Lãi suất cuối năm: Khó giữ như mục tiêu

07/08/2016 10:01 AM | Kinh tế vĩ mô

Những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện như đã cam kết trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước những biến động của nền kinh tế, lãi suất được dự báo khó đạt được theo mục tiêu của NHNN.

Lãi suất không thể giảm

Trái ngược với quan điểm cho rằng lãi suất có thể sẽ tăng lên khoảng 0,3%, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các ngân hàng đang cần nguồn vốn trung và dài hạn nên sẽ tăng lãi suất huy động mặc dù thanh khoản vẫn đang tương đối tốt.

Trao đổi với báo chí về định hướng điều hành lãi suất trong những tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ "chặn" nguy cơ tăng lãi suất thông qua một số giải pháp như: Điều tiết lượng thanh khoản vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng dư thừa ở mức hợp lý; cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để vừa hỗ trợ cho ổn định mặt bằng lãi suất vừa hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng dự trữ ngoại hối…

Nhận định về vấn đề này, Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm của Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa thực sự bứt phá, định hướng của Chính phủ và NHNN trong việc hỗ trợ và đảm bảo thanh khoản của VND sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất trong thời gian tới giữ được sự ổn định.

Còn nhớ, vào cuối tháng 4, NHNN và các ngân hàng thương mại cùng nêu cao chủ trương giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, nhưng mức độ và phạm vi giảm vẫn còn hạn chế. Và đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này có nguy cơ chững lại khi việc "níu kéo" lãi suất để giữ ổn định còn khá vất vả.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay (cả USD và VND) không nhiều, do chưa có định hướng giảm tình trạng “phân mảnh” tín dụng theo các chương trình khác nhau; do tác động chèn lấn của việc phát hành trái phiếu Chính phủ đối với tín dụng tư nhân và lạm phát kỳ vọng ở mức cao.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của VCBS cho biết, lãi suất khó giảm do rủi ro tỷ giá vẫn còn hiện hữu; áp lực tăng quy mô tài sản, cân đối nguồn vốn và đảm bảo các tỷ lệ an toàn của các ngân hàng thương mại, đặc biệt sau khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức được ban hành với lộ trình cụ thể.

Áp lực tăng

Trái ngược với những quan điểm trên, cho rằng lãi suất có thể sẽ tăng lên khoảng 0,3%, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các ngân hàng đang cần nguồn vốn trung và dài hạn nên sẽ tăng lãi suất huy động mặc dù thanh khoản vẫn đang tương đối tốt. Nhưng với việc tăng lãi suất huy động khi biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng đang ở mức thấp, thì việc lãi suất cho vay không tăng hoặc tăng quá thấp có thể khiến ngân hàng bị lỗ.

“Do đó, lãi suất cho vay sẽ tăng, nhưng tăng ở mức độ thấp hơn so với lãi suất huy động. Đặc biệt, lãi suất huy động sẽ tăng do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng phải tăng để đảm bảo ngân hàng có lãi suất thực dương ít nhất 2%”, TS. Hiếu nói.

Trên thực tế, sức ảnh hưởng của lạm phát có tác động khá lớn đến lãi suất. Vào đầu tháng 7, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã thừa nhận sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng tăng lạm phát. Do đó, việc điều hành cần thận trọng, chủ động, linh hoạt, cân nhắc với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác để giữ ổn định lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 7 tháng đầu năm ở mức 1,81%, rất sát với mức 1,82% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ. Trong khi, theo quy luật, lạm phát tăng - lãi suất sẽ tăng.

Sức ép lãi suất không chỉ đến từ lạm phát, theo các chuyên gia, lãi suất còn phải chịu tác động từ việc giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh. Thời điểm cuối năm doanh nghiệp thường cần vốn và người dân cần rút tiền ra nên ngân hàng phải tăng lãi suất để bù trừ thu chi.

Bên cạnh những tác động từ kinh tế vĩ mô, vấn đề nội tại của các ngân hàng là nợ xấu vẫn còn “âm ỉ”, nhất là khi báo cáo tài chính 6 tháng của nhiều ngân hàng đã làm “lộ” ra con số nợ xấu đang có xu hướng tăng. Theo đó, nợ xấu cao sẽ buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và cho vay để bù lại những chi phí liên quan đến nợ xấu, đến việc trích lập dự phòng rủi ro… Vì thế, lãi suất chỉ có thể ổn định hoặc tăng nhẹ, khó có thể giảm như khuyến nghị của NHNN trước đây.

Trên thực tế, theo báo cáo của NHNN, từ trung tuần tháng 7, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động bằng VND. Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được giữ ổn định, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trước tình hình này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, cùng với những chỉ đạo kịp thời, kêu gọi các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất, NHNN có thể đẩy một lượng tiền vào lưu thông để làm chi phí vốn rẻ đi, tăng tính thanh khoản giúp giảm lãi suất. Tuy nhiên, NHNN không thể bơm quá nhiều lượng tiền vào lưu thông, vì sẽ tạo lạm phát mà lạm phát lại đẩy lãi suất lên.

Có thể thấy, tình hình hiện nay chưa hỗ trợ nhiều cho ý chí của NHNN nên cần sự hợp tác từ nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô, trong đó, có việc tái cơ cấu, đổi mới phương thức kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Theo Hương Dịu

Cùng chuyên mục
XEM