Kỳ tài Thục Hán sánh ngang Bàng Thống, chức vụ cao hơn Triệu Vân, được Lưu Bị ưu ái nhưng cuối cùng bị giáng làm dân thường

17/03/2021 22:30 PM | Sống

Với năng lực hơn người như vậy, hà cớ gì nhân vật này lại bị Gia Cát Lượng giáng làm dân thường?

Trong "Tam quốc chí. Thục chí. Gia Cát Lượng truyện", Bùi Tùng Chi có trích dẫn lại ghi chép trong "Tương Dương ký" Lưu Bị hỏi Tư Mã Đức Tháo về thế sự.

Đức Tháo nói rằng "Nho sinh tục sĩ, há có thể thức thời Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Thế gian này có Ngoạ Long, Phượng Sồ." Bị hỏi là ai, Đức Tháo trả lời: "Đó là Gia Cát Khổng Minh, Bàng Sĩ Nguyên."

Khi Lưu Bị xin Tư Mã Huy tiến cử nhân tài, Tư Mã Huy, cũng tức là Thuỷ Kính tiên sinh đã tiến cử hai nhân tài cho Lưu Bị, lần lượt là Gia Cát Lượng và Bàng Thống.

Từ cơ sở đó, trong những tác phẩm văn học như "Tam quốc diễn nghĩa", có một dạo đã hình thành nên cách nói "Ngoạ Long - Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ".

Nhưng dù có ra sao, điều này cũng chứng minh rằng Bàng Thống là mưu sĩ sánh ngang với Gia Cát Lượng.

Điều đáng được chú ý là, trong số các mưu sĩ của Thục Hán, vẫn còn một kỳ tài sánh ngang được với Bàng Thống, người này chính là Liêu Lập.

Thế nhưng cuối cùng Liêu Lập đã bị Gia Cát Lượng giáng làm dân thường, hơn nữa sau khi Gia Cát Lượng chết, ông còn gào khóc, tại sao lại như vậy?

Kỳ tài Thục Hán sánh ngang Bàng Thống, chức vụ cao hơn Triệu Vân, được Lưu Bị ưu ái nhưng cuối cùng bị giáng làm dân thường - Ảnh 1.

Liêu Lập được Lưu Bị, Gia Cát Lượng đánh giá cao.


Tài năng của Liêu Lập

Trước tiên, căn cứ theo ghi chép trong "Tam quốc chí", Gia Cát Lượng từng nói rằng: "Bàng Thống và Liêu Lập là lương tài đất Sở, làm người giúp chúa hưng nghiệp."

Cũng tức là trong cảm thận của Gia Cát Lượng, Liêu Lập là kỳ tài được xếp ngang hàng với Bàng Thống.

Liêu Lập là người huyện Lâm Nguyên, quận Vũ Lăng. Sau trận Xích Bích, Lưu Bị giành được phần lớn đất đai vùng Kinh Châu, nghe nói Liêu Lập là kỳ tài vùng này, bèn bổ nhiệm Liêu Lập về làm quan Tùng sự của châu. Chẳng bao lâu sau, Liêu Lập chưa tới 30 tuổi đã được Lưu Bị đề bạt làm Thái thú quận Trường Sa.

Vào thời điểm đó, Lưu Bị chỉ nắm được trong tay một số quận của Kinh Châu, mà Liêu Lập có thể trở thành Thái thú của một quận lớn trong số đó, đủ để nói lên địa vị của Liêu Lập trong thế lực của Lưu Bị.

Trái ngược với ông, Triệu Vân đi theo Lưu Bị vào sinh ra tử nhiều năm cũng chỉ là Thái thú quận Quế Dương. Do đó, điều ấy cũng trực tiếp nói lên rằng tài năng của Liêu Lập đã có được sự công nhận từ Lưu Bị.

Sau khi Lưu Bị đem quân tiến vào Ích Châu, Tôn Quyền phái sứ giả tới Kinh Châu, nhân tiện hỏi tới tình hình nhân tài ở Kinh Châu. Trước vấn đề này, Gia Cát Lượng cho rằng Liêu Lập và Bàng Thống đều là nhân tài xuất sắc của đất Sở.

Do đó, có một điều hết sức rõ ràng đó là, trong cảm nhận của Gia Cát Lượng, Liêu Lập là nhân tài sánh ngang với Bàng Thống. Thế nhưng, cũng chính Gia Cát Lượng đã tự tay chấm dứt hoạn lộ của Liêu Lập, có thể nói thành cũng bởi Gia Cát Lượng, bại cũng bởi Gia Cát Lượng.

Tại sao Lưu Bị lại phế Liêu Lập?

Năm Kiến An thứ 20 (năm 215), sau khi chia ranh giới mới tại sông Tương Thủy, quận Trường Sa do Liêu Lập cai quản bị Đông Ngô chiếm cứ, Liêu Lập về tới Ích Châu, Lưu Bị cho ông đảm nhiệm chức Thái thú Ba quận. Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Lưu Bị xưng Hán Trung Vương, bổ nhiệm Liêu Lập làm Thị trung.

Kỳ tài Thục Hán sánh ngang Bàng Thống, chức vụ cao hơn Triệu Vân, được Lưu Bị ưu ái nhưng cuối cùng bị giáng làm dân thường - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng trên phim.


Trong lịch sử nhà Hán, một khi bá quan văn võ được ban chức Thị Trung, có nghĩa là người này có thể vào cung tham gia chính sự. Nói theo cách khách, Liêu Lập nhận được chức Thị trung có nghĩa là ông đã nhận được sự tín nhiệm của Lưu Bị thêm một bước nữa.

Năm Chương Vũ thứ 3 (năm 223), Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện nối ngôi Hoàng đế, Liêu Lập được điều làm Hiệu uý Trường Thuỷ. Điều đáng chú ý ở đây là, với Hậu chủ Lưu Thiện, chỉ cho Liêu Lập làm chức Hiệu uý Trường Thuỷ không mấy quan trọng, điều này khiến chức quan của Liêu Lập kém xa Gia Cát Lượng, Lý Nghiêm.

Vậy là, Liêu Lập không những bực bội trong lòng, kêu ca oán thán, thậm chí còn chỉ trích thẳng những người như Lưu Bị, Quan Vũ.

Ví dụ Liêu Lập cho rằng Lưu Bị không nên phát động trận Hán Trung, mà nên giành giật Kinh Châu với Đông Ngô. Thêm nữa, Liêu Lập còn bình luận Quan Vũ hữu dũng vô mưu. Liêu Lập thậm chí còn cho rằng quan viên Thục Hán bổ nhiệm đều là hạng người tầm thường, cũng tức là ám chỉ một người có tài đức như mình bị vùi dập.

Những lời lẽ này của Liêu Lập có thể nói đã đắc tội toàn thể Thục Hán, ví dụ như việc chỉ trích Lưu Bị và Quan Vũ, điều này khiến Hậu chủ Lưu Thiện cùng với con cháu và thuộc hạ của những người như Quan Vũ, Trương Phi hết sức phẫn nộ.

Còn việc Liêu Lập cho rằng những người được Thục Hán bổ nhiệm đều là kẻ tài hèn sức mọn, vậy thì văn thần võ tướng trong triều đình hiển nhiên đều bị Liêu Lập làm cho nhục nhã.

Dưới tình cảnh ấy, Gia Cát Lượng đã viết một bản tấu chương vạch tội Liêu Lập, rồi dâng lên Hậu chủ Lưu Thiện. Được sự đồng ý của Hậu chủ Lưu Thiện, ban chiếu giáng Liêu Lập làm dân thường, đày tới quận Vấn Sơn.

Kỳ tài Thục Hán sánh ngang Bàng Thống, chức vụ cao hơn Triệu Vân, được Lưu Bị ưu ái nhưng cuối cùng bị giáng làm dân thường - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Lưu Thiện và Gia Cát Lượng trên phim.


Điều này cũng có nghĩa là Liêu Lập không chỉ bị giáng làm dân thường, còn bị lưu đày tới vùng Ích Châu xa xôi, điều này có nghĩa hoạn lộ của kỳ tài Liêu Lập tại Thục Hán về cơ bản đã bị chặt đứt.

Cuối cùng, sau khi chiếu chỉ được ban xuống, Liêu Lập chỉ có thể dẫn theo người nhà tới quận Vấn Sơn, sống tự cung tự cấp tại đó. Tuy rằng không phải lo nghĩ về tính mạng, nhưng ông cũng đã mất đi vũ đài để thể hiện tài năng của bản thân.

Khóc Gia Cát Lượng

Năm Kiến Hưng thứ 20 (năm 234), Liêu Lập nghe nói Gia Cát Lượng qua đời đã gào khóc rất lâu. Nguyên nhân suy cho cùng là bởi Liêu Lập cho rằng sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Thục Hán sẽ chẳng còn ai có thể dùng mình lại lần nữa.

Hay nói cách khác, nếu Gia Cát Lượng chưa chết, Liêu Lập còn có hy vọng được khôi phục chức quan. Thế nhưng, sau khi Gia Cát Lượng qua đời vì đau ốm, có thể nói rằng Liêu Lập đã nản lòng thoái chí. Về sau, đại tướng Khương Duy của Thục Hán từng dẫn quân ngang qua quận Vấn Sơn, có ghé thăm Liêu Lập.

Thế nhưng ở Thục Hán, Khương Duy lại chẳng có được địa vị cao như Gia Cát Lượng, hiển nhiên không dám đề bạt chủ trương dùng lại Liêu Lập. Vậy là, cuối cùng Liêu Lập phải chết già tại quận Vấn Sơn, vùng đất ông bị lưu đày.

Sau khi ông qua đời, vợ và con cái của ông được quay về kinh đô Thành Đô của Thục Hán.

Nói tóm lại, Liêu Lập quả thật là một nhân tài hiếm có, không những có được sự khen ngợi từ Gia Cát Lượng, càng có được sự trọng dụng của Lưu Bị.

Thế nhưng, đây không phải cái cớ để Liêu Lập có thể cậy tài khinh người, thậm chí nói không suy nghĩ. Đối lập với người ngang hàng mình là Bàng Thống, Liêu Lập vốn có thể trở nên nổi bật giữa các mưu sĩ của Thục Hán, nhưng lại bởi bị giáng làm dân thường giữa chừng, bởi thế mới dần giống một kẻ tầm thường.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM