Kỹ năng lạ ít ai chú ý nhưng lại là bí quyết giúp nhiều cha mẹ nuôi dạy con thành công và giàu có
Là cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn nuôi con trẻ sẽ trở thành người tự tin, mạnh mẽ và tỏa sáng. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Để hoàn thành cuốn sách “Raising an Entrepreneur” (Nuôi dạy Doanh nhân), tôi đã nói chuyện với 70 cặp cha mẹ nuôi dạy những người thành công. Khi được hỏi về những kỹ năng họ dạy cho con mình từ khi còn nhỏ, những cặp cha mẹ này đều trả lời là họ dạy cho con mình sự tò mò.
Sự tò mò có thể đi xa hơn khát khao đơn thuần là tìm hiểu mọi thứ. Điều này còn khơi gợi trẻ cố gắng sửa chữa điều gì đó. Tò mò là khi chúng luôn đặt câu hỏi: Cái này hoạt động thế nào? Nó phải hoạt động theo cách này ư? Mình có thể làm cách nào tốt hơn không?
Theo các chuyên gia nghề nghiệp, tò mò là một kỹ năng hiếm nhưng cũng đầy tiềm năng hiện nay. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trường Kinh doanh Harvard nhận định sự tò mò là một đặc điểm được săn đón trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Sự tò mò cho phép mọi người nghĩ sâu sắc hơn, không đánh giá mọi thứ quá nhanh, từ đó đưa những giải pháp sáng tạo hơn. Đây là cách những cặp bố mẹ tôi phỏng vấn nuôi dưỡng sự tò mò ở những đứa trẻ:
1. Khuyến khích con mình sửa chữa mọi thứ
Khi Robert Stephens 24 tuổi, anh sáng lập Geek Squad, một công ty chuyên sửa chữa công nghệ mà sau đó anh bán lại với giá 3 triệu USD.
Robert luôn tò mò về cách mọi thứ hoạt động từ khi anh còn là một cậu bé. Khi đó, anh đã tháo hết tất cả các tay nắm cửa trong căn nhà. "Bố mẹ không hề nổi giận với tôi, họ chỉ bảo tôi hãy lắp chúng lại vào chỗ cũ", Robert nói.
Anh nhanh chóng trở thành người chuyên sửa chữa những đồ vật trong gia đình. "Tôi tháo tung chiếc radio ra để nghiên cứu về nó. Mọi người đều nói "Robert có thể sửa mọi thứ". Điều này khiến tôi tự hào và tự tin về bản thân mình".
Học cách sửa chữa đồ vật giúp trẻ phát triển kỹ năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nếu có đồ dùng gì đó trong nhà cần sửa, như bóng đèn hay vòi nước bị hỏng, hãy coi đây là cơ hội để dạy những đứa trẻ của mình.
2. Truyền cho trẻ sự tự tin để giải quyết vấn đề lớn trong cuộc sống
Jessica Jackley là doanh nhân người Mỹ và co-founder của Kiva, một tổ chức đã cho những doanh nghiệp nhỏ vay hơn 1 tỷ USD.
Theo Jessica, mẹ là người giúp cô tự tin hơn mỗi ngày. “Mẹ nói rằng tôi có thể làm được mọi thứ nếu tôi muốn, dù nó có khó đạt được thế nào. Tôi và mẹ còn nói về cơ hội lãnh đạo khác nhau trong những tình huống cụ thể”.
2 mẹ con Jessica có một quy tắc để cuộc sống không bao giờ buồn chán. “Chúng tôi luôn học hỏi mọi thứ cùng nhau, chơi game, khám phá hay có những cuộc phiêu lưu nhỏ. Tinh thần đó đã chuẩn bị cho tôi trở thành một doanh nhân, người luôn chủ động và nhìn thấy cơ hội trên thế giới", cô gái này chia sẻ.
3. Hỏi con mình những câu hỏi khó
Ellen Gustafson đồng sáng lập FEED Projects vào năm 2007, một doanh nghiệp bán túi và những phụ kiện khác để gây quỹ cho những bữa ăn tại trường học. Hiện cô là một nhà lãnh đạo tư tưởng về đổi mới xã hội.
Mẹ Ellen, bà Maura cho rằng sự thành công của Ellen là nhờ một quy tắc dạy con bà đã áp dụng: "Không quyết định hộ con mình điều gì cả". Thay vì luôn nói Ellen phải làm gì, Maura khuyến khích con mình tự lập và tự nghĩ mọi thứ. "Cách tốt nhất để làm việc đó là đặt cho trẻ những câu hỏi", Maura nói.
Ví dụ khi con bạn định ra ngoài trong cơn bão sét, bạn có thể hỏi trẻ: "Con đặt mình vào một tình huống rất rủi ro, con phân tích nó như thế nào?", "Điều gì khiến con quyết định làm vậy?" hay "Con học được gì từ trải nghiệm này?”.
Những câu hỏi thông minh thể hiện rằng bạn tôn trọng phán đoán của con và giúp chúng tự tin hơn. Điều này cũng dạy trẻ cách quản lý rủi ro và đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn.
*Tác giả bài viết Margot Machol Bisnow một nhà văn, một bà mẹ và người tư vấn về nuôi dạy con cái. Bà đã có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ và là tác giả của cuốn sách Raising an Entrepreneur: How to Help Your Children Achieve Their Dream (Tạm dịch: “Nuôi dạy doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ”).
Theo CNBC Make It