img
Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 1.
Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 2.

Tôi cho rằng ông Phan Văn Khải là "người đàn em" đúng nghĩa của ông Võ Văn Kiệt. Ông Khải đã có một thời gian tương đối dài làm Phó cho ông Kiệt. Và sau này, khi trở thành Thủ tướng, ông thực sự đã cố gắng đi theo đường lối của người tiền nhiệm. Theo đó, ông đã kế thừa những ý tưởng, đường hướng lớn về tư duy kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân.

Thủ tướng Phan Văn Khải làm vậy là bởi ông nhìn nhận những gì ông Kiệt làm trong quá khứ là đúng nên ông cố gắng làm theo. Những gì ông Kiệt làm dang dở thì ông tiếp nối. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty ra đời năm 1990 – 1991 bị nhiều hạn chế của thời đại, chỉ cho phép doanh nghiệp tư nhân thành một khu vực hoạt động chính thức và vẫn chịu cơ chế xin cho của Nhà nước, bị hạn chế quyền tự do kinh doanh thì đến thời ông Khải đã ra được Luật doanh nghiệp năm 1999 trả lại quyền kinh doanh cho khu vực này.

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 3.

Có thể nói đây là bước cải cách cơ bản và mạnh, tạo nền tảng phát triển quan trọng cho kinh tế trong nước. Người dân lúc này chỉ cần đăng ký là được quyền kinh doanh trên tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Sản phẩm luật là của ông Khải nhưng tinh thần là của ông Kiệt và được ông Kiệt hết sức ủng hộ. Luật doanh nghiệp đến nay càng lúc càng chứng minh được tính đúng đắn của nó.

Sự kế thừa, tiếp nối giữa hai đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải thực sự sự là một điều đáng trân quý, bởi lẽ, nếu người kế tục không theo được hoặc mang trong mình những đường hướng ngược với người cũ thì sẽ khó có một sự liên tục trong chính sách.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 4.

Điều đó giải thích tại sao 10 năm nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Khải có thể xem là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam. Cụ thể, chúng ta tăng trưởng cao, khắc phục được lạm phát, nợ công chỉ ở ngưỡng tối đa 50%, kinh tế vĩ mô được ổn định, đồng thời tạo ra được nhiều nhân tố mới giúp phát triển đất nước.

Đường hướng của ông Khải là chú trọng những khuyến nghị, giải pháp để ổn định và tạo tăng trưởng dài hạn chứ không phải tăng tốc trong ngắn hạn.

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 5.
Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 6.

Ông Phan Văn Khải trong ký ức của tôi là người luôn hành động. Từ ngày 1/1/2000 khi bắt đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp thì cuối tháng 12/1999, Thủ tướng đã thành lập Tổ thi hành Luật, tức là có ngay một bộ máy để thực hiện, giám sát chứ không phải ra luật xong là buông xuôi, muốn làm như thế nào thì làm.

Ông Phan Văn Khải trong ký ức của tôi là người luôn hành động. Từ ngày 1/1/2000 khi bắt đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp thì cuối tháng 12/1999, Thủ tướng đã thành lập Tổ thi hành Luật, tức là có ngay một bộ máy để thực hiện, giám sát chứ không phải ra luật xong là buông xuôi, muốn làm như thế nào thì làm.

Thành viên của Tổ là những người có đầu óc cải cách mạnh mẽ, từng tham gia xây dựng luật nên hiểu rất rõ các vấn đề kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Họ làm việc với tinh thần chiến đấu như thời điểm để có được Luật. Thông qua đó, giúp tạo môi trường thông thoáng cho tư nhân được kinh doanh.

Tôi nhớ mãi lúc tham gia Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, 1 tháng sau khi Luật bắt đầu có hiệu lực, ngày 4/2/2000, Thủ tướng Khải đưa ra một danh mục gồm 158/400 giấy phép con cần bãi bỏ và yêu cầu cắt luôn. Những giấy phép con đó được Thủ tướng chủ động cắt giảm dựa trên ý kiến tư vấn của các chuyên gia và doanh nghiệp. Tất nhiên quyết định của ông cũng nhận được nhiều phản ứng trái chiều của các Bộ, ngành.  

Thủ tướng Khải vốn dĩ không phải là người quyết liệt, thực sự ông hơi hiền, nhưng với những việc ông thấy đúng và cần thì ông sẽ làm rất mạnh. Lúc bấy giờ, cộng đồng doanh nghiệp rất mừng và gọi đó là món quà Tết của Thủ tướng.

Thủ tướng lúc mới lên nhậm chức cũng giao việc cho Tổ tư vấn là có ba nhóm đối tượng mà ông muốn gặp. Đó là doanh nghiệp – nông dân – trí thức. Và sau đó, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lúc đó họ hồ hởi lắm, tham gia ngay. Địa điểm lúc bấy giờ là ở 11 Lê Hồng Phong, đây là diễn đàn đầu tiên của Thủ tướng với doanh nghiệp có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, về sau được làm thường niên.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 7.

Tôi nhớ những doanh nghiệp ngày đó đã vừa nói vừa bật khóc ngay trước mặt Thủ tướng bởi bao lâu nay họ khổ sở với những vấn đề mãi không được giải quyết. Như chị Lưu Hải Thuý làm về đồ thủ công mỹ nghệ, chạm bạc bị vướng quy định cấm cửa rừng từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Quy định cấm rừng là đúng nhưng sau này nó thành cực đoan khiến cho gỗ được khai thác đúng quy định cũng không cách nào xuất khẩu đi được.

Mà cứ tưởng tượng xem, mỗi một triệu đô la hàng thủ công mỹ nghệ xuất đi đằng sau nó ứng với 3.000 công nhân. Ngành gỗ - ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam theo đó mà điêu đứng. Thủ tướng, sau những lắng nghe đó đã có những yêu cầu thay đổi, giải quyết và gỡ khó cho doanh nghiệp nhiều hơn.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 8.
Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 9.

Theo tôi, nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải là giai đoạn Việt Nam có sự chuyển biến tích cực trong quá trình hội nhập với thế giới. Đó là giai đoạn mà Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) được đàm phán, ký kết, cũng như Việt Nam tăng tốc và đàm phán thực chất để vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

BTA ngày đó là quá trình tập dượt cho Việt Nam để ký kết WTO sau này. Bởi lẽ BTA được đàm phán với Hoa Kỳ dựa trên các nền tảng nguyên tắc của WTO. Người Mỹ áp dụng nguyên tắc này để đàm phán với Việt Nam chứ không đưa ra cái mới.

Sau khi ký kết được BTA với Hoa Kỳ ngày 8/12/2001, trên nền tảng đó, năm 2002, Việt Nam đã tăng tốc đàm phán với WTO. Thực chất, chúng ta đã nộp đơn gia nhập WTO từ năm 1995 và mất rất nhiều năm để giải trình về hệ thống thương mại chính sách của Việt Nam nhưng vẫn không khiến người ta hiểu được. Tuy nhiên, với nền tảng hiệp định ký với Mỹ, chúng ta đã qua được một cửa ải. Đấy chính là điểm nhấn trong thời kỳ của Thủ tướng Khải.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 10.

Theo đà đó, từ năm 2002 – 2005, Chính phủ của Thủ tướng Khải cùng Quốc hội đã tăng tốc trong việc xây dựng Luật mới và sửa các Luật của Việt Nam tương thích với WTO. Những năm trước, trung bình một năm Quốc hội chỉ sửa và làm mới từ 5 -6 luật thì giai đoạn đó làm đến 20 -25 luật. Nhiều Pháp lệnh như chống bán phá giá, quyền tự vệ,… chưa từng xuất hiện trước đó cũng lần lượt ra đời.

Tôi cho rằng lãnh đạo thời kỳ đó đã biết tận dụng sức ép, yêu cầu hội nhập để đòi hỏi, buộc trong nước phải đổi mới thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Các chính sách được ra đời cũng rất hài hoà, chính sách nọ bổ sung cho chính sách kia và tất cả cùng đi theo một hướng đổi mới.

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Ông là Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đặt chân sang Mỹ. Chuyến đi của Thủ tướng là kết quả của quá trình cải thiện quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đánh dấu 10 năm bình thường hoá quan hệ và 4 năm sau khi Hiệp định BTA được ký kết. Nghĩa là không chỉ trên phương diện ngoại giao, thương mại hai nước cũng đã được bình thường hoá.    

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 11.

Kết quả có thể thấy được là vào tháng 3/2006, Hoa Kỳ đã ký hiệp định ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, giúp Việt Nam thuận lợi trong quá trình đàm phán của mình. Cũng trong chuyến thăm đó, Thủ tướng đã thúc đẩy, khiến cho các công ty lớn của Hoa Kỳ quan tâm hơn và sẵn sàng tham gia đầu tư tại Việt Nam, trong đó, phải kể đến Tập đoàn Intel.

Vào lúc Thủ tướng sang Mỹ thì đã có đàm phán giữa Việt Nam và Intel rồi. Thủ tướng Khải rất quyết tâm, bằng mọi giá phải lôi kéo được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam. Ông đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, gọi là Tổ Intel. Thời điểm đó, Việt Nam phải cạnh tranh với 3 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, vốn nhiều lợi thế hơn hẳn, đặc biệt là Trung Quốc vốn đã có sẵn một nhà máy của Intel tại Thành Đô.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 12.

Thủ tướng nhìn nhận rõ đấy là cơ hội mà Việt Nam buộc phải nắm bắt. Vì chỉ khi Intel vào thì Việt Nam mới có thể mời gọi được những doanh nghiệp công nghệ cao vào. Đất nước đã rất khát khao công nghệ, nhưng hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều ngoảnh lưng. Theo đó, Tổ Intel được giao quyền đàm phán với doanh nghiệp, những gì trong phạm vi pháp luật cho phép mà nhân nhượng được thì đồng ý ngay, còn những gì vượt khỏi quy định hiện hành thì báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng xin ý kiến các nơi liên quan.

Trong chuyến thăm Mỹ năm 2005, Thủ tướng cũng đã gặp Chủ tịch Tập đoàn Intel để tiếp tục đàm phán.

Kết quả, cuối tháng 3/2006, Tập đoàn Intel đã quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, biến nơi đây thành cứ điểm sản xuất thứ 7 trên toàn cầu, tạo thành thông tin chấn động trong giới đầu tư không chỉ ở Đông Nam Á. Việc làm của Intel đã thức tỉnh giới đầu tư về vị trí, vai trò, và tiềm năng kinh tế của Việt Nam.  

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 13.

Tôi nhớ vào năm 2006, khi chỉ còn một năm cuối của nhiệm kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin từ nhiệm sớm. Tình hình lúc đó mọi người đã ngầm hiểu ai sẽ là Thủ tướng kế tiếp, do vậy, Thủ tướng Khải không muốn mất thêm một năm trời để bầu chọn.

Bởi lẽ, trong một năm đó, không rõ ai sẽ là người đứng đầu Chính phủ hành pháp khi Thủ tướng đương nhiệm không còn đủ quyền như cũ còn người kế nhiệm thì cũng chưa có toàn quyền. Do vậy, ông Khải đã đi đến quyết định nghỉ sớm một năm để giúp người kế nhiệm có đầy đủ thời gian, toàn tâm toàn ý điều hành phát triển đất nước. Hơn nữa, ông Khải cũng có lòng tin và kỳ vọng vào người kế nhiệm bởi các ông đã có thời gian dài làm việc với nhau. Ông từ nhiệm sớm cũng là vì thiện ý phát triển đất nước.

Ký ức của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vị Thủ tướng từ nhiệm sớm một năm vì thiện ý phát triển đất nước - Ảnh 14.

Cũng trong lần cuối đăng đàn ở Quốc hội với tư cách người đứng đầu Chính phủ, ông Khải có câu nói ấn tượng "Xin nhận lỗi trước đồng bào" vì tình trạng tham nhũng. Trước đó, vấn nạn tham nhũng đã có nhưng ít được thừa nhận. Nó là hệ quả của cơ chế xin cho nặng nề, phi thị trường… Muốn dẹp được tham nhũng, căn cơ là phải minh bạch hoá, tăng chế độ giải trình, nâng cao hệ thống pháp lý…

Thủ tướng Khải trước lúc rời chính trường vẫn canh cánh câu chuyện đó nhất. Ông áy náy rằng dưới thời của mình vẫn chưa thể thực hiện được một thị trường đúng nghĩa.

15 năm làm công tác điều hành ở Chính phủ, lúc rời đi, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi gắm tâm tư là mong người kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những thành công và cả những mặt yếu của ông. 

Phương Ánh
Tuấn Dũng
Theo Trí Thức Trẻ17/3/2018

Theo Trí thức trẻ