Kỳ tích CEO Coinbase: Bình an vô sự trong khi đối thủ ngồi tù, trở thành kẻ sống sót duy nhất trong bão tiền số

16/01/2024 10:14 AM | Kinh doanh

Armstrong mở rộng Coinbase bất chấp sự suy thoái của ngành.

Brian Armstrong đang trở thành gương mặt mới của tiền số khi Coinbase Global, sàn giao dịch do chính anh đồng sáng lập vào năm 2012, trở thành một trong những công ty tài sản kỹ thuật số cuối cùng đứng trụ sau từng ấy biến cố. Đối thủ cũ của Armstrong - founder FTX Sam Bankman-Fried và người sáng lập Binance Changpeng Zhao - người thì ngồi tù, người thì chờ kết tội.

Armstrong mở rộng Coinbase bất chấp sự suy thoái của ngành. Với tư cách CEO, anh hướng hoạt động công ty ra thị trường nước ngoài, sau đó củng cố mối quan hệ kinh doanh với các nhà quản lý tài sản Phố Wall. Đáng chú ý, Coinbase còn đóng vai trò giám sát 8 quỹ giao dịch Bitcoin.

Vào năm ngoái, Armstrong dành gần như toàn bộ thời gian ở Washington, DC để vận động hành lang cho luật tiền số. Anh chàng thuê các nhà lập pháp làm cố vấn, sau đó quyên góp hơn 1 triệu USD tài sản cá nhân cho một ủy ban siêu tiền số.

SEC từ lâu đã lập luận rằng hầu hết các token tiền số đều là chứng khoán. Việc bán chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với SEC tức tổ chức đó đã vi phạm luật bảo vệ nhà đầu tư. Cơ quan này cho biết Coinbase đã giao dịch ít nhất 13 loại tài sản được coi là chứng khoán và lẽ ra phải đăng ký trước khi chúng được phát hành.

Đáp lại, Coinbase kêu gọi các cơ quan quản lý Mỹ soạn thảo bộ quy tắc rõ ràng cho ngành công nghiệp tiền số. Công ty cũng khẳng định loại tiền mình sử dụng trên nền tảng không phải chứng khoán.

“Coinbase cho biết các loại tiền mà công ty liệt kê trên nền tảng không thể được coi là chứng khoán. Tuy nhiên, sẽ rất khó để chứng minh”, Lisa Bragança, một luật sư, nói.

Nếu Coinbase thua kiện, một số hoạt động kinh doanh của sàn sẽ buộc phải tách biệt. Công ty cũng có nguy cơ hủy niêm yết các token. Theo nhà phân tích Dan Dolev của Mizuho Securities, khoảng 1/3 doanh thu công ty đang bị đe dọa.

Coinbase đã phải vật lộn tìm kiếm lợi nhuận sau khi giá tiền số lao dốc. Theo nhà cung cấp dữ liệu CCData, công ty báo lỗ quý thứ 7 liên tiếp và thị phần chung cũng giảm. Coinbase đang cố gắng tìm cách kiếm tiền và mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài nước Mỹ - nơi công ty tạo ra hơn 80% doanh thu vào năm 2022.

Các nhà phân tích nghi ngờ tiềm năng kiếm tiền từ hoạt động kinh doanh lưu ký của Coinbase, vốn tạo ra doanh thu khoảng 50 triệu USD trong 3 quý đầu năm 2023. Một cuộc chiến về chi phí đã nổ ra giữa các nhà quản lý tài sản và về lâu dài, điều đó có thể ăn vào doanh thu Coinbase. Sự ra đời của các quỹ này cũng có thể phản tác dụng nếu chúng trở nên quá phổ biến đối với các nhà đầu tư chọn mua bitcoin thông qua ETF thay vì sử dụng nền tảng của sàn giao dịch.

Kỳ tích CEO Coinbase: Bình an vô sự trong khi đối thủ ngồi tù, không ngừng vận động hành lang cho tiền số, gọi Bitcoin là ‘mối tình đầu’ - Ảnh 1.

Hiện tại, sự phấn khích xung quanh các quỹ đã khiến giá Bitcoin tăng trở lại, dao động quanh mức 43.000 USD từ 17.000 USD vào tháng 1 năm ngoái. Cổ phiếu Coinbase cũng tăng vọt gấp 4 lần lên mức 170 USD, qua đó giúp công ty đạt vốn hóa hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn kém xa mức đỉnh 350 USD vào năm 2021.

Trong bối cảnh đó, Armstrong tăng cường chiến dịch. Vào tháng 9, Coinbase đưa hơn 50 giám đốc điều hành và doanh nhân đến Washington thúc đẩy phía cơ quan quản lý làm luật. Họ cảnh báo rằng Mỹ có nguy cơ tụt hậu và mất việc làm nếu không sớm ban hành các quy tắc rõ ràng cho ngành công nghiệp tiền số.

Được biết, Coinbase đã chi 2,2 triệu USD vận động hành lang ở Mỹ vào năm ngoái.

Những người tham gia Coinbase với tư cách cố vấn có cựu Thượng nghị sĩ Pat Toomey - một trong những người ủng hộ thẳng thắn nhất. Một số cái tên khác có thể kể đến như Tim Ryan và Sean Patrick Maloney.

“Chúng tôi đang dự phòng cho Coinbase nhiều tình huống. Chúng tôi đang đầu tư vào tương lai”, đại diện Coinbase nói.

Đối với nhiều người trong ngành, Armstrong 40 tuổi đang lấp đầy khoảng trống mà Bankman-Fried, người từng là “đại sứ tiền số” để lại. Adam Jackson, giám đốc điều hành Braintrust, công ty đầu tư mạo hiểm của Coinbase, cho biết: “Khi Sam sa sút, đã có một khoảng trống. Brian bước vào và cố gắng mang lại uy tín cho tiền số”.

Không giống như Zhao và Binance, vụ kiện chống lại Coinbase không nêu tên Armstrong là bị đơn. Công ty cũng không bị cáo buộc lợi dùng tiền của khách hàng.

Nhà phân tích John Todaro của Needham & Co. cho rằng Coinbase đang có một vị thế “tốt chưa từng có” kể từ khi lên sàn. Năm 2022 và 2023 được xem là sóng gió đối với lĩnh vực tiền số song các doanh nghiệp như Coinbase vẫn đang nỗ lực sống sót để vươn lên.

Là người sống nội tâm và khá kín đáo, Armstrong trước đây không quá quan tâm đến việc gặp gỡ những nhà làm luật ở Washington. Theo các cựu nhân viên, việc anh chàng miễn cưỡng khẳng định mình là người dẫn đầu đã khiến nội bộ thất vọng trong thời kỳ FTX phát triển nhanh chóng.

Trong bộ phim tài liệu vào năm 2022, Armstrong cho biết anh không thích trở thành người của công chúng vì nó quá rủi ro.

“Bạn có thể sơ suất và lỡ lời. Đám đông sẽ giận dữ”, anh nói.

Brian Armstrong dành phần lớn cuộc đời tích cực theo đuổi sự nghiệp trong ngành công nghệ. Ngay sau khi phát hiện ra Bitcoin, anh chàng đã tìm cách phát triển thị trường cho loại tiền số mới nổi, thậm chí coi đây như ‘mối tình đầu’.

“Bitcoin là một trong những phát minh quan trọng nhất của thời đại, khiến cả thế giới phải chuyển mình. Thật tuyệt vời khi chứng kiến toàn bộ hệ sinh thái đang phát triển quanh phát minh vĩ đại này. Bitcoin với tôi vẫn là mối tình đầu”, Brian Armstrong nói.

Được biết trước đó, CEO Coinbase đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách Under 40 và được ca ngợi như là một “Rockstar trong cộng đồng Bitcoin”. Anh ủng hộ việc áp dụng Bitcoin và thường xuyên có bài phát biểu tại các hội nghị, hội thảo vận động hành lang cho tiền số.

Theo: WSJ, Bloomberg

Vũ Anh

Từ khóa:  Coinbase , bitcoin
Cùng chuyên mục
XEM