Là cấu thành quan trọng hút FDI, nhưng vì đâu cơ sở hạ tầng không được đưa vào đo đếm năng lực cạnh tranh giữa 63 tỉnh thành?
Cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là 2 lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Korcham nhận định. Mặc dù là một cấu thành quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư từ doanh nghiệp FDI, nhưng vì đâu cơ sở hạ tầng lại không được đo lường trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)?
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 vừa công bố, Quảng Ninh lần thứ 4 liên tiếp giữ ngôi vương.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, và Đà Nẵng.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, gồm:
- Chi phí gia nhập thị trường
- Tiếp cận đất đai
- Môi trường kinh doanh
- Chi phí không chính thức
- Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính
- Môi trường cạnh tranh bình đẳng
- Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp
- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
- Chính sách đào tạo lao động
- Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự
Cơ sở hạ tầng, mặc dù được coi là một chỉ số quan trọng trong thu hút đầu tư, nhưng không được đưa vào để tính điểm PCI.
Lý giải cho vấn đề này, nhóm nghiên cứu cho biết sẽ là không công bằng nếu đưa lĩnh vực cơ sở hạ tầng vào đo lường trong chỉ số PCI tổng hợp, vì ba lý do:
1- Đặc thù vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng ban đầu của mỗi địa phương là khác nhau và có sự cách biệt nhất định. Một số tỉnh vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó bắt kịp được với các địa phương khác.
2- Vấn đề cơ sở hạ tầng nhiều khi không nằm hoàn toàn trong thẩm quyền của một tỉnh, thành phố, vì nhiều dự án đầu tư được thực hiện theo quyết định của Trung ương.
3- Nhóm nghiên cứu PCI cho rằng nên khuyến khích sự phối hợp liên vùng để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, thay vì tạo ra cạnh tranh giữa các địa phương, có thể gây tốn kém và trùng lặp không cần thiết.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu vẫn đưa chỉ số cơ sở hạ tầng vào xếp hạng riêng, coi đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Theo báo cáo, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Nẵng được đánh giá là các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam năm 2020. Đây là những địa phương thường đứng đầu xếp hạng Chỉ số Cơ sở hạ tầng nhiều năm qua, nhờ những lợi thế vốn có về cơ sở hạ tầng.
Cũng theo báo cáo, chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nhìn chung có cải thiện và có xu hướng đi lên ổn định kể từ năm 2014. Tuy nhiên, năm 2020, điểm số Chỉ số Cơ sở hạ tầng của tỉnh trung vị giảm nhẹ xuống 67,41 điểm từ mốc 68,45 điểm của năm 2019.
Kết quả điều tra năm 2020 tiếp tục ghi nhận mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Nhất quán với phát hiện đã được chỉ ra từ báo cáo PCI các năm trước: những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt thường có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong 9 yếu tố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Cơ sở hạ tầng là 1 trong 4 yếu tố các doanh nghiệp FDI nhìn nhận là các hạn chế có tính truyền thống, và Việt Nam cần đẩy mạnh giải quyết. Chỉ 32% doanh nghiệp FDI trong số 1.500 doanh nghiệp được hỏi cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn so với các quốc gia "đối thủ".
Các con số này phù hợp với nhận định của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) rằng cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là hai lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư mới.
Cũng theo các doanh nghiệp này, 5 đối thủ cạnh tranh hút FDI với Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.