Là 1 trong những nhà sản xuất đá thạch anh hàng đầu thế giới, doanh nghiệp Việt này kinh doanh ra sao?
Doanh nghiệp này đang sở hữu 6 dây chuyền sản xuất đá nhân tạo theo công nghệ được chuyển giao từ Ý, xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia khắp châu lục.
CTCP Vicostone (mã VCS) là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh tại khu vực châu Á. Đây là một trong các nhà sản xuất hàng đầu thế giới về đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp nhất thế giới. Doanh nghiệp này thuộc Tập đoàn Phenikaa, được thành lập năm 2022.
Theo thông tin được đăng tải trên website chính thức của doanh nghiệp này, hiện Vicostone xuất khẩu đá nhân tạo đến trên 50 quốc gia khắp châu lục với hơn 10.000 đối tác/đại lý trên toàn thế giới. Trong đó, châu Mỹ, châu Âu và châu Úc là 3 khu vực nhập khẩu số lượng lớn nhất. Đặc biệt, Mỹ là quốc gia tiêu thụ đá nhân tạo gốc thạch anh lớn nhất.
Với 6 dây chuyền sản xuất đá nhân tạo theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.p.A (Ý), Vicostone cung cấp ra thị trường 3 triệu m2 mỗi năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Một số sản phẩm của Vicostone.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, ông Hồ Xuân Năm (Chủ tịch HĐQT) cho biết, năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức. Công ty đã và đang triển khai tái cấu trúc hệ thống phân phối tại thị trường Mỹ, đưa về duy nhất một thương hiệu Vicostone trên toàn nước Mỹ, khai thác và mở rộng mạng lưới bán hàng, kết hợp với các giải pháp quản trị hiệu quả hệ thống sản xuất trong nước để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Năm nay, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.602,59 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.033,91 tỷ đồng, tăng lần lượt là 5,71% và 3,45% so với năm 2023.
Cập nhật báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần gần 1.074 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 205 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, Vicostone đã thực hiện khoảng 23% các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Về chiến lược phát triển của công ty trong năm 2024, Vicostone xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nhân sự, tăng năng suất lao động, tối ưu chi phí và hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro trong công ty…
Công ty tiếp tục đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, chủ động kiểm soát chất lượng và tối ưu chi phí nguyên vật liệu.
Trong năm 2024, Vicostone tiếp tục triển khai kế hoạch nhận chuyển nhượng Dự án "Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết" từ Công ty mẹ - Tập đoàn Phenikaa.
Trong một diễn biến khác, theo biên bản họp Hội đồng quản trị về việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 năm 2024 vừa được doanh nghiệp này công bố, Vicostone sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 28/6/2024.
Ở thời điểm hiện tại, Vicostone có khoảng 160 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Với mức chi trả cổ tức trên, Vicostone dự chi 320 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của công ty là CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group).
Theo báo cáo thường niên 2023, Phượng Hoàng Xanh A&A đang nắm giữ 84,154% cổ phần của Vicostone. Các cổ đông lớn khác phải kể đến ông Hồ Xuân Năm (Chủ tịch HĐQT) 3,74% cổ phần, ông Phạm Trí Dũng (Tổng Giám đốc) 0,22% và ông Lưu Công An (Phó Tổng Giám đốc) năm giữ 0,13% cổ phần.