lực để trả lãi cho nhà đầu tư. Dù vậy, cho đến nay hình thức này trên thị trường vẫn chưa ghi nhận phát sinh gây tranh cãi nào.