Lãi 1 ăn 3 sau một năm mua cổ phiếu của doanh nghiệp độc quyền quản lý sân bay tại Việt Nam

22/11/2016 11:23 AM | Kinh doanh

Chỉ sau 2 ngày lên sàn, giá trị của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV đã tăng thêm gần 1,5 tỷ đô.

Trong ngành không, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV không phải là cái tên được thu hút được sự chú ý của công chúng như Vietnam Airlines hay Vietjet. Tuy nhiên, với giới đầu tư tài chính thì ACV mới thực sự là cái tên được “săn đón”.

Ngay từ lúc IPO, mức độ hấp dẫn của ACV và Vietnam Airlines đã rất khác biệt. Đợt IPO của Vietnam Airlines dù rất được mong chờ nhưng không được nhà đầu tư hào hứng tham gia. Mặc dù bán hết nhưng chỉ riêng 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank đã đứng ra mua gần hết lượng cổ phiếu IPO.

Trong khi đó, phiên IPO của ACV có lượng đặt mua gấp rưỡi lượng chào bán và giá trúng bình quân vượt xa so với giá khởi điểm. Đặc biệt là nhà đầu nước ngoài rất quan tâm đến ACV: 80% lượng cổ phiếu trúng giá thuộc về nhóm nhà đầu tư này.

Chưa đầy một năm kể từ khi tiến hành IPO vào tháng 12/2015, ACV đã lên sàn và mang về tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước.

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán vào ngày 21/11, cổ phiếu ACV đã tăng kịch biên độ 40%, từ 25.000 lên 35.000 đồng với dư mua giá trần cuối ngày lên đến hơn 2 triệu cổ phiếu.

Bước sang phiên giao dịch thứ hai, ACV tiếp tục tăng 15% lên 40.200 đồng. Với lượng dư mua lớn, cổ phiếu ACV được nhận định sẽ còn tăng mạnh trước khi về mức cân bằng. Cổ phiếu Habeco cũng từng tăng một mạch từ 40.000 lên 145.000 đồng trước khi về mức 100.000-105.000 đồng/cp như hiện tại.

So với giá đấu bình quân trong phiên IPO diễn ra vào ngày 10/12/2015 là 14.344 đồng/cp thì cổ phiếu ACV hiện đã tăng tới 180%. Một số quỹ ngoại như Dragon Capital, VinaCapital đã thắng lớn khi mua vào lượng lớn cổ phiếu trong phiên IPO.

Tại mức giá này, vốn hóa của ACV lên đến gần 88.000 tỷ đồng (3,9 tỷ USD), tăng thêm gần 1,5 tỷ USD so với giá tham chiếu lên sàn. Hiện ACV trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau Vinamilk, Vingroup, Vietcombank và PV GAS.

Lợi nhuận của ACV hiện tại có thể chưa khả quan (quý 2 lỗ 62 tỷ do tỷ giá, quý 3 lãi 757 tỷ) nhưng doanh nghiệp này lại chính là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh ngành hàng không đang tăng trưởng nóng.

Trong khi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar hay Vietjet phải cạnh tranh khốc liệt với nhau cũng như cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài trên những đường bay quốc tế thì ACV lại có được lợi thế độc quyền khai thác tất cả 22 sân bay dân dụng tại Việt Nam. Bất kỳ một hành khách dù sử dụng dịch vụ của hãng hàng không nào, dù là bay đến, bay đi hay quá cảnh tại các sân bay Việt Nam đều mang về doanh thu cho ACV.

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM