Lạc đà, đàn ông và siêu xe ở UAE
Ở UAE, taxi rất ít và thường là xe giá rẻ bởi mỗi người dân đều có ít nhất một chiếc ô tô. Ngoài taxi, khách có thể sử dụng Uber để gọi xe. Xe sang thì…nhiều như xe máy ở Việt Nam.
Gặp bạn ở Al Ain
Hamad Alameri cao khoảng 1m85, trông giống như những người đàn ông Hồi giáo trong các bộ phim ảnh tôi từng xem: Trang phục kandura che kín mắt cá chân, khăn trùm đầu, một đôi mắt sâu và to cùng bộ râu đen nhánh đặc trưng.
Hamad và người em họ Faisal của anh vui vẻ, cởi mở và nhiệt tình, điều tôi chưa từng hình dung về đất nước mang màu sắc huyền bí như UAE. Tôi gặp cả Hamad và Faisal bên ngoài sân vận động Hazza Bin Zayed (Al Ain) hôm đội tuyển Việt Nam đá trận đấu cuối với Yemen ở Asian Cup 2019, giải đấu đang thu hút sự chú ý rất lớn của giới hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Hamad bảo anh có một căn nhà nhỏ, nơi các thành viên trong một gia đình lớn ở chung nhau, cách không xa sân vận động. Nhà có khoảng chục con lạc đà nuôi trong những chiếc chuồng dựng trên sa mạc gần đấy. Sa mạc là thứ dễ thấy nhất ở UAE và Al Ain. Từ câu chuyện về những chú lạc đà trên sa mạc, chiếc thảm bay thần kỳ của Aladin, câu chuyện giữa những người lần đầu gặp gỡ bỗng chuyển sang chủ đề về nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump.
“Ở UAE chúng tôi không thích Obama nhưng thích Donald Trump. Mỹ tham chiến nhiều nơi thời Obama, từ Lybia tới Yemen, Syria. Trump là doanh nhân, ông ấy chỉ quan tâm lợi ích kinh tế. UAE là đồng minh của Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn buôn bán với Nga. Chúng tôi không thích chiến tranh với ai”, Hamad cười nói.
Hamad và Faisal rủ tôi đi xem lạc đà. Nhưng đầu tiên, Hamad lái chiếc Nissan V8 đưa tôi về thăm nhà trước. “Căn nhà nhỏ” của Faisal và Hamad rộng hàng trăm mét vuông, lộng lẫy như một lâu đài. Nhà có phòng cho khách đến chơi nghỉ lại, có nhà ăn rộng vài chục mét vuông và một căn phòng trang hoàng rực rỡ. Đây là nơi đàn ông trong nhà uống cà phê, nói chuyện. Phụ nữ ở một khu khác cách biệt với phía ngoài, người lạ không được phép vào. Ở UAE, khi gia đình có tiệc hoặc đám cưới, đàn ông ở một khu, phụ nữ ở một khu.
Trái ngược hẳn với Abu Dhabi hay Dubai, Al Ain yên tĩnh và hiền hoà. Al Ain cũng là nơi dân bản địa nhiều hơn so với người ngoại quốc. Ở Abu Dhabi hay Dubai, công dân nước ngoài nhiều hơn người sở tại, hầu hết là lao động làm thuê. Nhà Hamad cũng có một người giúp việc đến từ Bangladesh.
Bên phải căn nhà lộng lẫy là một khu lều khá lớn, bàn ghế được phủ gấm. Faisal nói đây là nhà ngày xưa ông và cha mình ở, trên đất sa mạc. Phía ngoài vẫn để một bếp củi. Faisal gọi và người giúp việc Bangladesh mang củi tới, nhóm lửa để mời khách ngồi chơi.
Lạc đà và siêu xe
Rồi Hamad cũng chở tôi đi xem lạc đà. Bãi cát mênh mông, những chiếc chuồng được dựng lên khá đơn giản. Trên cát, phân lạc đà rải khắp nơi, bốc mùi hăng nồng. Những “cô” lạc đà cái hiền lành, “bắt chuyện” với khách thật nhanh chóng. Vừa dụi dụi đầu vào tay khách, “cô” lạc đà vừa tranh thủ “ợ” lại thức ăn lên miệng để nhai lại. Hamad và Faisal dẫn tôi sang một chuồng lạc đà đực. “Ồ! Cẩn thận đấy! Nó rất hung dữ và có thể cắn chết người” - Hamad nhắc tôi.
Ở UAE, lạc đà có thể cho sữa, nguyên liệu chế biến nhiều thực phẩm hấp dẫn du khách
Về mùa đông, nhu cầu tìm bạn tình của lạc đà đực rất cao. Con lạc đà liên tục đi đi, lại lại, kêu lên những tiếng “ồ, ồ” ồn ào. Hamad bảo nếu cho một cô lạc đà cái vào, lạc đà đực có thể “lao động” miệt mài hàng ngày. Ở UAE, lạc đà được nuôi để lấy sữa hoặc lông. Sữa lạc đà có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Chocolate sữa lạc đà là một trong những đồ ăn khách du lịch nên nếm thử khi đến UAE.
23h giờ đêm, chiếc V8 của Hamad chở tôi vun vút trên đường. Một chiếc Toyota biển 5 số vụt qua. Hamad cho biết chiếc xe đó có giá gần như “cho không”.
Ở UAE, taxi rất ít và thường là xe giá rẻ bởi mỗi người dân đều có ít nhất một chiếc ô tô. Ngoài taxi, khách có thể sử dụng Uber để gọi xe. Xe sang thì… nhiều như xe máy ở Việt Nam. Nhưng ở đây, một chiếc xe đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào biển số. Biển càng ít số, giá càng đắt. Chiếc xe của Hamad có 3 số, giá 100.000 USD nhưng nếu biển 1 số thì có thể lên tới cả triệu USD. Buổi tối ở Al Ain, thời tiết khá mát mẻ. Tôi chợt hỏi đi ra đường nửa đêm như thế này, vợ Faisal có gọi anh về sớm như cánh đàn ông Việt Nam không.
-“Ở đây chúng tao ra đường không đi với phụ nữ nên rất an toàn, không ai gọi về nhà cả”- trả lời. Ở UAE, rượu bia và thuốc lá cũng bị cấm sử dụng nơi công cộng. Khách nước ngoài chỉ được mua những đồ trên ở sân bay khi trở về, không được mang vào UAE.
Tôi chia tay Faisal và Hamad ở sân bay khi đã gần nửa đêm, không quên hẹn một ngày có thể đón cả hai ở Việt Nam. Làm khách ở UAE, hay chính xác hơn làm khách của Faisal và Hamad là một trải nghiệm thú vị trong một hành trình ngắn cùng đội tuyển Việt Nam.