Là người nông dân chăn nuôi bò sữa nhưng cha tôi giàu có nhất thế gian: Câu chuyện về lòng biết ơn mà không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa thực sự của nó!
Lòng biết ơn vẫn luôn là một giá trị đẹp cần được học hỏi, nhưng có mấy người hiểu hết được ý nghĩa thực sự của nó? Có bao nhiêu người trong số chúng ta thực sự biết cách bày tỏ lòng biết ơn của mình đến cuộc đời này, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất?
Chúng ta đều hiểu lòng biết ơn quan trọng đến nhường nào. Biết ơn vì tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nói bao giờ cũng dễ hơn là làm.
Cha thường nói với tôi rằng, ông cảm thấy mình là người giàu có nhất thế gian. Điều này luôn khiến tôi mỉm cười, bởi lẽ, ông chỉ là một người nông dân chăn nuôi bò sữa. Ông chưa bao giờ kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu (kể cả khi đó là một năm tuyệt vời không có hạn hán). Thế nên không cần nói cũng biết, khi cha bảo rằng mình rất giàu có, ông không hề đề cập đến khoản lương hưu (thứ mà ông cũng chẳng có bao giờ), mà là tình yêu với cuộc sống và lòng biết ơn ngập tràn trong trái tim ông.
Cha tôi, cũng giống như nhiều người khác – những người đã đến tuổi gần đất xa trời – đã từng phải đối mặt với biết bao khó khăn và đau đớn. Ông đã mất đi đứa con trai út – em trai Peter của tôi – sau một thời gian dài thằng bé chống chọi với căn bệnh rối loạn tâm lý. Ông cũng giúp đứa con trai cả – là anh trai Frank của tôi – thích nghi với cuộc sống mới trên chiếc xe lăn sau một tai nạn xe máy khiến anh bị liệt cả hai chân. Và ông cũng phải chật vật, xoay xở qua nhiều mùa hạn hán để nuôi dạy khôn lớn 7 đứa con của mình.
Cha đã dạy tôi rất nhiều về lòng biết ơn, về cách mà nó trở thành liều thuốc động viên tinh thần ta trong những giờ phút khó khăn và nản lòng. Ông dạy tôi rằng biết ơn không phải là đong đếm xem mình có nhiều hay ít, mà là cách bạn nhìn câu chuyện ấy như thế nào. Lòng biết ơn giúp chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận những niềm vui và thấu hiểu cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Đó không phải là điều mà chúng ta chỉ nên làm trong khoảng thời gian hạnh phúc – khi có việc làm, khi khỏi bệnh, khi ký được hợp đồng với khách hàng, hay khi tìm thấy "nửa kia" của mình. Đó là điều chúng ta nên làm mọi lúc. Thực tế là, một chút biết ơn sẽ giúp chúng ta sống sót khi cơn bão cuộc đời ập đến nhấn chìm mọi thứ xung quanh ta. Biết ơn cho chúng ta một chút lạc quan ngay lúc nước sôi lửa bỏng, một chút sức mạnh giữa muôn vàn khó khăn, và cả một chút hy vọng khi ta lạc lối trong màn đêm tăm tối.
Tất nhiên, trái ngọt nào cũng cần chăm sóc, và việc học cách biết ơn cũng đòi hỏi những nỗ lực kiên trì và lâu dài. Chúng ta dễ bị chi phối bởi những năng lượng tiêu cực vốn có trong bản thân, để chúng dẫn dắt và định hình cuộc sống của mình. Nó khiến ta bị cuốn vào vòng xoáy của những điều không mong muốn. Đó là lý do mà tại sao chúng ta lại thường dành những năm tháng tuyệt đẹp nhất trong cuộc đời mình để phàn nàn, so sánh, và lo lắng!
Có một điều chắc chắn rằng, cuộc sống là một chuỗi bất tận các tình huống mà khi ấy ta chẳng dám hy vọng hay mong chờ bất cứ điều gì. Nhưng ẩn sâu trong đó là những dòng chảy của sự may mắn và hạnh phúc – những thứ vẫn hiện diện bấy lâu nay mà chúng ta thường bỏ quên. Lòng biết ơn thì không bỏ quên điều gì cả. Nó phản chiếu mọi điều tốt đẹp, khiến chúng trở nên tuyệt vời hơn. Nó khiến ta nhìn nhận lại những "vấn đề" của mình dưới một góc độ mới mẻ, khích lệ ta với tất cả sự dũng cảm mà ta cần để có thể nhìn nhận cuộc đời theo một cách tích cực hơn, thay vì phẫn uất và bực bội.
Tôi đã từng gặp những người phải chịu đau đớn hằng ngày vì bệnh viêm khớp, những người đang cận kề cái chết vì một căn bệnh mà họ không đáng mắc phải nhưng lại chẳng có cách gì chữa được, những người mất con vì chiến tranh, mất nhà vì hỏa hoạn. Nhưng họ cũng chính là những người luôn luôn rạng rỡ với tấm lòng biết ơn sâu sắc và niềm vui sướng đặc biệt, kể cả trong thời khắc tồi tệ nhất. Làm sao mà họ có thể vui vẻ đến thế ngay cả khi cuộc đời đối xử quá nghiệt ngã với mình? Đơn giản thôi: họ sống trong sự biết ơn. Như một nạn nhân của thảm họa Holocaust – Elie Wiesel – đã từng nói: "Với tôi, mỗi phút giây đều là một ân huệ. Tôi cảm thấy biết ơn từ tận sâu trái tim mình mỗi lần tôi gặp ai đó và ngắm nhìn nụ cười của họ."
Giống như các bạn, tôi cũng đã gặp những người được cho là "trúng độc đắc" trong cuộc đời này – những người bay vòng quanh thế giới bằng chuyên cơ, khoác lên mình những bộ đồ sang chảnh và tận hưởng sự sung túc được tạo ra bởi đồng tiền. Trớ trêu thay, họ cũng là những kẻ luôn cảm thấy trống rỗng trong tâm hồn và không ngừng tìm kiếm một điều gì đó kích thích hơn để khỏa lấp nỗi trống trải ấy.
Sự thực là, lòng biết ơn chẳng liên quan gì tới sự may mắn cả.
Để vận dụng sức mạnh của lòng biết ơn trong cuộc đời này, bạn chẳng cần làm gì ngoài việc hiểu rằng bản thân cuộc sống đã là một món quà, rằng nó cũng có hạn sử dụng, và mỗi ngày – dù vui vẻ hay đau khổ – đều được định hình bởi chính cách mà bạn suy nghĩ về nó. Vì vậy, hãy biết ơn cả những điều nhỏ bé nhất và bình thường nhất. Bởi lẽ, rồi sẽ có một ngày, bạn quay đầu nhìn lại và nhận ra rằng chúng thực sự là những điều lớn lao trong đời mình.
Tôi biết ơn rất nhiều thứ trong đời mình: con cái, sức khỏe, chồng, bạn bè, và cả sự tự do theo đuổi nghề nghiệp mơ ước. Thế nhưng, tôi cũng rất biết ơn những khoảng thời gian khó khăn trong đời, khi trái tim tôi chịu đựng nhiều tổn thương, khi tôi phải vật lộn với nỗi tuyệt vọng và mong mỏi sự chắc chắn. Tôi biết, những tháng ngày đen tối này đã dệt nên chiều sâu cho tâm hồn tôi, đem đến những cơ hội vô giá để tôi có thể học hỏi và trưởng thành theo cách của mình. Và tôi cũng biết rằng, trong năm tới, tôi sẽ gặt hái thêm nhiều điều hơn nữa. Tôi không trông đợi chúng, nhưng tôi biết rằng việc học cách biết ơn sẽ giúp tôi hoàn thiện hơn bản thân mình.
Như Tal Ben Shahar đã từng chia sẻ với tôi: "Khi bạn biết ơn những gì mình đang có, những thứ đó sẽ càng trở nên giá trị hơn". Vì thế, dù bạn đang ở vị trí nào đi chăng nữa, hãy dành sự chú ý đặc biệt đến điều mà bạn muốn thực hiện. Nếu thấy bản thân mình hay so sánh, phàn nàn, hoặc quá quan tâm đến những sai lầm, thiếu sót của bản thân, xin đừng nản lòng. Hãy tha thứ cho những điểm hạn chế của chính mình, thở thật sâu, và tập trung lại vào những gì bạn cần phải cảm ơn.
Cảm xúc là một thứ dễ lan truyền. Khi bạn sử dụng khả năng của mình để học cách biết ơn cũng chính là lúc bạn đang thôi thúc người khác làm theo mình. Học cách biết ơn mà không chia sẻ điều đó thì chẳng khác nào chuẩn bị cả một bữa tiệc mà không mời ai – một việc mà cha tôi sẽ không bao giờ làm!
Bài chia sẻ của Margie Warrell – một nhà diễn thuyết, tác giả và bình luận viên giải trí. Không chỉ tham gia cộng tác cho Forbes, Psychology Toda, Wall Street Journal,... bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về năng lực lãnh đạo và lối sống.